Từ ngày 24/9 Ngoại trưởng của 10 nước ASEAN đã tổ chức một hội nghị không chính thức tại Niu Yóoc, dự định thành lập nhóm chuyên gia biên soạn bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), cho đến gần đây báo chí Nhật Bản bình luận rằng Nhật Bản đang chuẩn bị can thiệp toàn diện vào vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Vấn đề Biển Đông một lần nữa trở nên phức tạp hóa, đồng thời dẫn đến sự quan tâm cao độ của cộng đồng quốc tế. 
“Vì sao vấn đề Biển Đông lại nóng lên như vậy? Hiển nhiên đó là do có người đang cố ý làm ầm ĩ lên. Có phải có một số ít người muốn khơi lên chuyện rắc rối? Có phải có thế lực ngoài khu vực đang tác động? Chuyện như vậy quả thực ai cũng đều biết cả”. 

Tại cuộc họp báo ngày 10/10, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải nhấn mạnh với các phóng viên trong và ngoài nước rằng vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc nên không cần phải nhờ đến nước Mỹ nhắn lời cho các nước ở xung quanh Trung Quốc. 

Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đông Á - Học viện Ngoại giao, Ủy viên Ủy ban Trung Quốc, Hội đồng hợp tác an ninh châu Á-Thái Bình Dương phía Trung Quốc Tô Hạo, khi trả lời phỏng vấn của “Tuần tin tức Trung Quốc” cho rằng ASEAN muốn soạn thảo COC là hành động đơn phương, Trung Quốc coi trọng động hướng này của ASEAN, đồng thời thông qua các chuyên gia, cố vấn phát đi tiếng nói của mình. 

Bên gây rắc rối 

Theo tin của Thông tấn xã Việt Nam ngày 5/10, trước đó một hôm ASEAN cho biết Ngoại trưởng 10 nước thành viên của khối này nhất trí thành lập nhóm chuyên gia soạn thảo COC nhằm thúc đẩy tiến trình giải quyết tranh chấp lãnh hải bằng phương thức hòa bình. Tại hội nghị không chính thức ở Niu Yóoc, các ngoại trưởng cho rằng COC “sẽ là văn kiện có tính ràng buộc về mặt pháp luật”. 

Nhìn tổng quát các hoạt động của ASEAN từ ngày thành lập đến nay thì từ khi các bên ký kết bản “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)” năm 2002, cho đến tháng 7 năm nay khi một số nước trong đó có Philípin cố gắng thúc đẩy việc ký kết COC, sẽ dễ dàng lý giải được việc làm nói trên hiện nay của các nước này. “Về vấn đề Biển Đông, việc làm của các nước ASEAN đã có lịch trình cụ thể”. Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương - Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Hàn Phong cho rằng trong những năm gần đây, nghiên cứu của các nước này về biển đang trở nên ngày càng sâu sắc hơn, trong điều kiện không có thêm những ưu thế nào khác, các nước này lại càng hy vọng vào việc lợi dụng một số khe hở của pháp luật để hành sự. 

Giữa các nước ASEAN cũng có tương đối nhiều bất đồng về lợi ích nên họ cũng khó đi đến nhất trí trong việc giải quyết vấn đề, chắc chắn cá biệt có nước sẽ “tự tìm hướng đi riêng” cho mình, thậm chí sẽ không ngừng gây rắc rối. Vào cuối tháng 9, Philíppin đã tổ chức hội nghị các chuyên gia về biển của 10 nước ASEAN nhằm phân chia các khu vực ở Biển Đông để khai thác năng lượng. Sau đó, Tổng thống Philíppin Aquino đã đi thăm Nhật Bản để bàn tiếp vấn đề Biển Đông. 

Báo chí Nhật Bản đưa tin hai nước dịp đó đã đi đến hiệp định về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông và cơ quan phối hợp đảm bảo tự do an ninh hàng hải, Nhật Bản hỗ trợ vốn giúp huấn luyện lực lượng tăng cường cảnh giới biển của Philíppin, đồng thời cùng với Philíppin xây dựng thể chế trao đổi tình báo liên quan vấn đề Biển Đông. Ngoài việc Philíppin liên kết với Nhật Bản, Việt Nam cũng có ý đồ lôi kéo Ấn Độ, và đã có biểu hiện hợp tác thực sự giữa hai nước. Ngày 18/9 công ty dầu khí hai nước đã đề xuất sẽ ký một “bản ghi nhớ”, đồng thời thảo luận vấn đề “hợp tác chiến lược” song phương, dẫn đến phản đối của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Trong buổi họp báo hôm sau đó, người phát ngôn Hồng Lỗi của Trung Quốc cho biết bất cứ nước nào hoặc công ty nào có các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở khu vực biển do Trung Quốc quản lý mà chưa được Trung Quốc cho phép đều là vi phạm chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, và là trái phép và không có hiệu lực. 

Ngoài khai thác dầu khí, Việt Nam và Ấn Độ còn mở rộng quan hệ quân sự. Tờ “Thời báo Ấn Độ” ngày 15/9 cho biết Ấn Độ đã chuẩn bị giúp Việt Nam huấn luyện tác chiến tàu ngầm và dưới nước trong điều kiện “mật độ dày”. Tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay một phái đoàn quân sự cấp cao do Thứ ký Bộ Quốc phòng Ấn Độ dẫn đầu đã đến Việt Nam thảo luận việc tăng cường hợp tác quân sự song phương nhằm “đối phó với hành động chiến lược của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Theo Hàn Phong, các nước ASEAN trước đây vốn rời rạc nay thể hiện xu hướng liên kết, trong đó chủ yếu là Philíppin và Việt Nam . Mục đích của họ là “làm cho một số quy định trở nên thực chất hơn để kiềm chế Trung Quốc”. Tô Hạo cũng cho rằng bộ quy tắc ứng xử được ASEAN đề xuất lần này phần lớn là hành vi chủ đạo của một số nước cá biệt như Philíppin và Việt Nam . 

Tuy nhiên, một chuyên gia nổi tiếng khác về vấn đề quốc tế là Vương Dật Châu, Phó viện trưởng Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh lại cho rằng COC không thể trở thành văn kiện pháp luật hữu hiệu. Về phía Trung Quốc, cũng cần thiết phải mở rộng phạm vi và mức độ nghiên cứu trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế. 

Những bên có dụng ý xấu 

Thứ trưởng Thôi Thiên Khải trong cuộc họp báo đã trực diện nhắm đến một số “thế lực ngoài khu vực” đang hoạt động, trở thành những kẻ có dụng ý xấu luôn có ý đồ phá rối, can dự vào vấn đề Biển Đông để trục lợi. Buổi họp báo nói trên được tổ chức là để chuẩn bị trước cho buổi thương lượng về các vấn đề ở châu Á-Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ diễn ra vào ngày hôm sau. Một trong những vấn đề mà báo chí tập trung quan tâm là quan điểm của hai nước trong vấn đề Biển Đông, như vậy chứng tỏ nước Mỹ ở ngoài khu vực Biển Đông đã được một số báo chí coi là một trong những nước đương nhiên có “vai trò chính” trong việc giải quyết vấn đề thuộc lĩnh vực này. 

Những năm gần đây, nước Mỹ vốn đang đẩy nhanh tiến độ trở lại châu Á rõ ràng cũng đang nỗ lực ghi dấu ấn của mình về quyền lãnh đạo ở khu vực này. Bắt đầu từ năm 2009, hàng năm Mỹ đã chủ đạo trong việc tổ chức “hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo ASEAN-Mỹ” để tăng cường địa vị của họ ở ASEAN, nhất là đã làm sâu sắc thêm quan hệ lợi ích giữa họ với các nước thành viên ASEAN. Đồng thời, Mỹ nhiều lần gây chuyện với Trung Quốc ở xung quanh Trung Quốc nên tranh chấp Biển Đông đã nhiều lần nóng lên. “ASEAN chắc chắn sẽ gắn liền với Mỹ, Mỹ cũng phải tiếp tục duy trì vai trò của họ ở đây để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc, vấn đề Biển Đông cũng đúng lúc là con bài trong tay của họ”. Hàn Phong nhận định như vậy và cho rằng Mỹ can thiệp vào Biển Đông là nhằm ba mục đích: ổn định khu vực; đảm bảo lợi ích của đồng minh và nâng cấp quan hệ song phương với đồng minh; đảm bảo lợi ích thương mại. 

Có nhà phân tích cho rằng một loạt việc làm của ASEAN cho thấy ASEAN có ý đồ quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, Hàn Phong lại cho rằng nhận định như vậy là quá chung chung, vì vấn đề Biển Đông có rất nhiều cấp độ, tầng nấc, “vốn đều là vấn đề quốc tế” cả, trong đó ngoài tranh chấp lãnh thổ, có một số vấn đề trước nay vốn đã liên quan đến khu vực hoặc liên quan đến các bên khác, ví dụ như các vấn đề về môi trường, quản lý trị thủy hải dương, chống cướp biển v.v... Vì thế quốc tế hóa cần phải phân tích cụ thể, cần cảnh giác và kiên quyết phản đối ý đồ quốc tế hóa tranh chấp lãnh thổ lãnh hải với dụng ý xấu. 

Cùng với việc Aquino thăm Nhật Bản, xu thế Nhật Bản là nước ngoài khu vực nhảy vào cũng mạnh như vậy. Theo báo chí Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch cùng với các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philíppin thành lập cơ quan phối hợp trong các công việc liên quan đến chủ quyền Biển Đông và đảm bảo tự do an ninh hàng hải. Báo chí Nhật Bản bình luận việc làm này cũng có nghĩa là Nhật Bản đang chuẩn bị can dự toàn diện vào vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin Nhật Bản sẽ cố gắng xây dựng khuôn khổ giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua thảo luận đa phương để làm sâu sắc thêm vấn đề hợp tác an ninh biển trước khi diễn ra hội nghị cấp cao Đông Á vào tháng 11. Đồng thời Ngoại trưởng Nhật Bản Genba có kế hoạch cùng với Mỹ kêu gọi xây dựng khuôn khổ thương lượng đa phương trong khối ASEAN. Tuy nhiên, nguồn tin trên cho rằng ý tưởng của Nhật Bản có thể bị phản đối. 

Hàn Phong cho rằng xét từ góc độ an ninh lưu thông thì dụng ý của Nhật Bản trong việc vội vã can thiệp vào Biển Đông là dễ hiểu. “Nhật Bản đã quan tâm đến Biển Đông từ lâu, đồng thời cũng luôn tìm kiếm cơ hội”. Cùng với việc Trung Quốc trỗi dậy, Nhật Bản lại càng hy vọng tìm kiếm có sự hô ứng ở khu vực này. Vì thế, những hành động nói trên đều chứng tỏ cách tư duy mới của họ. Tô Hạo cho rằng “ý đồ của Nhật Bản là rất rõ ràng, đó là mượn vấn đề Biển Đông để gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề về Đông Hải dụng ý như vậy là hết sức không tốt”, đồng thời cho biết việc Nhật Bản đề xuất chủ trương phải thành lập cái gọi là cơ quan phối hợp chỉ có thể làm cho tình hình Biển Đông hỗn loạn thêm. 

Tư duy mới của Trung Quốc 

Một vấn đề cũ do lịch sử để lại, do các kiểu mắc mớ về lợi ích đã làm cho ngày càng có nhiều mâu thuẫn phức tạp “cắt không đứt, gỡ vẫn rối”. Các chuyên gia nhất trí cho rằng Trung Quốc là nước đang trỗi dậy cần phải có tư duy ngoại giao mới. Từ trước đến nay, dù mâu thuẫn nảy sinh nhiều nhưng Trung Quốc vẫn giữ lập trường bao dung. Ngày 27/9, khi nói về chuyến thăm Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi cho biết Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận, có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý. Hy vọng nước hữu quan và Trung Quốc cùng nỗ lực, giữ cho khu vực Biển Đông hòa bình ổn định. Về tự do và an ninh hàng hải ở khu vực Biển Đông thì từ trước đến nay không tồn tại vấn đề này, các nước trong và ngoài khu vực đều được hưởng lợi về tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông. 

Thái độ tương tự cũng được thể hiện trong Sách Trắng về “phát triển hòa bình của Trung Quốc” do Văn phòng báo chí Quốc vụ viện công bố ngày 6/9. Trong bài viết trên tờ báo sớm “Liên hợp buổi sáng” ngày 7/9, nghiên cứu viên Tiết Lí Thái thuộc Trung tâm an ninh và hợp tác quốc tế -Đại học Stanford, cho rằng mục đích của Sách Trắng là nhằm thể hiện “tất cả nếu chưa vượt qua điểm tới hạn về lợi ích cốt lõi của Trung Quốc thì Trung Quốc luôn thực hiện “tiên lễ hậu binh”, vì thế Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Nhiều học giả khác cũng đã nói về lập trường của Trung Quốc trong việc làm bạn với các nước ở khu vực. Tuy nhiên, những học giả này cũng đều cho rằng Trung Quốc phải cần đến trí tuệ ngoại giao nhiều hơn nữa. Trong bài viết về “ngoại giao thực lực mềm của Trung Quốc ở Đông Nam Á”, Học giả về vấn đề quốc tế của Đan Mạch Johannes Schmidt cho rằng “Trung Quốc cần phải đảm bảo sao cho các nước thành viên ASEAN duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc chứ không phải với các nước mạnh hơn và giàu hơn, đồng thời phải thiết lập một cơ cấu khu vực ổn định”. 

Hàn Phong cho rằng Trung Quốc cần phải tìm kiếm kênh hợp tác đa phương, trong khi nâng cao năng lực quản lý chuyên nghiệp hóa, đồng thời cũng phải nâng cao năng lực giải quyết vấn đề Biển Đông. Về tư duy ngoại giao mới của Trung Quốc, người đề xướng lý luận về “can dự mang tính sáng tạo” Vương Dật Đơn cho rằng lý luận này cũng áp dụng thích hợp trong vấn đề Biển Đông như vậy. Liệu Trung Quốc có được sách lược giải quyết ổn thỏa vấn đề tranh chấp Biển Đông hay không, có điều khiển được xu hướng lớn ở Biển Đông một cách toàn diện hay không, đó sẽ là hòn đá thử vàng để xem việc “can dự sáng tạo” của Trung Quốc trong giai đoạn mới có đạt hiệu quả hay không. Vương Dật Đơn cho rằng trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cần phân biệt lại cho rõ hơn loại hình và thực chất của vấn đề an ninh truyền thống và vấn đề an ninh phi truyền thống, phân biệt rõ các lĩnh vực và vấn đề khác nhau giữa đàm phán song phương và hiệp thương đa phương, xử lý vấn đề lớn bằng cách phân tầng và có phân biệt giữa các cấp độ khác nhau. 

  Theo Tạp chí “Tuần tin tức Trung Quốc”

 Viết Tuấn (gt)