xi_beijing_net.jpg

Trung Quốc đang hứng chịu một loạt khó khăn ngoại giao trong thời gian gần đây. Quan hệ với Mỹ đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ do cuộc chiến tranh thương mại leo thang. Trong tháng 7/2018, Malaysia đã đình chỉ 4 dự án của Trung Quốc trong bối cảnh Kuala Lumpur cố gắng tìm cách tách khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Bắc Kinh. Từ Myanmar, Sri Lanka đến Việt Nam, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đều gặp khó khăn. Tất cả những điều này là cản trở đối với hy vọng của Tập Cận Bình xây dựng một nước Trung Quốc vĩ đại trên quy mô toàn cầu. Dù mong muốn đóng vai trò một chính khách có trách nhiệm, song những chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình lại đầy tranh cãi và những lời hứa không được thực hiện. Nếu muốn khôi phục vị thế cường quốc của Trung Quốc và khẳng định sự ưu việt của Trung Quốc tại Đông Á, Tập Cận Bình cần nhìn lại lịch sử của Trung Quốc và học cách sử dụng quyền lực một cách hiệu quả.

Trong nhiều thế kỷ, các vương triều Trung Hoa giữ vai trò nhất định đối với các sự kiện thế giới theo đúng cách mà ông Tập Cận Bình mong muốn hiện nay. Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong trật tự kinh tế và ngoại giao Đông Á, vốn được xem là có sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng trong một thời gian dài. Trật tự này dựa trên "hệ thống cống nạp". Ở phương Tây, cụm từ này gợi lên những hình ảnh không vừa mắt về những nhà trị vì tàn bạo và những nước chư hầu sợ sệt. Rõ ràng, nhiều nước Đông Á cũng thừa nhận quyền lực của Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế "hệ thống cống nạp" này là một cơ chế phức tạp của quan hệ ngoại giao với những quy định, tập tục và giá trị của riêng nó.

Hệ thống này hình thành từ những nguyên tắc của Nho giáo, hệ tư tưởng chi phối các chính sách cầm quyền của xã hội phong kiến Trung Quốc, là chất keo văn hóa gắn kết khu vực. Theo tư tưởng Nho giáo, các mối quan hệ đều có tôn ti, thứ bậc nhưng không bất bình đẳng. Người mạnh phải có trách nhiệm đối xử với những thuộc hạ của mình bằng sự khôn khéo và tốt bụng. Mạnh Tử nói rằng: "Khi một người dùng sức mạnh để đánh bại những người khác thì họ sẽ không toàn tâm toàn ý phục tùng ông ta" và "khi một người dùng đức hạnh để chinh phục những người khác thì từ trong sâu thẳm trái tim họ, họ hài lòng và phục tùng một cách trung thành".

Trung Quốc có sức mạnh quân sự và kinh tế để buộc các nước láng giềng phải phục tùng. Tuy nhiên, những hoàng đế Trung Hoa lại thể hiện sự kiềm chế. Theo David Kang, Giáo sư về quan hệ quốc tế và quản trị kinh tế tại Đại học Nam California (Mỹ) từ khi hình thành triều đại nhà Minh năm 1368 cho đến Chiến tranh Nha phiến đầu tiên vào những năm 1840, Trung Quốc chỉ 1 lần xâm lược một quốc gia Đông Á và các nước khu vực nhìn chung đều chấp nhận quyền bá chủ của Trung Quốc. Cuộc xâm lược Triều Tiên vào những năm 1590 của Nhật Bản là nỗ lực duy nhất thách thức uy thế của Trung Quốc trong giai đoạn này.

Sở dĩ "hệ thống cống nạp" có tác dụng bởi vì tất cả các bên đều thấy lợi ích về thương mại và ngoại giao từ nó. Các hoàng đế thường ban tặng cho các nước chư hầu những món quà giá trị hơn là những cống phẩm mà họ nhận được. Thi thoảng, họ cũng nhượng bộ khi không nhất thiết phải làm vậy. Tất nhiên, những thời kỳ này không phải lúc nào cũng yên bình, đặc biệt là với những nước láng giềng phía Tây. Tuy nhiên, xung quanh Tập Cận Bình là những quan chức có tư tưởng Nho giáo và họ nhiều khả năng đã khuyên ông cần hành động với nhiều sự kiên nhẫn hơn, nhiều sự hào hiệp và hòa giải hơn để thuyết phục lãnh đạo các quốc gia khác cộng tác với mình một cách thiện chí.

Trên thực tế, điều này có nghĩa là gì?

Trước hết, Trung Quốc cần kiềm chế việc quân sự hóa những khu vực tranh chấp trên Biển Đông, thay vào đó là ngồi lại với các bên có tuyên bố chủ quyền khác để cùng tìm kiếm một thỏa thuận để nhận được sự ủng hộ của nước ngoài, trong khi vẫn duy trì được ưu thế vượt trội của Trung Quốc.

Để giải quyết cuộc chiến tranh thương mại với Washington, Bắc Kinh căn cứ vào nguyên tắc Nho giáo về sự "có đi có lại" và sẵn sàng đối đãi với các công ty nước ngoài trên lãnh thổ của Trung Quốc giống như cách mà các công ty Trung Quốc đang được đối đãi ở nước ngoài. Hơn thế nữa, với sáng kiến "Vành đai và Con đường", ông Tập có thể chia sẻ lợi ích một cách bình đẳng hơn với các nước tham gia, từ đó tránh khỏi những hậu quả tiêu cực. Không phải cứ có sức mạnh nghĩa là có thể sử dụng nó. Một siêu cường đôi khi cũng phải hy sinh để bảo vệ vị thế của mình.

Bài viết của nhà báo Michael Schuman, tác giả cuốn sách "Khổng Tử và thế giới do ông tạo ra”. Bài viết đăng trên trang “Bloomberg”.

Mỹ Anh (gt)