Đường 9 đoạn giờ thành Đường 10 đoạn (ảnh minh họa do NCBĐ chụp trên Map World ngày 11/2/2011)

 

 
Quốc tế tiên khu đạo báo” (Hỏi): Bắt đầu từ nửa cuối năm 2010, báo chí nước ngoài đưa tin ầm ĩ việc Trung Quốc sử dụng cách nói “lợi ích cốt lõi” khi đề cập vấn đề Nam Hải (Biển Đông). Có phải giáo sư nghi ngờ cách đề cập của báo chí như vậy về chính sách đã định của Trung Quốc? 


Chu Phong (Trả lời): Đúng vậy. Báo chí phương Tây và quan chức Mỹ nói Trung Quốc tuyên bố Nam Hải (Biển Đông) là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, từ giữa năm 2010 cách nói này được đưa tin rộng rãi, nhưng trên thực tế không có căn cứ gì xác thực. Theo điều tra nghiên cứu của cá nhân, tôi không cho rằng quan chức Trung Quốc đã chính thức nêu rõ “Nam Hải (Biển Đông)  là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” trong khi đối thoại, nhiều lắm cũng chỉ nói “Nam Hải (Biển Đông) liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” trong một lần gặp kín giữa quan chức cao cấp Trung Quốc với quan chức Mỹ. Trong ngữ nghĩa của tiếng Hán, Nam Hải (Biển Đông) “là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” hoàn toàn khác với nói “Nam Hải (Biển Đông) liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. 


Cho dù như thế đi chăng nữa, cách nói Nam Hải (Biển Đông) liên quan đến lợi ích cốt lõi kỳ thực cũng là cách hiểu lầm cần phải được làm rõ, không hẳn đã đại diện cho chính sách chính thức của Trung Quốc. Cho dù tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa chưa có cách nào giải quyết được, Trung Quốc và các nước ASEAN muốn tiếp tục thúc đẩy “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” khi chính sách của các bên liên quan chưa có gì thay đổi lớn, vẫn phải tiếp tục giữ đối thoại để giải quyết tranh chấp. Trung Quốc cũng không thể làm thay đổi trạng thái tự do hàng hải quốc tế ở khu vực này, vậy tại sao lại phải nâng biển Biển Đông lên thành “lợi ích cốt lõi”? 


Hỏi: Vì sao sau khi được báo chí đưa tin, “thuyết lợi ích cốt lõi ở Nam Hải (Biển Đông)” lại gây tác động lớn như vậy trên trường quốc tế? 


Trả lời: “Thuyết lợi ích cốt lõi ở Nam Hải (Biển Đông)” có ý nghĩa đặc biệt trong ngôn ngữ ngoại giao. Vấn đề Trung Quốc tuyên bố thành “lợi ích cốt lõi” là nhấn mạnh tất cả mọi chính sách lựa chọn của phía Trung Quốc, trong đó bao gồm cả vũ lực để giải quyết vấn đề. Nếu có người suy diễn quần đảo Trường Sa là lợi ích chủ quyền của Trung Quốc, chủ quyền là lợi ích hạt nhân của Trung Quốc thì quần đảo Trường Sa là ở Nam Hải (Biển Đông), nên Nam Hải (Biển Đông) là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Suy luận như vậy còn có thể hiểu được, nhưng cũng không thực tế. Vùng biển Nam Hải (Biển Đông) không chỉ bao gồm quần đảo Trường Sa, mà cũng đồng thời là tuyến đường thủy thương mại nhộn nhịp nhất của châu Á, là vùng biển quốc tế gồm lãnh hải, khu đặc quyền kinh tế và vùng biển quốc tế của 7 quốc gia. Tuyên bố Nam Hải (Biển Đông) là lợi ích cốt lõi kỳ thực không hề sáng suốt, không chỉ dẫn đến sự lo ngại của các nước Đông Nam Á, làm cho các nước khác có lợi ích thương mại, vận tải đường biển và an ninh ở vùng biển này phải cảnh giác hơn, mà sẽ còn bị hiểu thành tín hiệu cho thấy Trung Quốc muốn hoạch định phạm vi thế lực trên biển của mình ở Đông Á, vì như vậy có nghĩa phương thức giải quyết tình hình Nam Hải (Biển Đông) tới đây sẽ hoàn toàn phải xử lý theo cách của Trung Quốc, các nước khác không có quyền can thiệp. 


Cách nói “Nam Hải (Biển Đông) là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” mà báo chí nước ngoài đưa tin, tôi nghi đó không phải là lập trường chính thức của Trung Quốc. Điều đáng phải cảnh giác là Mỹ đã tiết lộ thông tin tại một hội nghị khép kín đối với báo chí, rồi lại mượn cớ đó gây khó khăn cho chiến lược Biển Đông của Trung Quốc. Đối với việc Mỹ can thiệp vào công việc ở Biển Đông, Trung Quốc cần kiên quyết phản công lại nhưng cũng không cố ý nâng Biển Đông lên thành lợi ích cốt lõi để tạo ra tình hình căng thẳng. 


Vì thế tôi chủ trương Trung Quốc cần phải thận trọng khi sử dụng cách nói “lợi ích cốt lõi” trong vấn đề Biển Đông, một là chúng ta đã ký “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, không cần thiết phải để cho người khác có ấn tượng Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách; hai là vấn đề Biển Đông không phải cứ đơn giản tuyên bố vấn đề Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” là có thể thúc đẩy giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông theo phương thức như Trung Quốc lý giải. 


Hỏi: Nội hàm của “lợi ích cốt lõi” cuối cùng sẽ là gì? 


Trả lời: Trong chính sách ngoại giao, Trung Quốc tuyên bố và nhấn mạnh “lợi ích cốt lõi” là đặc biệt muốn nói rằng trong quan hệ đối ngoại, đề tài ngoại giao như vậy là có đặc điểm không thể nhượng bộ, không thể tranh cãi, không cho phép can thiệp. Ví dụ, phản đối Đài Loan độc lập, tấn công thế lực ly khai ở Tây Tạng là giữ “lợi ích cốt lõi” mà Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh. 


Hỏi: Trong bài viết của Ủy viên quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại giao cuối năm 2010 nói rõ: Lợi ích cốt lõi của Trung Quốc thứ nhất là bảo vệ chế độ xã hội cơ bản và an ninh quốc gia; hai là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia; ba là kinh tế xã hội phát triển ổn định bền vững. Giáo sư nhìn nhận cách thể hiện này như thế nào? 


Trả lời: Ông Đới Bỉnh Quốc đã nói đến ba bộ phận hợp thành trong lợi ích cốt lõi của Trung Quốc một cách chuẩn xác: Chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển, đã trình bày rõ “quan điểm lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Chủ quyền bao gồm chủ quyền lãnh thổ không thể xâm phạm; an ninh là ý nói quốc gia không bị xâm lược và không bị đe dọa, giữ được chế độ chính trị mà mình lựa chọn, đảm bảo an ninh kinh tế tài chính và ổn định xã hội. Phát triển là nói đến phát triển bền vững về kinh tế và xã hội, thực hiện an ninh năng lượng, tài nguyên và đảm bảo môi trường của thị trường cởi mở, tự do. Nắm vững ba “lợi ích cốt lõi” lớn trên đây là sự đảm bảo chiến lược để Trung Quốc nắm vững và vận dụng tốt thời cơ chiến lược. 


Tuy nhiên, chúng ta không thể bàn luận một cách giản đơn bằng cách đánh đồng giữa “quan điểm lợi ích cốt lõi” vốn được coi là nguyên tắc cơ bản trong lợi ích quốc gia với “thuyết lợi ích cốt lõi” trong thực tiễn quan hệ đối ngoại cụ thể của Trung Quốc, lại càng không thể mở rộng vấn đề mang tính tranh cãi trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc thành “lợi ích cốt lõi” một cách đơn giản. 


“Quan điểm lợi ích cốt lõi” là nguyên tắc cơ bản chỉ dẫn cho cách định nghĩa và nhận thức về lợi ích quốc gia của Trung Quốc; còn “thuyết lợi ích cốt lõi” là phản ứng đặc biệt đối với vấn đề đặc biệt trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, là thực tiễn cụ thể của “quan điểm lợi ích cốt lõi” trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Nếu chúng ta cứ dễ dàng chụp lên cho tất cả các vấn đề trong chính sách ngoại giao chiếc mũ “lợi ích cốt lõi”, thì khái niệm “lợi ích cốt lõi” sẽ bị làm cho suy yếu đi. 

 

Hỏi: Được biết ở nước Mỹ có cơ quan chuyên môn là Ủy ban lợi ích quốc gia, phân định chi tiết lợi ích quốc gia của nước họ thành lợi ích cốt lõi, lợi ích quan trọng và lợi ích tương đối quan trọng. Có phải Trung Quốc cũng cần phân ra như vậy? 


Trả lời: Trung Quốc đương nhiên cũng cần phân ra như vậy. Tôi càng thiên về hướng phân lợi ích quốc gia thành “lợi ích chiến lược”, “lợi ích quan trọng” và “lợi ích thứ yếu”. Lợi ích chiến lược là lợi ích quốc gia cần phải quan tâm lâu dài, kiên quyết theo đuổi và thực hiện; lợi ích quan trọng là lợi ích phải ưu tiên xử lý và đảm bảo trong chương trình nghị sự của chính sách quốc gia. “Lợi ích thứ yếu” là lợi ích quốc gia trước mắt có thể còn khó tìm được đối sách hữu hiệu, vị trí còn tương đối ở phía sau trong tương quan giữa các mục tiêu chiến lược, vì thế có thể cứ để cho “tạm ổn” trước như vậy. 


Hỏi: Theo ông lợi ích chiến lược của Trung Quốc cụ thể có những gì? 


Trả lời: Đầu những năm 1980, Đặng Tiểu Bình có đề ra đường lối chung của Đảng trong thời kỳ mới, trong đó mục tiêu chiến lược trong chính sách ngoại giao Trung Quốc là thực hiện “môi trường quốc tế hòa bình ổn định để đảm bảo xây dựng kinh tế Trung Quốc là trung tâm”. Hiện nay Trung Quốc chỉ có “môi trường xung quanh hòa bình ổn định” là không đủ, chúng ta còn phải “có được thị trường quốc tế hợp tác, rộng mở,” và “các nguồn tài nguyên, năng lượng an toàn và đáng tin cậy”. Vì thế, hòa bình, thị trường và tài nguyên (nguồn năng lượng trong đó có dầu thô) quốc tế đã trở thành lợi ích chiến lược cơ bản của Trung Quốc. 


Hỏi: Lợi ích quốc gia cũng thay đổi và phát triển theo thực lực tổng thể của quốc gia và môi trường bên ngoài, giáo sư bàn đến việc phán đoán của chúng ta về lợi ích quốc gia còn chưa theo kịp tốc độ thay đổi của tình hình trong và ngoài nước, vậy tình trạng bất cập đó được biểu hiện cụ thể qua những phương diện nào? 


Hỏi: Một là, khác biệt giữa cách nhìn nhận của Trung Quốc đối với thế giới và cách nhìn nhận của thế giới đối với Trung Quốc đã tăng lên rõ rệt. Phương Tây tuy không thiếu những biểu hiện phê phán, xoi mói, chỉ trích, thậm chí bịa đặt ác ý đối với Trung Quốc giống như giải thưởng Nobel hòa bình năm 2010, nhưng Trung Quốc trỗi dậy là một sự thực cả thế giới đều thấy, không ai có thể phủ nhận được. Nhưng mặt khác, tình cảm chống đối của một bộ phận người Trung Quốc cũng ngày càng rõ, thậm chí kích động chiến tranh cũng đang tăng lên, tranh cãi trong cách nhìn nhận về công việc quốc tế của dân chúng ngày càng mạnh, tính chất mơ hồ về thế giới quan của người Trung Quốc cũng ngày càng lộ rõ. 


Thứ hai, người Trung Quốc luôn ở trong tình trạng ngây ngất, tự thỏa mãn trên bình diện đạo đức, bị trói buộc bởi chủ nghĩa “nguyên tắc” giáo điều. Không ít đề án ngoại giao chú trọng chiếm lĩnh thành quả tối ưu về mặt đạo đức mà bỏ qua biện pháp ứng phó chiến lược, hô khẩu hiệu suông nhưng lại thiếu đối sách mang tính thực chất, kết quả là đã coi thường chú trọng lợi ích quốc gia thực chất. Ví dụ, trong quan niệm của người Trung Quốc, nhân tố ẩn sâu nhất là “âm mưu của nước Mỹ” và “Mỹ bao vây Trung Quốc”. Vì Mỹ có không biết bao nhiêu sai lầm theo chủ nghĩa đơn phương và chính sách bá quyền, vì Mỹ vẫn tăng cường địa vị lãnh đạo ở Đông Á nên chỉ cần “chống Mỹ” thì dường như đó là “chính trị đúng đắn”, “hiểu được sự hiểm độc” trong ý đồ của Mỹ chính là yêu nước. Những kiểu suy nghĩ như vậy đều không bình thường. 


Thứ ba, do “định hướng dư luận” theo ý đồ chính trị và vươn lên “chiếm lĩnh trận địa” theo tập đoàn lợi ích nên ngược lại đã khiến cho việc thảo luận trên báo chí và trong dư luận thường chỉ chú trọng hưởng ứng theo “tình cảm dân tộc” mà bỏ qua nhận thức theo nhiều góc độ, chuẩn xác theo lý tính. 


Quan hệ quốc tế không bao giờ là quan hệ đạo đức, mà là quan hệ lợi ích. Nói cho cùng, lợi ích quốc gia của Trung Quốc là dựa vào người dân Trung Quốc tự tìm kiếm, tranh thủ và sáng tạo, dựa vào lời lẽ và hành động của chúng ta trên cơ sở đồng lòng thống nhất, cùng lý giải và tôn trọng của tất cả mọi người để xây dựng nên chứ không phải dựa vào việc chúng ta tự cho rằng chiếm lĩnh được vị trí đỉnh cao của đạo đức là có thể thực hiện được, càng không phải dựa vào việc cứ nhắc lại ý thức bi thương, lập trường đấu tranh và quan niệm địch ta là có thể giải quyết được. Nếu chúng ta cứ suy nghĩ vấn đề mãi như vậy sẽ ngày càng rơi vào tình trạng nhận thức khó khăn “tự nói tự nghe, tự mình chơi với mình”. 


Hỏi: Vậy phải như thế nào mới bảo vệ được lợi ích quốc gia của Trung Quốc tốt hơn? 


Trả lời: Muốn vậy, trước hết phải nâng cao địa vị và tầm quan trọng của ngành ngoại giao trong cơ cấu quyền lực của Trung Quốc. Cần phải có kế hoạch thống nhất chặt chẽ giữa ngoại giao với chính trị và nhu cầu chính trị trong nước, quy hoạch hợp lý “hai đại cục” trong thế cùng hỗ trợ lẫn nhau. 


Thứ hai, ngoại giao nước lớn đòi hỏi lý trí, lại càng phải đòi hỏi cá tính. Hơn nữa quyết tâm và ý chí tìm kiếm, theo đuổi các phương án đảm bảo lợi ích quốc gia cũng hết sức quan trọng. Chính sách ngoại giao tốt là chính sách nhạy cảm cao độ, định vị đúng đắn và có hiệu quả kịp thời đối với lợi ích quốc gia. 


Thứ ba, báo chí và dư luận Trung Quốc cần thể hiện được trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cần thiết, vừa không rơi vào tình trạng tự mình hấp tấp với “thuyết âm mưu từ bên ngoài”, vừa chỉ đưa những tin “bắt mắt” giản đơn chạy theo thị trường. Báo chí cũng cần thay đổi ý thức, phải là các cơ quan báo chí tích cực, lý tính và có tầm dự báo, có sự lựa chọn hoặc khuyến khích hoặc loại bỏ đối với trạng thái tâm lý của người Trung Quốc về thế giới bên ngoài. 

 

Theo Quốc tế Khu đạo báo

Văn Hồng (gt)