china-banknotes.jpg

Về chế độ tỷ giá liên quan đến đồng nhân dân tệ

Để hiểu những gì đã xảy ra, chúng ta phải hiểu cơ chế tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. Từ năm 1994 đến năm 2005, Trung Quốc đã áp dụng một tỷ giá hối đoái cố định đối với đồng USD. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đảm bảo tỷ giá chính thức thông qua việc kiểm soát nghiêm ngặt thị trường ngoại hối. Khi tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc tăng mạnh trong những năm 2000 thì hệ thống này đã bộc lộ nhiều bất cập. Trung Quốc đã phải cởi mở hơn để thu hút đầu tư nước ngoài. Trong năm 2005, Trung Quốc đã quyết định áp dụng chính sách tỷ giá “thả nổi có kiểm soát” đối với đồng nhân dân tệ. Kể từ đó, đồng nhân dân tệ có thể dao động trong một phạm vi “giới hạn” so với một “tỷ lệ cơ bản” được xác định trong một “rổ” tiền tệ lớn. Hệ thống này đã bị đình chỉ trong cuộc khủng hoảng 2008-2010. Tuy nhiên, vào năm 2014, biên độ dao động được nới rộng từ 1% đến 2%.

Điều chỉnh kỹ thuật?

Tham vọng của Bắc Kinh là biến đồng nhân dân tệ thành một đồng tiền quốc tế, có thể chuyển đổi và là một phương tiện dự trữ. Đây là tham vọng không chỉ mang tính kinh tế mà còn mang tính địa chính trị rõ ràng và nhằm làm giảm vai trò của đồng USD. Vì thế, Trung Quốc đã cam kết tự do hóa dần dần đối với đồng nhân dân tệ. Quyết định phá giá ngày 11/8 được giải thích như là một cách để thúc đẩy tiến trình này. Thật vậy, quyết định mới này về tỉ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD cho phép khuyến khích một mức giá “tùy thuộc vào cung cầu và biến động của các đồng tiền lớn”. Khi tỉ giá định hướng ngày càng xa so với giá thị trường do sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc và triển vọng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, PBoC quyết định phá giá đồng nhân dân tệ nhằm cho phép hệ thống mới hoạt động tốt. Đây là một biện pháp “đặc biệt” nhằm thúc đẩy một bước tiến mới hướng tới sự dịch chuyển theo định hướng của thị trường đối với đồng nhân dân tệ.

Tham gia “giỏ SDR” của IMF

Trung Quốc có thể hy vọng rằng tiến trình này tạo thuận lợi cho đồng nhân dân tệ tham gia câu lạc bộ “rất độc quyền” của các đồng tiền làm thành “đồng tiền” của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Điều này sẽ biến “đồng tiền đỏ” (đồng nhân dân tệ) trở thành một ngoại tệ tham chiếu toàn cầu. Đến nay, tỉ giá của SDR được xác định chỉ bởi bốn loại tiền tệ: đồng euro, đồng USD, bảng Anh và yên Nhật. IMF đã hứa sẽ xem lại giỏ SDR vào tháng 9/2016. Một đồng tiền muốn gia nhập câu lạc bộ độc quyền này cần phải có một vị trí quan trọng trong các giao dịch quốc tế và được "tự do sử dụng". Đây là một mục đích ẩn ý của quyết định phá giá đồng nhân dân tệ ngày 11/8.

Suy thoái kinh tế

Thực tế là nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng ảm đạm với chiều hướng đi xuống rõ ràng. Trong khi các con số chính thức vẫn đang là mơ ước đối với cả hành tinh với tỉ lệ tăng trưởng 7%, nhưng ngày càng nhiều người không coi trọng con số tăng trưởng của nước này. Mặt khác, xuất khẩu đang là vấn đề đặc biệt đáng lo ngại. Xuất khẩu tháng 7 giảm 8,3% so với năm trước và thấp hơn 1,5% so với dự kiến của giới phân tích. Tại một quốc gia vẫn còn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu thì con số này còn tệ hơn. Đặc biệt là khi Trung Quốc vẫn còn bị suy giảm đáng kể về tín dụng, nhất là liên quan đến các khoản vay cho các doanh nghiệp phi tài chính và cá nhân. Thêm vào đó, tình trạng hỗn loạn của thị trường chứng khoán khiến sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải mất 1/3 giá trị trong vòng 3 tháng.

Vậy đâu là sự phát triển?

PBoC đã can thiệp tích cực từ tháng 11/2014 để thúc đẩy hoạt động sản xuất, trong đó có việc giảm lãi suất cơ bản từ 5,6% xuống 4,85%, nhưng hiệu quả rất thấp. Trung Quốc đang gặp phải tình trạng rất mâu thuẫn. Trung Quốc cần đầu tư và tín dụng (nợ) để hỗ trợ tăng trưởng; nhưng nhiều ngành như luyện kim, khai thác khoáng sản hoặc năng lượng mặt trời đã trong tình trạng dư thừa và ngập nợ. Đáng ngại hơn là trường hợp tương tự cũng xảy ra ở cấp địa phương khi đổ tiền vào các dự án lớn nhưng không có lợi ích kinh tế thực sự và hiện cũng ngập trong nợ nần. Ngoài ra, để thuận lợi cho việc tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tiêu dùng, Trung Quốc muốn duy trì lạm phát thấp nhưng mặt khác lạm phát thấp lại cản trở hoạt động công nghiệp và đầu tư, gián tiếp làm tăng gánh nặng của các khoản nợ. Giá cả cho sản xuất giảm 5,4% trong tháng 7/2015.

Giải pháp đơn giản nhất là làm sống lại nền kinh tế từ xuất khẩu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng để có nguồn lực “sạch” cho đầu tư cùng lúc phục hồi lạm phát và giảm nợ. Nhưng điều này là không thể khi mức giá định hướng của đồng nhân dân tệ đặc biệt cao so với các đồng tiền mới nổi như đồng real của Brazil, đồng rupee của Ấn Độ, đồng rand của Nam Phi, đồng won của Hàn Quốc hay đồng đôla Singapore.

Các rủi ro từ quyết định của PBoC

Vì vậy, chúng ta có thể hiểu rõ hơn tác động của quyết định ngày 11/8 vừa qua. Nó “minh họa cho những thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc”, bởi những tranh luận về tự do hóa không thực sự là vấn đề chính. Việc Trung Quốc chơi con bài chiến lược với đồng tiền của mình cũng nhằm gửi đi thông điệp đến nhà đầu tư rằng đồng nhân dân tệ là đồng tiền ổn định và đáng tin cậy, trong bối cảnh FED chuẩn bị tăng lãi suất. Ngược lại, quyết định có tính áp đặt phá giá tiền tệ của Trung Quốc lại đi ngược những nỗ lực nêu trên, mặc dù Trung Quốc chính thức lên tiếng đảm bảo an toàn.

Trung Quốc tham gia cuộc chiến tranh tiền tệ

Trên thực tế, Trung Quốc đã nhảy vào cuộc chiến tranh tiền tệ cùng với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nhiều nền kinh tế mới nổi khi phá giá đồng tiền của mình. Với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng như tương quan giữa các đồng tiền. Và các nhà đầu tư cảnh báo rằng nếu tình hình không cải thiện, PBoC có thể "điều chỉnh" tiếp tỉ giá đồng nhân dân tệ. Bởi việc phá giá 2% không giải quyết được triệt để các vấn đề của tỷ giá hối đoái thực tế mạnh của Trung Quốc. Thị trường có thể dự đoán rằng Trung Quốc sẽ có một đồng tiền yếu, và đó cũng là mục đích chính của Trung Quốc.

Tác động đến giá các nguyên liệu đầu vào

Quyết định của Trung Quốc có thể gây ra những hậu quả đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu, nhìn chung là tiêu cực. Việc đồng nhân dân tệ giảm giá trước tiên sẽ tác động đến các loại nguyên liệu đầu vào được định giá và giao dịch bằng đồng USD. Các nền kinh tế phụ thuộc vào những mặt hàng này như Úc, Canada, các nước Trung Đông và Brazil sẽ chịu tác động trực tiếp, trong đó tác động đối với Brazil là rất lớn và đáng lo ngại vì nó ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế Mỹ Latinh, thậm chí cả Uruguay - nước hiện có nền kinh tế khá ổn định.

Làm suy yếu các thị trường mới nổi

Ngoài ra, về mặt cạnh tranh, Trung Quốc có thể giành lấy thị phần từ các đối thủ cạnh tranh, chủ yếu là các thị trường mới nổi. Các nước châu Á mới nổi cũng có khả năng bị ảnh hưởng từ quyết định phá giá này. Nhiều nước cũng chọn biện pháp đối phó qua việc tìm cách giảm giá đồng tiền của mình. Như vậy, các nền kinh tế tiên tiến được lợi trong cuộc đua này như Mỹ và EU (khu vực sử dụng đồng euro), còn các khu vực mới nổi thì chịu tác động ngược lại.

Thách thức đối với Khu vực đồng euro

Đối với Khu vực đồng euro, sự phá giá đồng nhân dân tệ là một thách thức và gây áp lực đối với tình trạng thiểu phát ở khu vực, đi ngược lại nỗ lực của ECB đang thúc đẩy lạm phát ở EU. Vì vậy, EU phải duy trì và tăng cường các chính sách mua tài sản đảm bảo (QE) để tiếp tục làm giảm giá đồng euro. Do đó, Khu vực đồng euro buộc phải tham gia hơn nữa trong cuộc “chiến tranh tiền tệ”.

Điều đáng lo ngại nhất là quyết định của Trung Quốc không giải quyết đầy đủ các vấn đề cơ cấu (nợ, bất bình đẳng, tiêu dùng hộ gia đình yếu, năng suất dư thừa) gây khó khăn cho nền kinh tế nước này. Trên thực tế, Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài để phục vụ mục tiêu phát triển, trong khi đó không phải là một yếu tố cho sự phát triển ổn định toàn cầu. Chưa ai có thể biết liệu quyết định này của Trung Quốc có bù đắp cho tác động của nó đối với thương mại thế giới hay không. Chỉ biết rằng, niềm tin mà EU vẫn đặt vào Trung Quốc và các thị trường mới nổi sẽ phần nào giảm sút./.

Theo “La Tribune

Anh Thư (gt)