Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng hoạt động xây dựng và cải tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông là điều cần thiết, một phần là bởi khu vực này xa bờ, lại thường xảy ra bão to, trong khi có rất nhiều tàu thuyền qua lại. Bà Hoa Xuân Oánh nói: "Chúng tôi đang xây dựng chỗ trú ẩn, các phương tiện hỗ trợ cho hoạt động hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, cũng như công tác dự báo khí tượng thủy văn, đánh bắt cá và các hoạt động hành chính khác" cho Trung Quốc và cả các nước láng giềng. Bà Hoa Xuân Oánh cũng nói rằng các đảo và bãi đá ngầm này còn được sử dụng cho mục đích phòng thủ quân sự của Trung Quốc, tuy nhiên bà không cho biết chi tiết.

Hiếm khi Trung Quốc công bố chi tiết kế hoạch sử dụng các đảo nhân tạo của nước này. Hoạt động cải tạo đảo trên Biển Đông của Trung Quốc diễn ra nhanh chóng trên 7 bãi đá ngầm đã khiến các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền tại khu vực này lo ngại. Mỹ đã lên tiếng chỉ trích hoạt động này của Bắc Kinh, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, người đang có chuyến công du tới Nhật Bản và Hàn Quốc trong tuần này. 

Bà Hoa Xuân Oánh nói thêm: "Những hoạt động xây dựng này diễn ra tại khu vực hoàn toàn thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Đây là hoạt động hợp lý, tuân thủ đúng pháp luật, không gây ảnh hưởng hay nhằm chống lại bất kể quốc gia nào. Hoạt động này không thể bị chỉ trích".

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến đường biển vận chuyển lượng hàng hóa trị giá lên tới 5000 tỷ USD mỗi năm. Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại khu vực này. Ngoại trừ Brunei, tất cả các quốc gia còn lại đều gia cố căn cứ của mình tại quần đảo Trường Sa, nơi nằm cách Trung Quốc đại lục khoảng 1.300 km và ở gần các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền hơn.

Mặc dù các đảo mới của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi vị thế vượt trội về quân sự của Mỹ tại khu vực, song các chuyên gia cho rằng các cảng biển, kho dự trữ nhiên liệu và có thể là cả hai đường băng đang được Trung Quốc xây dựng tại Biển Đông sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường sức mạnh của mình tại vùng biển trung tâm của khu vực Đông Nam Á.

Khi được hỏi về những phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho rằng hoạt động cải tạo và xây dựng đảo của Trung Quốc "gây mất ổn định" và "làm tăng thêm lo ngại trong khu vực về những ý định của Trung Quốc, trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại rằng nước này sẽ quân sự hóa các tiền đồn trên các thực thể ở Biển Đông”. Ông nói với các phóng viên tại Washington: "Chúng tôi rất hy vọng rằng Trung Quốc sẽ xem xét lại, vì lợi ích ổn định tình hình và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp tại khu vực".

Qua kênh trao đổi không chính thức, các quan chức hải quân của châu Á và phương Tây nói rằng Trung Quốc có thể sẽ "bạo gan" hơn và nỗ lực tìm cách hạn chế hoạt động di chuyển trên biển và trên không của các nước khác tại khu vực này một khi Trung Quốc hoàn tất việc cải tạo các đảo. Công ước Liên hợp quốc về Luật biển không cho phép sử dụng các đảo nhân tạo để tính ranh giới khu vực 12 hải lý, tuy nhiên, một số quan chức lo ngại rằng Trung Quốc sẽ không tuân thủ theo công ước này và tìm cách không để hải quân nước ngoài đi qua.

Những bình luận của bà Hoa Xuân Oánh được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington công bố những hành ảnh mới chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang nhanh chóng cải tạo vùng đất xung quanh bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Trong một bức ảnh được CSIS công bố ngày 16/3, có một chuỗi các bãi đất nhân tạo nhỏ, cùng với đó các công trình kiến trúc mới, các đập ngăn nước kiên cố và những thiết bị xây dựng nằm dọc trên bãi Vành Khăn. Những bức ảnh vệ tinh chụp bãi Vành Khăn hồi tháng 10/2014 mà hãng tin Reuters được tiếp cận cho thấy khi đó Trung Quốc chưa triển khai hoạt động cải tạo đảo tại đây.

Khi được hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Carter nói rằng ông không muốn đề cập tới những kế hoạch trong tương lai của Trung Quốc, tuy nhiên ông nói rằng hoạt động quân sự hóa các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông có thể sẽ dẫn tới "những vụ việc nguy hiểm". Trước khi Trung Quốc tổ chức buổi họp báo, ông Carter phát biểu với các phóng viên trước khi rời Nhật Bản tới Hàn Quốc: "Đây không chỉ là mối quan ngại của Mỹ mà còn là mối quan ngại của hầu hết các quốc gia trong khu vực".

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez thúc giục Trung Quốc gỡ bỏ công trình xây dựng của nước này tại bãi Vành Khăn, cách đảo Palawan của Philippines 216 km về phía Tây, nói rằng hoạt động của Trung Quốc tại khu vực này gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Philippines. 

Biển Đông là tuyến đường biến quan trọng chiến lược và được cho là giàu dầu mỏ và khí đốt. Những tranh chấp lãnh thổ tại khu vực này khiến Mỹ quan ngại vì Washington tuyên bố rằng quyền tự do hàng hải tại khu vực này là lợi ích quốc gia của Mỹ. Thiếu tá Hải quân Mỹ Wilson VornDick viết trong một bài phân tích đăng trên trang mạng của CSIS: "Dường như các dự án xây dựng này của Trung Quốc là một phần trong kế hoạch chiếm đóng lãnh thổ rộng lớn của nước này hoặc biến Đường Chín Đoạn của Trung Quốc thành hiện thực".

Mira Rapp-Hooper, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, phát biểu với tờ "Thời báo New York": "Hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại bãi Vành Khăn là bằng chứng mới nhất cho thấy hoạt động cải tạo đảo của Bắc Kinh đang diễn ra rộng khắp và có tính hệ thống".

Theo Reuters

Thùy Anh (gt)