Đây là những nỗ lực của Trung Quốc trong hoạt động lấn biển và cải tạo đất của Bắc Kinh trong 6 tháng qua.  Kể từ tháng 2/2014, Trung Quốc liên tiếp cử các đội xây dựng đến các bãi đá ngầm khác nhau ở quần đảo Trường Sa, nơi đang nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Bắc Kinh, nhưng cũng được Philippines tuyên bố chủ quyền. Các nguồn tin đã tiết lộ rằng 6 bãi đá ngầm - Johnson South (bãi đá Gạc Ma của Việt Nam, đã bị Trung Quốc chiếm và gọi là Xích Qua Tiêu), Gaven (Việt Nam gọi là bãi đá Khói Nam, Trung Quốc đang chiếm giữ và gọi là Nam Huân Tiêu), Cuarteron (Việt Nam gọi là bãi đá Châu Viên nhưng bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988); Fiery Cross (Việt Nam gọi là bãi đá Chữ Thập, Trung Quốc kiểm soát từ năm 1988 và gọi là Vĩnh Thử Tiêu); Hughes (Việt Nam gọi là bãi đá Tư Nghĩa, Trung Quốc kiểm soát từ năm 1988 và gọi là Đông Môn Tiêu); và Eldad (bãi đá Én Đất, Trung Quốc gọi là An Đạt Tiêu) - đã được "biến đổi" thành các hòn đảo nhỏ. Ngoại trừ bãi đá ngầm Eldad, 5 bãi đá ngầm còn lại đều được nhà chức trách Trung Quốc gắn cho "ngày sinh nhật" ngay trong tháng 7. 

Hình ảnh vệ tinh chụp bãi đá Gạc Ma từ tháng 7 vừa qua cho thấy Trung Quốc đã bổ sung thêm cầu tàu và trồng nhiều cây dừa trên bãi đá ngầm này cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng mới như đường sá và các tòa nhà, biến bãi đá ngầm từng một thời chủ yếu là đá và cát thành một hòn đảo màu trắng có hình trái táo. Những hình ảnh được chụp qua Google Earth từ cuối tháng 6/2014 cũng cho thấy một số lượng thiết bị xây dựng đáng kể trên hòn đảo nhỏ này. 

"Watchinatimes" cho biết các chuyên gia phân tích nhận định rằng sở dĩ Trung Quốc có thể thực hiện các hoạt động cải tạo đất nhanh chóng ở Biển Đông là nhờ các nguồn lực và khả năng xây dựng vượt trội của họ. Sự yếu kém của tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền khác và hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển ở trên các bãi đá ngầm này cũng giúp cho Bắc Kinh có một tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ hơn đối với chúng. 

Theo báo này, một quan chức an ninh cấp cao Philippines cho biết: "Trong khi các nhà lãnh đạo chính trị của chúng tôi mải cãi nhau, thì ở ngoài đó, tại khu vực biển Tây Philippines (Biển Đông) chúng tôi đang dần bị mất đi khu vực lãnh thổ thực sự của chúng tôi do sự xâm lược từ từ của Trung Quốc". 

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuần trước đã xác nhận rằng các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông đang tiếp diễn, đồng thời một lần nữa đưa ra lời kêu gọi Bắc Kinh tháo gỡ ngòi nổ căng thẳng ở các vùng có tranh chấp trên Biển Đông. Tổng thống Aquino cũng nói rằng Manila sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tìm kiếm sự phân xử tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLS), cũng như Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông để quản lý hành vi ở khu vực này. 

Theo báo mạng "wantchinatimes"

Duy Anh (gt)