Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã bắt tay đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, tới nay đã “bắn hạ” tròn 100 con “hổ” từ cấp tỉnh, bộ trở lên. Thành tích chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình rất huy hoàng, nhưng các thế lực mà những con “hổ” làm đại diện không cam chịu hiện trạng. Tới nay, không ít lần xuất hiện đồn đoán ông Tập Cận Bình bị ám sát. Tuy các vụ ám sát này đều thất bại, nhưng chí ít cho thấy ông Tập Cận Bình không phải tuyệt đối an toàn. Việc ông Tập Cận Bình phải thay đổi toàn bộ ê kíp lãnh đạo Cục Cảnh vệ Trung ương cũng phần nào phản ánh điều đó. Tuy nhiên, đây có thể chưa phải là ẩn họa lớn nhất. Chính trường Trung Quốc hiện nay bề ngoài phẳng lặng, nhưng ẩn chứa nhiều con sóng ngầm ở tầng sâu. Thời khắc then chốt thực sự khảo nghiệm sự ổn định của chính quyền Tập Cận Bình không phải hiện nay mà là 5 năm sau, nghĩa là kể từ khi ông Tập Cận Bình bước vào những năm giữa nhiệm kỳ thứ hai.

Theo thông lệ hình thành ở Trung Quốc kể từ những năm 1990 thì nếu không có gì bất ngờ, ông Tập Cận Bình sẽ liên nhiệm tại Đại hội 19 vào năm 2017. Năm nay, ông Tập Cận Bình mới gần 62 tuổi. Như vậy, nếu làm hết hai nhiệm kỳ với thời gian tổng cộng là 10 năm, ông mới 69 tuổi. Căn cứ vào quy định bất thành văn “67 tuổi có thể ở lại Thường vụ Bộ Chính trị, từ 68 tuổi trở lên phải về hưu”, tới khi bàn giao tại Đại hội 20, ông Tập Cận Bình mới vượt khung 2 tuổi. Nhờ chế độ bảo vệ sức khỏe ưu việt, đến năm 69 tuổi, ông Tập Cận Bình có lẽ vẫn sẽ có sức khỏe tốt, nếu không có bất ngờ nào xảy ra. Thực tế này giúp ông có ưu thế về tuổi tác so với hai người tiền nhiệm bởi khi rút khỏi chức tổng bí thư, ông Giang Trạch Dân đã 76 tuổi, còn ông Hồ Cẩm Đào 70 tuổi. Quan trọng hơn là kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình hành động quyết liệt, thúc đẩy cả chống tham nhũng lẫn chỉnh đốn tác phong, có uy tín tương đối cao trong, ngoài đảng. Bắt đầu từ năm 2014, tiếng nói kỳ vọng ông Tập Cận Bình “vượt qua quy định thông thường liên nhiệm” ngày một cao.

Cái gọi là “vượt qua quy định thông thường liên nhiệm” chính là việc tổng bí thư đương nhiệm làm ba nhiệm kỳ liên tiếp. Về mặt lý thuyết, khả năng này tồn tại vì Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc không quy định nhiệm kỳ của tổng bí thư. Chỉ từ thời ông Giang Trạch Dân, xuất phát từ mục đích phế bỏ chế độ lãnh đạo tối cao giữ chức vụ suốt đời, trong Đảng Cộng sản Trung Quốc mới hình thành nhận thức chung là Tổng Bí thư không làm quá 2 khóa. Cho nên, tới những năm giữa nhiệm kỳ 2, ông Tập Cận Bình sẽ đứng trước hai lựa chọn. Một là tìm kiếm khả năng “vượt qua quy định thông thường liên nhiệm”. Hai là làm hết nhiệm kỳ rồi về hưu. Nhưng cho dù lựa chọn như thế nào, khi đó, ông Tập Cận Bình vẫn phải đối mặt với cục diện nghiêm trọng.

Ở lựa chọn thứ nhất, ông Tập Cận Bình sẽ đứng trước trở lực lớn chưa từng có trong đảng. Các phe phái phản đối bị “đè nén” hiện nay chắc chắn sẽ lấy đó làm lý do, kết thành liên minh phản đối chế độ lãnh đạo suốt đời, phát động làn sóng lật đổ ông Tập Cận Bình một cách toàn diện. Ở lựa chọn thứ hai, ông Tập Cận Bình cần phải đảm bảo người kế nhiệm mình phải đi theo quy định của mình, bảo vệ thành quả đã đạt được, bảo đảm mình sau khi về hưu sẽ không bị thanh toán, không tái diễn bi kịch của nhà lãnh đạo Liên Xô cũ Stalin. Nhưng lãnh đạo kế nhiệm khi đó có thể chịu được áp lực từ các phía hay không, quả thực tồn tại quá nhiều biến số.

Điều làm mọi người lo lắng hơn là đồng thời với chống tham nhũng theo kiểu “trị ngọn”, ông Tập Cận Bình ít có động thái thực sự tiến hành xây dựng chế độ để chống tham nhũng theo kiểu “trị gốc”. Nếu trong 5 năm tới, ông Tập Cận Bình vẫn không đưa ra được biện pháp chống tham nhũng theo kiểu “trị gốc” hữu hiệu, tiếp tục không làm bật lên lĩnh vực xây dựng chế độ chống tham nhũng, cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay sẽ hoàn toàn trở thành đấu tranh quyền lực mang tính chất “nhân trị”. Các hoạt động trả đũa, phản công, phản kích của 5 năm sau nhằm vào ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ rất mạnh mẽ.

Theo “Đông phương Nhật báo”

Lê Sơn (gt)