Một cuộc cách mạng trong tiêu thụ năng lượng đang lan nhanh trên khắp châu Á, cùng với việc tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Trung Quốc và Ấn Độ đã gây ra một sự thay đổi tương ứng trong mức tiêu thụ năng lượng của hai nước này. Bất chấp sự gia tăng thịnh vượng đáng mừng từ sự tăng trưởng đó, cuộc cách mạng năng lượng châu Á có thể làm trầm trọng thêm những lo ngại về an ninh năng lượng của các nước, đe dọa làm mất ổn định chiến lược cũng như thịnh vượng khu vực.

 Những lo ngại về an ninh năng lượng lâu nay là tâm điểm trong sự tiến triển chiến lược của châu Á. Cùng với việc nối lại quan hệ Trung-Mỹ-Nhật sau năm 1972, những cú sốc dầu mỏ trong những năm 1970 đã tạo ra một động lực an ninh khu vực tốt, nhưng không chắc chắn. Sau những cú sốc dầu mỏ, Tôkyô xích lại gần hơn với Mỹ và những đồng minh khu vực của Oasinhtơn, trong khi sự tương phản giữa tình trạng thiếu tài nguyên của Nhật Bản và sự thừa thãi nhiên liệu hóa thạch (dù chỉ là tạm thời) khiến người ta càng chú trọng đến sự hòa giải song phương về thương mại. Trong khi đó, tình trạng thiếu năng lượng của Ấn Độ cũng như sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ trợ giá của Liên Xô (cũ) đã cản trở ảnh hưởng của Niu Đêli đối với các thị trường năng lượng toàn cầu, giảm bớt sức ép lên an ninh năng lượng của Nhật Bản. Vị thế của Mỹ như là người bảo hộ bá chủ đối với cả các nước tiêu thụ năng lượng thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lẫn những nước cung cấp năng lượng chính ở vùng Vịnh, mang lại thêm một sự đảm bảo có lợi cho những nước tiêu thụ cũng như những nước cung cấp. Những nước tiêu thụ năng lượng lớn thuộc Thế giới thứ nhất đều là những quốc gia hưởng lợi từ mạng lưới các đồng minh với Mỹ là trung tâm, và có thể hợp tác với nhau để vượt qua những cú sốc năng lượng của thập niên đó. 

Năm 2011, Trung Quốc và Ấn Độ đã nổi lên là hai quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn ngày càng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa. Nhưng sự kiêu hãnh và tính tư lợi đã ngăn cản hai nước này noi theo Nhật Bản chấp nhận mãi mãi là nước do Mỹ bảo trợ. Đồng thời, do bị hạn chế bởi những trải nghiệm ở Irắc và Ápganixtan, và hiện đang đương đầu với tình hình tài chính khó khăn, uy tín của Mỹ như là người bảo trợ bá chủ đối với sự tiếp cận các nguồn cung cấp năng lượng vùng Vịnh đang ngày càng là vấn đề phải bàn cãi. Trong những điều kiện không ổn định như vậy, mối đe dọa chính là các cường quốc lớn đã được xác lập và đang nổi lên của châu Á-Thái Bình Dương sẽ bắt đầu quan niệm an ninh năng lượng trong những thuật ngữ được-mất đúng vào thời điểm khi họ đang đấu tranh với những thách thức ghê gớm của việc quản lý sự chuyển tiếp từ một trật tự do Mỹ làm trung tâm sang một trật tự quốc tế đa cực hơn.

 Có nhiều dấu hiệu cho thấy lo ngại về an ninh năng lượng đang làm trầm trọng thêm những căng thẳng khu vực. Ở Đông Bắc Á, việc phát triển cơ sở hạ tầng để vận chuyển dầu lửa và khí đốt từ vùng Xibêri của Nga sang các thị trường châu Á đã bị trì hoãn trong hầu hết thập niên 2000 do sự tranh giành Trung-Nhật về các tuyến đường ống. Quan hệ Trung-Nhật càng trở nên căng thẳng trong một thập niên qua do những tranh chấp về phát triển các trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở biển Hoa Đông. Những tranh chấp này chưa thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu vũ trang, nhưng chúng phản ánh xu hướng trong đó Nhật Bản và Trung Quốc coi nhau là những kẻ cạnh tranh đối với các nguồn tài nguyên năng lượng khan hiếm mà cả hai đều cần để duy trì sự phát triển kinh tế của mình. Dưới ánh sáng của chính sách ngoại giao ngày càng quyết đoán của Trung Quốc và những lo sợ bị che khuất bởi một nước Trung Quốc đang nổi lên, an ninh năng lượng trở thành một mâu thuẫn nữa giữa hai nước, đe dọa làm mất ổn định hơn một môi trường an ninh khu vực vốn đang căng thẳng.

 Triển vọng về cuộc cạnh tranh năng lượng gia tăng giữa những người khổng lồ Đông Bắc Á đang gây lo ngại sâu sắc. Tuy nhiên, một mối lo ngại thậm chí còn lớn hơn là mối quan hệ đang nổi lên giữa những lo ngại an ninh năng lượng và những kình định chiến lược mới nảy sinh trên khắp vùng duyên hải Ấn Độ Dương. Kể từ khi trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ năm 1993, Trung Quốc ngày càng quan tâm đến việc phòng ngừa khả năng Mỹ ngăn cản tuyến hàng hải huyết mạch của nước này tới Trung Đông. Tâm điểm trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm nhẹ "tình trạng tiến thoái lưỡng nan Malắcca" là những sáng kiến liên tục nhằm củng cố các quan hệ kinh tế, ngoại giao và chiến lược với các nước dọc theo vùng duyên hải Ấn Độ Dương, cùng với một nỗ lực lâu dài hơn nhằm tăng cường khả năng của hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) để đảm nhiệm những sứ mệnh hỗ trợ cho "phòng thủ biển xa". Trong khi động cơ chủ yếu là phòng thủ liên quan đến các lợi ích năng lượng, sự tích cực của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương chắc chắn đã khuấy động những lo ngại của Ấn Độ về "sự bao vây" của Trung Quốc. Những lo ngại này khích lệ Ấn Độ nuôi dưỡng các quan hệ gần gũi hơn với Mỹ và các đồng minh của Oasinhtơn, với việc hiệp định hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn cung cấp một nền tảng thuận tiện cho Ấn Độ đồng thời theo đuổi các lợi ích an ninh năng lượng của mình trong khi phòng ngừa sự nổi lên của Trung Quốc. 

Mối quan hệ đang nổi lên giữa các nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của châu Á và những kình địch khu vực đang tăng lên đặc biệt gây lo ngại. Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản có chung một lợi ích trong việc đảm bảo sự tiếp cận hiệu quả và đáng tin cậy đối với các nguồn cung cấp năng lượng, do đó an ninh năng lượng có thể trở thành một mối quan tâm trong hợp tác khu vực. Hơn nữa, sự tồn tại của những thỏa thuận năng lượng song phương và đa phương (dù chắp vá) cũng cho thấy những khả năng hợp tác để giải quyết những lo ngại an ninh năng lượng. Tuy nhiên, đặc tính thường mang tính biểu tượng của những thỏa thuận đó cũng chứng tỏ một thất bại trong việc hiểu rõ tiềm năng khiến những kình địch năng lượng mang tính tự nhiên gây ra một mối đe dọa có hệ thống đối với hòa bình và thịnh vượng của châu Á. 

Điều mà châu Á rất cần là một nỗ lực có phối hợp nhằm điều chỉnh lại an ninh năng lượng như là một lợi ích an ninh chung gắn liền với việc duy trì một trật tự khu vực ổn định. Một cố gắng như vậy có thể bắt đầu bằng việc thể chế hóa các cuộc đối thoại năng lượng thường kỳ giữa những cặp cạnh tranh như Trung Quốc-Nhật Bản và Trung Quốc-Ấn Độ. Các cuộc đối thoại đó có thể mang lại sự tái bảo đảm chiến lược cần thiết để làm cho những khuôn khổ năng lượng đa phương hiện hành trở nên có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cuối cùng thì những thách thức năng lượng mà châu Á hiện đang phải đối mặt nằm trong bối cảnh toàn cầu, do đó những nỗ lực lớn hơn cũng phải được đưa ra nhằm thu hút Trung Quốc và Ấn Độ vào các thể chế quản lý năng lượng toàn cầu như Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA). Một loạt những trở ngại hiện đang cản trở hai nước này trở thành các thành viên chính thức của IEA. Tuy nhiên, những hoạt động xa hơn như các chương trình Can dự tăng cường mà IEA đang thực hiện với Trung Quốc, Ấn Độ và những quốc gia đang phát triển lớn khác phải được tiếp tục theo đuổi một cách mạnh mẽ nếu các chính sách năng lượng của những nước đó được lái theo một định hướng hợp tác hơn. 
Khi các thị trường năng lượng được biến đổi bởi trên 2,5 tỉ người tiêu dùng Trung Quốc và Ấn Độ đang khao khát các mức sống của Thế giới thứ nhất, hành động có phối hợp sẽ là cần thiết để bảo đảm rằng an ninh năng lượng được quan niệm là một sự chú trọng cho hợp tác chứ không phải xung đột. Cuộc cách mạng tiêu thụ năng lượng châu Á sẽ được đánh dấu như là một dấu hiệu của sự thành công kinh tế. Thế nhưng, những hậu quả chiến lược của cuộc cách mạng này phải được giải quyết hết sức thận trọng, vì cuộc cách mạng giải phóng động lực cạnh tranh sẽ có nguy cơ hủy hoại triển vọng đặc biệt về thế kỷ châu Á.

 

Theo Eastasiaforum

 

Đinh Anh (gt)