modi_xi_759.jpg

Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện sự can dự ngày càng gia tăng của Trung Quốc khi ông tới thăm các nước Sri Lanka và Maldives sau chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 9/2014. Ông cũng tới thăm Pakistan trong tháng 4 vừa qua trước khi đón Thủ tướng Modi tới thăm (từ ngày 14-16/5). Việc Trung Quốc vươn tới các nước Bhutan, Maldives, Myanmar, Nepal, Pakistan và Sri Lanka đã gây nhiều quan ngại cho New Delhi. Mưu tính “lôi kéo” sự ủng hộ từ nước láng giềng của Ấn Độ của Bắc Kinh và nỗ lực tương tự của New Delhi tại sân sau của Trung Quốc đã thể hiện một đặc tính quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế. Tất cả các nước lớn đều muốn củng cố vị trí đứng đầu của mình tại láng giềng liền kề và chống lại sự chi phối của các đối thủ, trong khi các nước nhỏ có vị trí địa lý cạnh các nước lớn lại hướng tới những nước lớn ở xa. 

Trong khi đó, ở khu vực Mỹ Latinh, Mỹ không phải đối mặt với những thách thức đối với vị thế của họ. Ở Châu Âu thì các nước phương Tây cũng đã thành công kiềm chế ảnh hưởng của Nga sau Chiến tranh lạnh; Tổng thống Vladimir Putin giờ đây thì đang nỗ lực khôi phục lại vị thế trước đây của nước Nga. Ở Trung Á những nghi kỵ đối với phương Tây đã khiến Moscow và Bắc Kinh tiến tới một hợp tác khu vực thông qua tổ chức Shanghai Cooperation Organisation (SCO). Ở Đông Á, Trung Quốc đang thách thức vị trí thống trị về kinh tế và chiến lược của Mỹ.

Còn ở khu vực Đông Nam Á, cả Delhi và Bắc Kinh đã từ lâu đã buộc tội nhau về “chiến lược phong tỏa”. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ đã càng làm rõ xu hướng này.  Rõ ràng rằng Ấn Độ coi chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc có nhiều nghi ngờ mang tính địa chính trị. Tương tự, Trung Quốc thì lại không thấy được sự thân thiện trong chiến lược “Hành lang Ấn Độ - Thái Bình Dương” mà ấn độ muốn xây dựng với Mỹ và Nhật Bản.

Do đó, các nước láng giềng của Ấn Độ sẵn sàng chìa tay với Bắc Kinh và tương tự như vậy, nhiều nước láng giềng của Trung Quốc - từ Mông Cổ tới Việt Nam, Myanmar và Philippines đều muốn đẩy mạnh quan hệ với New Delhi. Ấn Độ không thiếu cơ hội, nhưng cần ý chí chính trị và nguồn lực để chơi “canh bạc lớn” này. Thủ tướng Modi có vẻ sẵn sàng hơn một số người đồng cấp tiền nhiệm khi tham gia cuộc chơi. Tuy nhiên, sự kình địch trong khu vực giữa Ấn Độ-Trung Quốc không cần phải kết thúc bằng xung đột. Đang có sự thừa nhận ngày càng gia tăng tại New Delhi và Bắc Kinh rằng cần có sự hiểu biết lẫn nhau hơn về các chính sách và ý đồ của nhau. Phát biểu tại Bắc Kinh, Thủ tướng Modi nói: “Ấn Độ và Trung Quốc cần phải nhạy cảm trước các lợi ích của nhau, tăng cường sự tin cậy và tin tưởng lẫn nhau; tiếp tục kiềm chế bất đồng với sự chín chắn”. Mặc dù có sự kình địch giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Nam Á, song Thủ tướng Modi nói ông và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhất trí mở rộng hợp tác. Thậm chí, Thủ tướng Modi nói: “Quyết định của chúng tôi tăng cường tiếp xúc chiến lược và hợp tác trong các vấn đề của khu vực là đặc biệt quan trọng”. Ông Modi nhận thức sự cần thiết phải có sự kết nối khu vực lớn hơn nữa và đã tạo không gian cho sự hợp tác trong tương lai với Bắc Kinh trong các dự án xuyên biên giới. 

Mặc dù Pakistan vốn từ lâu là trở ngại trong quan hệ Ấn-Trung, song Thủ tướng Modi đã thăm dò khả năng hạn chế sự nổi lên của Islamabad trong quan hệ của New Delhi với Bắc Kinh. Ông nhấn mạnh: “Chủ nghĩa khủng bố là một nguy cơ chung, hòa bình và tiến bộ tại Afghanistan có lợi đối với cả Trung Quốc và Ấn Độ”. Trong bối cảnh tình hình Afghanistan đang xấu đi và có sự nghi ngờ ngày càng gia tăng về khả năng của Pakistan trong bình ổn tình hình Afghanisstan, Trung Quốc đang tìm kiếm một vai trò lãnh đạo tại Kabul. Trước đây, New Delhi coi động thái này như sự câu kết trong quan hệ Trung Quốc-Pakistan. Ngày nay, ngược lại, Thủ tướng Modi đang tìm cách mở rộng đối thoại với Trung Quốc về thách thức lớn nhất đang nổi lên này đối với an ninh của khu vực Nam Á. 

Theo The IndianExpress

Thùy Anh (gt)