Phát biểu trong một cuộc tiếp xúc hiếm hoi và cởi mở với các nhà báo Ấn Độ thường trú tại Bắc Kinh, cũng như trong chuyến thăm các đại diện giới truyền thông Ấn Độ, sĩ quan cao cấp Zhao Yi, giảng viên liên kết tại Học viện Chiến lược thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho biết: "Thuật ngữ 'sân sau' rất không thích hợp để sử dụng trong một vùng biển rộng và các khu vực biển quốc tế". Trả lời câu hỏi về những quan ngại đang gia tăng tại Ấn Độ liên quan tới việc Hải Quân Trung Quốc tăng cường qua lại Ấn Độ Dương, ông nói: "Về mặt địa lý mà nói, tôi thừa nhận Ấn Độ đóng một vai trò đặc biệt trong việc ổn định khu vực Ấn Độ Dương và Nam Á". Ông đặt câu hỏi rằng nếu Ấn Độ coi Ấn Độ Dương là sân sau của mình, thì làm sao các tàu của Mỹ, Nga và Australia có thể tự do lưu thông trên Ấn Độ Dương được? Ông Zhao cũng trích dẫn nhận xét của một nhà nghiên cứu Mỹ, người từng cảnh báo rằng Ấn Độ Dương sẽ là tâm điểm trong thế kỷ 21 với hậu quả là sự bùng nổ của các cuộc xung đột nghiêm trọng. Mặc dù không hoàn toàn đồng tình với quan điểm này, nhưng theo ông Zhao, không thể loại trừ khả năng nói trên nếu như Ấn Độ Dương tiếp tục "bị" coi là sân sau của Ẩn Độ.

Sự hiện diện ngày càng gia tăng của Hải quân Trung Quốc trên vùng biển Ấn Độ Dương diễn ra trong bối cảnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vừa xuất bản Sách Trắng Quốc phòng, trong đó nhấn mạnh một chiến lược quân sự mới, lần đầu tiên trong lịch sử có thể nâng cao trách nhiệm của hải quân nước này trong việc "bảo vệ các vùng biển mở rộng" ngoài khơi Trung Quốc. Trước đó, sự xuất hiện của các tàu ngầm Trung Quốc tại cảng Colombo năm 2014 và mới đây hơn là tại Karachi, cũng đã làm bùng nổ sự quan ngại ở Ấn Độ.

Cuộc tiếp xúc giữa giới truyền thông Ấn Độ và các chuyên gia quân sự Trung Quốc do người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc - Đại tá kỳ cựu Yang Yujun - dẫn đầu, với sự bố trí của Hiệp hội các Nhà báo Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia trong bối cảnh hai bên đang nỗ lực thắt chặt các mối quan hệ về chính trị, quân sự và thương mại.

Về các hoạt động của lực lượng Hải quân thuộc PLA tại Ấn Độ Dương, nhà nghiên cứu Zhang Wei thuộc Viện Hàn lâm Hải quân PLA cho biết, kể từ năm 1985 các tàu của Hải quân nước này đã tới thăm rất nhiều quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương trong đó có Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan. Nhiều tàu của Trung Quốc còn qua lại Ấn Độ Dương như thể nó đã trở thành tuyến lưu thông thương mại chính của nước này. Theo bà Zhang Wei, sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc tại khu vực này là nhằm bảo vệ an ninh hàng hải và đặc biệt để chống nạn cướp biển. Hải quân của PLA đã cung cấp các dịch vụ hộ tống cho hơn 6.000 tàu tại Vịnh Aden và một nửa trong số này là các tàu, thuyền nước ngoài. Bà Zhang nói: "Vì vậy, tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng sự hiện diện của tàu Hải quân Trung Quốc là biểu hiện của sự bành trướng của quân đội Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã rất thận trọng trong việc giám sát sự lưu thông của Hải quân PLA trên Ấn Độ Dương. Chúng tôi luôn thông báo tới các nước láng giềng qua các kênh ngoại giao mỗi khi các tàu ngầm của chúng tôi tới Ấn Độ Dương. Chúng tôi luôn tăng cường hợp tác để củng cố niềm tin lẫn nhau giữa quân đội và chính phủ. Và với việc triển khai các cuộc huấn luyện và viếng thăm lẫn nhau, niềm tin đó sẽ ngày càng phát triển". 

Xung quanh cuộc diễn tập hải quân Malabar giữa hải quân Ấn Độ, Mỹ, Nhật và Australia, phát ngôn viên Yang Yujun cho biết cuộc diễn tập này nên phục vụ lợi ích của khu vực chứ không nên xâm hại đến lợi ích của bất cứ bên thứ ba nào.

Theo mạng tin Asia Times

Thùy Anh (gt)