Tuy nhiên, về vấn đề biên giới, báo "The Indian Express" cho rằng con đường để tìm ra giải pháp vẫn còn xa. Đã qua 15 vòng đàm phán của các đại diện đặc biệt nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới Trung-Ấn, song cho đến nay hai bên vẫn còn lâu mới đến mục tiêu. Một mối lo ngại lớn hơn đã nổi lên là những bất đồng nghiêm trọng trong “cách hiểu” ý nghĩa của hiệp định năm 2005 về khía cạnh chính trị và những nguyên tắc chỉ đạo để giải quyết vấn đề biên giới. Các nguồn tin cho biết những bất đồng này có vẻ lúc tăng lúc giảm, tùy thuộc vào môi trường chiến lược tại từng thời điểm. 

Đề nghị chuẩn bị một bản báo cáo về thực trạng của tiến trình giải quyết vấn đề biên giới được Đại diện đặc biệt (SR) của Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc đưa ra tại vòng đàm phán gần đây nhất hồi tháng 1/2012. Ông Đới Bỉnh Quốc là SR của Bắc Kinh trong tất cả 15 vòng đàm phán với Ấn Độ về vấn đề biên giới. Tuy nhiên, ông sắp về hưu và có tin đồn Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì có thể sẽ tiếp nhận nhiệm vụ này. 

Ấn Độ nhất trí với ý kiến soạn thảo một báo cáo cụ thể về tiến trình giải quyết vấn đề biên giới song đây là nhiệm vụ khó của SR Ấn Độ, cố vấn an ninh quốc gia S. Menon. Ông dự kiến sẽ trao đổi với ông Đới Bỉnh Quốc trong những giờ phút cuối cùng trước khi ông Đới thôi nhiệm vụ SR, nhằm lấp bớt một số khoảng cách để hai nhà thương lượng ít nhất cũng trình được một bản báo cáo lên ban lãnh đạo chính trị của hai nước. Ông Đới và ông Menon đã nhất trí rằng đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo tính liên tục đối với nhà thương lượng SR sẽ được lãnh đạo Trung Quốc chỉ định khi ông Đới về hưu. 

Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố tích cực, hai bên vẫn tồn đọng nhiều bất đồng. Phía Trung Quốc đòi chủ quyền gần 60.000 km2 tại bang Arunachal Pradesh (hiện do Ấn Độ kiểm soát). Diện tích này có thể ít hơn so với đòi hỏi trước đây của Bắc Kinh, nhưng vẫn quan trọng và lại bao gồm cả khu vực Tawang (một trong 16 quận hành chính của Arunachal Pradesh). Phía Trung Quốc tin rằng điều III của các nguyên tắc chỉ đạo trong hiệp định năm 2005 - trong đó khẳng định hai bên sẽ “có những điều chỉnh ý nghĩa và có thể chấp nhận được lập trường của nhau về vấn đề biên giới” - sẽ đi tới một giải pháp cả gói cho tranh chấp biên giới giữa hai nước. 

Trong khi đó, phía Ấn Độ hiểu “những điều chỉnh có ý nghĩa” này theo một cách khác và không liên quan đến những vùng đất lớn như vậy. Niu Đêli tin rằng những điều chỉnh đó với nghĩa sẽ dẫn tới hành động “cho và nhận” những vùng đất nhỏ hơn ở biên giới trong tiến trình phân định một giới tuyến chung. 

Về mặt chính trị, không có bất kỳ chính phủ nào ở Ấn Độ có thể từ bỏ một vùng lãnh thổ lớn của mình ở phía Đông, trong khi Trung Quốc lập luận rằng nhượng bộ của Ấn Độ tại khu vực này là điều kiện tiên quyết về chính trị đối với bất cứ ban lãnh đạo nào ở Bắc Kinh. Họ khăng khăng rằng điều V trong hiệp định các nguyên tắc chỉ đạo đã đề cập đến điều đó. Niu Đêli cũng đưa ra những lập luận riêng và cũng dựa trên các nguyên tắc chỉ đạo, đặc biệt là điều VII rằng “hai bên sẽ bảo vệ lợi ích của người dân hai nước đã được định cư tại các vùng biên giới”. Ấn Độ hiểu điều này có nghĩa rằng dân cư của Ấn Độ tại những khu vực này sẽ không bị quấy rầy, và cũng có nghĩa là khu vực Tawang và những vùng dân cư khác của bang Arunachal Pradesh sẽ không bị đụng đến. Trong khi đó, đối với Trung Quốc nếu chấp nhận điều này có nghĩa thừa nhận Arunachal Pradesh là của Ấn Độ. 

Theo Indian Express

Thuỳ Anh (gt)