Về quan hệ Nga - Trung

Thứ nhất, hợp tác song phương giữa hai nước đang gắn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết. Tháng 5/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ kỷ niệm lần thứ 70 chiến thắng phát xít Đức. Tháng 9/2014, Tổng thống Nga Putin tham dự lễ kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới lần II tại Bắc Kinh, cuộc chiến mà Liên Xô trước đây đã có đóng góp to lớn.

Thứ hai, hợp tác quân sự Trung - Nga bước vào giai đoạn mới với sự tăng cường các hoạt động diễn tập quân sự chung trong 10 năm qua. Có một số dấu hiệu cho thấy Nga có thể sẽ đồng ý chuyển giao một số công nghệ quân sự tinh vi cho Trung Quốc, đồng thời hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong chính sách đối với khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc sẽ không hình thành liên minh quân sự kiểu NATO. Nguyên nhân chủ yếu do giữa quan hệ hai bên không phải là mô hình một nước mạnh hơn cam kết bảo vệ nước yếu hơn để có được sự trung thành tuyệt đối. Mặc dù một bộ phận nhỏ giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc và Nga muốn thảo luận về khả năng thành lập liên minh, dư luận nói chung giữa hai nước hoàn toàn không ủng hộ khả năng này.

Thứ ba, hợp đồng cung cấp khí ga ký giữa Tập đoàn Gazprom (Nga) và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng. Ít có khả năng Nga sẽ chiếm lĩnh thị trường khí ga tự nhiên của Trung Quốc như đã làm đối với Châu Âu, nhưng việc Nga tiếp cận được thị trường năng lượng tại Trung Quốc có ý nghĩa địa - kinh tế quan trọng tương đương với việc Nga cung cấp khí đốt cho Tây Âu vào những năm 1970.

Về tác động tới khu vực và quốc tế

Thứ nhất, hiện có nhiều lo ngại về khả năng cạnh tranh Nga - Trung tại khu vực Trung Á. Năm 2014, Nga chính thức khởi động Liên minh kinh tế Á - Âu, trong khi Trung Quốc đẩy mạnh triển khai sáng kiến Vành đai kinh tế con đường tơ lụa. Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, ảnh hưởng của Nga tại Trung Á ngày càng giảm, trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng. Bên cạnh mặt cạnh tranh, nhiều khả năng hai kế hoạch lớn của Nga và Trung Quốc sẽ có sự tương tác, mặt hợp tác này sẽ lớn hơn sự đối đầu địa - chính trị. Có khả năng, Nga sẽ tranh thủ các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc để kết nối từ Đông Á sang Châu Âu.

Thứ hai, không gian “Châu Á mở rộng” có khả năng sẽ thay thế không gian “Châu Âu mở rộng”. Việc quan hệ Nga - EU ngày càng xấu đi khiến khả năng thất bại của dự án xây dựng Châu Âu mở rộng từ Lisbon tới Vadivostok của Tổng thống Putin là rất lớn. Do đó, có thể thấy khả năng hình thành không gian chiến lược mới “Châu Á mở rộng” từ Thượng Hải tới St. Peterburg. Hiện nay, đa số ý kiến ở Nga chưa tán thành phương án này. Tuy nhiên, việc hình thành không gian “Châu Á mở rộng” có thể tái định hình không gian chính trị - kinh tế tại lục địa Á - Âu, nâng cao vai trò của Trung Quốc, đồng thời mang lại cho Nga vị thế mà Nga chưa từng nghĩ tới. Hiện nay, không gian “Châu Á mở rộng” đang dần hình thành, với vai trò trung tâm của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải như một diễn đàn chính trị, kinh tế và an ninh sẽ tác động tới cân bằng quyền lực toàn cầu.

Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie tại Mát-xcơ-va. Bài viết được đăng trên Hoàn cầu Thời báo.

Trần Quang (gt)