Hai bờ có sự bất đồng về định vị an ninh chiến lược trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc Đại lục coi tranh chấp Biển Đông là sự uy hiếp nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và an ninh hải dương của Trung Quốc, trong khi Đài Loan lại không coi những nước Đông Nam Á liên quan (trong tranh chấp Biển Đông) là mối uy hiếp nghiêm trọng đối với an ninh Đài Loan. Trên cơ sở đó, chủ trương của hai bờ trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông cũng khác nhau: Đại lục hy vọng đàm phán song phương để giải quyết các vấn đề tranh chấp, phản đối giải quyết theo cơ chế đa phương; Đài Loan lại có khuynh hướng tham gia đa phương cùng các nước có liên quan trong tranh chấp Biển Đông. 

Cùng với đó, mục tiêu chiến lược trong xử lý tranh chấp Biển Đông của hai bờ cũng rất khác nhau, mục tiêu hạt nhân của Đại lục là duy trì và bảo vệ chủ quyền và lợi ích Biển Đông của Trung Quốc, song Đài Loan lại là vì tham dự cộng đồng quốc tế, muốn tỏ rõ Đài Loan là một thực thể chính trị (thời đảng Dân Tiến cầm quyền, Đài Loan muốn là một “quốc gia”) có vai trò và sức ảnh hưởng quan trọng trong vấn đề Biển Đông, chứ không hoàn toàn là vì chủ quyền của cái gọi là “Trung Hoa Dân quốc”. 

Tác giả cho rằng, trong vấn đề Biển Đông, hai bờ hiện vẫn còn nhiều bất đồng mang tính nguyên tắc như vậy không khỏi khiến nhân dân (hai bờ) lo lắng. Có thể nói thẳng ra rằng, một khi Biển Đông có chuyện, Đại lục không thể dựa vào sự trợ giúp của Đài Loan, bởi vì lợi ích chiến lược của hai bên hoàn toàn khác nhau.

Theo đó, vì không có điểm hội tụ, vì diễn biến của tình hình Biển Đông, hai bờ có thể sẽ ngày một tách xa nhau trong vấn đề Biển Đông, bất đồng không những không thể dung hợp, ngược lại còn sẽ bị xé to ra, từ đó ảnh hưởng ngược lại quan hệ hai bờ, đây là điểm không thể không chú ý. 

Tác giả cho rằng Đài Loan trên thực tế đang bị đẩy ra ngoài lề trong vấn đề Biển Đông. Hai bờ cần phải ổn thỏa giải quyết vấn đề vai trò và vị trí của Đài Loan trong vấn đề Biển Đông cũng như vấn đề Đài Loan tham gia “Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông” (DOC). Đài Loan là một bên trong số “năm nước sáu bên” (hoặc cũng có thể “sáu nước bảy bên”) có liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông, song vì Đài Loan không phải là một quốc gia có chủ quyền, chỉ là một thực thể kinh tế hay một thực thể chính trị, cho dù Đài Loan luôn nói là “Trung Hoa Dân quốc” có chủ quyền Biển Đông, song vì tính đặc thù và tính đối kháng chính trị của quan hệ hai bờ, Đài Loan chưa thể trực tiếp tham gia bàn bạc và thảo luận DOC, Đài Loan bị bài trừ ra ngoài.

Trong vấn đề Biển Đông, hai bờ cần hợp tác, cần phát huy tác dụng đặc thù của Đài Loan, nhất là lợi dụng công năng của đảo Thái Bình (đảo Ba Bình của Việt Nam), hòn đảo có diện tích lớn nhất ở Biển Đông. Hai bờ cần phải phối hợp và thảo luận vai trò của Đài Loan trong vấn đề Biển Đông, song điều này cũng lại liên quan đến vấn đề không gian quốc tế mà Đài Loan tham gia, do đó nó cũng đòi hỏi phía Đại lục phải cân nhắc kỹ lưỡng toàn cục, cần có thái độ mở cửa, trong khuôn khổ một nước Trung Quốc để cho Đài Loan tham gia hợp lý công tác xử lý tranh chấp Biển Đông, cùng nhau bảo vệ lợi ích hai bờ hay có thể nói là lợi ích của dân tộc Trung Hoa. 

Đài Loan trên thực tế đã bị đẩy ra ngoài lề trong vấn đề Biển Đông, đây là thực tế được lịch sử quyết định và cũng là thực tế được hiện thực quyết định, không cần phải tranh cãi nữa. Làm thế nào để xử lý tốt vấn đề này? Trên thực tế, chỉ có dựa vào hợp tác hai bờ, nếu từ bỏ con đường này thì sẽ không còn con đường nào khác. Tuy nhiên, xét tình hình hiện nay, xem ra cơ hội này lại không có. Đài Loan dù thế nào đi nữa cũng không dám đề cập đến việc hợp tác giữa hai bờ trong vấn đề Biển Đông, bởi ở bên ngoài, Đài Loan chịu sự trói buộc của mối quan hệ Mỹ-Đài, ở bên trong bị trói buộc bởi mối quan hệ lục-lam (Quốc Dân đảng và đảng Dân Tiến), trên thực chất lại bị trói buộc bởi địa vị chính trị của Đài Loan trong vấn đề Biển Đông. Ba sự trói buộc này nếu không được tháo cởi hữu hiệu, hai bờ sẽ xa rời hợp tác, Đài Loan sau này có muốn tham dự “chính trị Biển Đông” cũng hoàn toàn không còn khả năng. 

Vương Kiến Dân, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đài Loan Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc

Theo tạp chí Bình luận Trung Quốc (Hồng Công)

Quốc Trung (gt)