- Phóng viên: Trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Ấn Độ hồi tháng 9/2014, hai bên đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác. Xin Ngài vui lòng cho biết việc triển khai thực hiện các thỏa thuận này?

+ Nhạc Ngọc Thành: Trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí xây dựng mối quan hệ đối tác phát triển gần gũi hơn và hiện nay chúng ta đang xây dựng kế hoạch chi tiết để phát triển quan hệ song phương trong 5-10 năm tới với hy vọng mở ra một chương mới cho quan hệ hai nước. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký 12 thỏa thuận thương mại và hợp tác kinh tế với tổng vốn đầu tư và tài chính 13 tỷ USD, bao gồm các lĩnh vực như xây dựng các khu công nghiệp, đường sắt, tín dụng,…

Hiện nay, chúng tôi đang thúc đẩy các nỗ lực thực hiện các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi cảm nhận được rằng quan hệ hợp tác song phương đang phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, với các kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua, lĩnh vực đường sắt sẽ là một trọng tâm trong hợp tác giữa hai nước. Hiện nay chuyên gia hai nước đang tiến hành nghiên cứu tính khả thi của các dự án nâng cấp tuyến đường sắt cao tốc Chennai - Bengalore - Mysore; hành lang đường sắt cao tốc Delhi - Chennai dài 1.754 km và các dự án cải tạo nhà ga cũng sẽ sớm được triển khai. Dự án xây dựng khu công nghiệp ô tô tại Pune với vốn đầu tư 5 tỷ USD và sẽ tạo ra khoảng 100.000 việc làm, mang lại lợi nhuận khoảng 20 tỷ USD/năm dự kiến sẽ được triển khai sớm và hoàn thành vào năm 2030. Gần đây một trung tâm nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc đã được khánh thành tại Bengalore. Tập đoàn Huaneng cũng sẽ đầu tư 3 tỷ USD để xây dựng các nhà máy nhiệt điện công suất 4000 MW tại Gujarat. Ngoài ra, các công ty của Trung Quốc cũng đang quan tâm đầu tư vào Ấn Độ, trong đó có các công ty thương mại điện tử lớn như Xiaomi và Alibaba.

Năm 2015 được xem như là “Năm du lịch Ấn Độ” ở Trung Quốc và đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch hai nước. Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Ấn Độ trong hai tháng qua đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu Ấn Độ tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp visa du lịch cho công dân Trung Quốc thì lượng du khách Trung Quốc sang Ấn Độ sẽ tăng nhanh hơn nhiều. Đáng chú ý, hai bên cũng đã đạt được thỏa thuận về việc mở tuyến du lịch trọn gói từ Kailash Manasarovar Yatra đến khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc thông qua Nathula Pass. Tăng cường hợp tác chặt chẽ về kinh tế, văn hóa và các lĩnh vực khác sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho việc xây dựng mối quan hệ đối tác phát triển gần gũi hơn giữa hai nước.

- Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ chính thức thăm Trung Quốc trong tháng 5. Vậy ông mong đợi gì trong chuyến thăm này?

+ Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Modi tới Trung Quốc kể từ khi nhậm chức và sẽ là điểm nhấn quan trọng trong quan hệ hai nước trong năm nay. Trung Quốc rất coi trọng chuyến thăm này và hai bên đang phối hợp với nhau để chuẩn bị cho chuyến thăm. Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Ấn Độ trong tháng 2 và chuyến thăm Ấn Độ của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì gần đây cũng nằm trong các hoạt động để chuẩn bị cho chuyến thăm Bắc Kinh của ông Modi.

Trong chuyến thăm của ông Modi, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ có các cuộc thảo luận toàn diện và sâu rộng với Thủ tướng Modi trên các lĩnh vực hợp tác song phương, chiến lược và thực tế giữa hai nước, trao đổi văn hóa và các vấn đề toàn cầu cùng quan tâm.

Các công ty hai nước cũng đang thỏa luận về một loạt dự án hợp tác và nếu đạt được sự đồng thuận thì có thể được ký kết trong chuyến thăm này với tổng giá trị khoảng 10 tỷ USD. Chuyến thăm này sẽ là một chuyến thăm quan trọng và hiệu quả, góp phần làm giàu thêm nội hàm và mối quan hệ đối tác phát triển gần gũi hơn giữa hai nước, đưa quan hệ Trung-Ấn lên một tầm cao mới.

- Chính phủ Trung Quốc gần đây công bố sáng kiến "Con đường tơ lụa trên biển và Con đường tơ mới" (còn được gọi là sáng kiến "Một vành đai, một con đường"). Ngài có thể giải thích về những sáng kiến này và sự liên quan của nó đối với quan hệ Trung Quốc và Ấn Độ?

+ Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” do Trung Quốc khởi xướng nhằm mục đích mang đến sự phát triển và thịnh vượng chung cho các quốc gia dọc theo "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” (SREB) và “Con đường tơ lụa thế kỷ 21” (MSR) bằng cách kết nối quá khứ với hiện tại, đất liền với biển và chiến lược phát triển của các quốc gia. Các kế hoạch hành động và tầm nhìn của các sáng kiến vừa được Chính phủ Trung Quốc chính thức ban hành. Sáng kiến này sẽ bao hàm khu vực rộng lớn với hơn 4 tỷ dân, hơn 60 quốc gia ở cả ba châu lục Á-Âu-Phi. Đây không phải là sự độc diễn của Trung Quốc, mà nó như một bản giao hưởng được phối khí bởi tất cả các nước có liên quan.

Các sáng kiến “Một vành đai, một con đường” sẽ tuân thủ các nguyên tắc thảo luận, xây dựng và cùng chia sẻ, thông qua sự phối hợp chính sách, kết nối giao thông, tự do thương mại, lưu thông tiền tệ và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước. Những sáng kiến này được đưa ra để thúc đẩy hợp tác kinh tế, chứ không phải do địa chính trị hoặc cố tìm kiếm và gia tăng phạm vi ảnh hưởng.

Kể từ khi được công bố, các sáng kiến này đã đóng góp tích cực trong việc xây dựng các cơ chế và khuôn khổ chính sách mới. Hơn 50 quốc gia dọc theo sáng kiến “Một vành đai, một con đường” đã bày tỏ sự ủng hộ. Trung Quốc đã ký kết và cũng đang trong quá trình thảo luận mang tính hợp tác với một số nước về sáng kiến này. Một loạt dự án phát triển cơ sở hạ tầng, thành lập các khu công nghiệp và thúc đẩy giao lưu nhân dân đã được triển khai. Chuyến tàu vận tải quốc tế đầu tiên ở Trung Á nối từ Liên Vân Cảng (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) đến Almaty (Kazakhstan) đã bắt đầu hoạt động ngày 25/2. Dự án đường ống dẫn khí giữa Trung Quốc với Trung Á sẽ sớm được triển khai cùng với các dự án đường ống dẫn khí Trung Quốc-Nga ở phía Đông, trong khi các thỏa thuận xây dựng các đường ống phía Tây cũng đang được thảo luận.
Việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) không chỉ được các nước khu vực châu Á mà còn cả các nước phát triển như Pháp, Đức, Anh, Canada hoan nghênh. Hiện nay, AIIB đã có 41 quốc gia đăng ký tư cách thành viên sáng lập.

Với vị trí địa lý đắc địa, Ấn Độ là một quốc gia quan trọng trên các tuyến đường tơ lụa cổ xưa và tuyến đường tăng cường, nằm tại điểm giao nhau của các sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Ấn Độ là đối tác hợp tác tự nhiên và quan trọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các sáng kiến “Một vành đai, một con đường". Năm ngoái, Ấn Độ đã trở thành một trong những thành viên sáng lập của AIIB và tổ chức cuộc họp cấp trưởng đoàn đàm phán lần thứ hai ở Mumbai hồi cuối tháng 1/2015. Trong nửa cuối năm nay, Ấn Độ cũng sẽ tổ chức cuộc họp thứ ba của Nhóm làm việc chung Hành lang kinh tế BCIM (gồm Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar). Tất cả các phản ánh này cho thấy thái độ và sự hợp tác tích cực của Ấn Độ với các sáng kiến "Một vành đai, một con đường”. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường trao đổi và phối hợp với Ấn Độ để liên kết các sáng kiến "Một vành đai, một con đường" với dự án "Con đường gia vị” (Spice Route) và dự án "Mausam" của Ấn Độ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và khu vực.

- Ngài có thể cho biết các giai đoạn tiếp theo sau vòng đàm phán biên giới lần thứ 18 giữa hai nước? Liệu chúng ta có thể hy vọng về bước đột phá đáng kể sau khi hai nước nối lại các cuộc đàm phán gần đây?

+ Tại vòng đàm phán lần thứ 18 giữa đặc phái viên hai nước gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tổ chức tại New Delhi ngày 23/3/2015, hai bên đã trao đổi quan điểm sâu sắc về vấn đề biên giới cũng như trao đổi chiến lược trong quan hệ hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Hai bên đánh giá các vòng đàm phán trước đây đã đạt được tiến độ tích cực, khẳng định sự cần thiết phải quản lý và kiểm soát xung đột, tham gia các nỗ lực để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới trước khi vấn đề biên giới được giải quyết; nhấn mạnh hai bên cần thông qua các cuộc đàm phán để đạt được sự đồng thuận chung về vấn đề biên giới trên cơ sở xem xét bức tranh lớn về quan hệ song phương và các lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước.

Ngoại trưởng Vương Nghị gần đây tuyên bố rằng vấn đề biên giới giữa hai nước là một di sản của lịch sử. Tại thời điểm này, việc đàm phán về biên giới đang tiến những bước nhỏ tích cực. Nó cũng giống như leo núi, các bước tiến khó khăn song chúng ta đang trên đường đi lên. Đó là tất cả các lý do mà chúng ta cần làm nhiều hơn để tăng cường quan hệ hợp tác và tạo điều kiện để vấn đề biên giới giữa hai nước được giải quyết.

- Có sự mất cân bằng thương mại lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc, với thâm hụt thương mại của Ấn Độ là khoảng 37,8 tỷ USD năm 2014 trong lúc thương mại song phương đạt 70,6 tỷ USD. Theo Ngài, nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

+ Trung Quốc mong muốn sự cân bằng thương mại hơn là thặng dư thương mại. Trung Quốc quan tâm đến việc thúc đẩy cân bằng thương mại với Ấn Độ một cách nghiêm túc, cho dù lý do chính của sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước xuất phát từ những nhân tố khách quan như sự khác biệt trong cơ cấu ngành công nghiệp. Chúng tôi sẵn sàng tạo cơ hội để tăng cường xuất khẩu Ấn Độ sang Trung Quốc. Từ năm 2008, Bộ Thương mại Trung Quốc đã cử 6 đoàn sang Ấn Độ để tăng cường xúc tiến thương mại và đẩy mạnh nhập khẩu từ Ấn Độ. Trung Quốc hoan nghênh các đối tác Ấn Độ mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc thông qua các sàn giao dịch như Triển lãm Trung Quốc-Nam Á, Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair) và các trung tâm xúc tiến nhập khẩu mới được xây dựng tại Thượng Hải, Thiên Tân và các thành phố khác. Trung Quốc cũng hoan nghênh Phòng Thương mại Ấn Độ tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc hy vọng Ấn Độ sẽ giảm bớt những hạn chế về xuất khẩu các sản phẩm cạnh tranh tới Trung Quốc (như quặng sắt), giảm thuế quan và khuyến khích các công ty xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Ấn Độ. Để khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Ấn Độ và tham gia các chiến dịch "Made in India", điều quan trọng là Ấn Độ cần giảm bớt những hạn chế và tinh giản các thủ tục cấp thị thực kinh doanh cho các doanh nhân Trung Quốc. Nhiều doanh nhân Trung Quốc đến Ấn Độ thì đầu tư sẽ tăng, điều này sẽ góp phần cải thiện thâm hụt cán cân thương mại song phương.

- Một số nhà nghiên cứu chiến lược và truyền thông Ấn Độ cho rằng sự hợp tác của Trung Quốc với các nước Nam Á là một phần của chính sách bao vây. Ngài trả lời mối quan ngại này như thế nào?

+ Trung Quốc tuân thủ phát triển hòa bình. Trung Quốc không có bất kỳ sự mở rộng truyền thống hoặc bất kỳ ý định mở rộng nào. Ấn Độ bị xâm lược và chiếm đóng bởi các cường quốc khác trong lịch sử, trong khi Trung Quốc là nước láng giềng lớn nhất, luôn giữ mối quan hệ thân thiện với Ấn Độ, giữ mối liên hệ và trao đổi với các nền văn minh, và chưa bao giờ âm mưu chống lại Ấn Độ hay các nước láng giềng khác. Sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Nam Á dựa trên nền tảng của sự phát triển chung. Các nước Nam Á sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc và nắm lấy con tàu tốc hành của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. Trung Quốc cũng sẵn sàng chia sẻ các cơ hội phát triển với các nước Nam Á. Hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Nam Á là cởi mở, minh bạch và có lợi cho tất cả các quốc gia liên quan. Không có động cơ đen tối và Ấn Độ cũng không cần phải lo lắng. Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Ấn Độ để tiến hành hợp tác ba bên và hợp tác đa phương trong khu vực, để đạt được sự hợp tác cùng thắng và phát triển chung.

- Quan điểm của Ngài về sự mở rộng quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ?

+ Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đang phát triển lớn nhất thế giới và Mỹ là quốc gia phát triển lớn nhất thế giới. Tổng GDP và dân số của ba nước này chiếm gần 40% của dân số thế giới. Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói về mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington rằng "Thái Bình Dương có không gian rộng lớn để chứa hai quốc gia vĩ đại của chúng ta" và mối quan hệ giữa Bắc Kinh với New Delhi "nếu chúng ta nói cùng một giọng, cả thế giới sẽ lắng nghe".

Miễn là có đủ tầm nhìn xa, lòng can đảm và tinh thần cởi mở, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ có thể hiểu biết lẫn nhau trong ba ngôn ngữ khác nhau: tiếng Trung, tiếng Hindi và tiếng Anh. Vì vậy, chúng ta có thể nhận rõ về sự hợp tác xuyên Thái Bình Dương và xuyên Ấn Độ Dương vào cuối năm ngoái. Jack Ma, nhà sáng lập công ty Alibaba của Trung Quốc đã nhận xét Alibaba đã có 15 năm quan hệ kinh doanh với các nhà cung cấp Ấn Độ. 400.000 người Trung Quốc đang mua trà và gia vị… từ Ấn Độ thông qua Alibaba và khoảng 1,3 triệu nhà cung cấp Ấn Độ đang phát triển kinh doanh trên nền tảng của Alibaba. Niêm yết thành công của Alibaba ở sàn giao dịch chứng khoán New York là bằng chứng xác thực cho sự đan xen lợi ích trong hợp tác cùng có lợi Trung Quốc-Ấn Độ-Mỹ.

Các hệ thống xã hội, nền tảng lịch sử và văn hóa ở Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ là khác nhau. Tuy nhiên, lợi ích của ba nước được đan xen lẫn nhau và do đó sự "tôn trọng lẫn nhau" là rất quan trọng trong mối quan hệ của chúng ta. Mỗi bên cần tôn trọng lợi ích cốt lõi và mối quan tâm của nhau, phải tôn trọng sự lựa chọn của nhau trên con đường phát triển; phải thừa nhận rằng lợi ích chung là lớn hơn nhiều so với sự khác biệt và phải tiếp tục tăng cường và mở rộng sự hiểu biết chung, làm sâu sắc thêm sự tin tưởng lẫn nhau thông qua đối thoại và tham vấn. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tìm kiếm và mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt và tiến tới con đường hợp tác hoà bình chưa từng được thực hiện trước đó.

Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ có nhu cầu và tiềm năng to lớn cho hợp tác trong các lĩnh vực song phương và đa phương. Từ kết nối thế giới để tạo thuận lợi cho thương mại, khắc phục sự nóng lên của trái đất tới an ninh năng lượng, đấu tranh chống đại dịch Ebola đến đánh bại chủ nghĩa khủng bố, mỗi lĩnh vực đơn nhất đó đều đòi hỏi sự tham gia hợp tác và đóng góp của ba quốc gia. Đây là sự mong đợi của cộng đồng quốc tế đối với ba quốc gia và cũng là bản chất của sự phát triển mối quan hệ giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ./.

Theo “The Hindu” (ngày 2/4)

Anh Thư (gt)