Mặc dù chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump lớn tiếng cảnh báo về khả năng xảy ra chiến tranh (giữa Mỹ) với Triều Tiên, song các đồng minh của Washington tại châu Á dường như đang lo lắng hơn về một nguy cơ khác, đó là một vụ đụng độ với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. Gần đây, Trung Quốc đã tăng tốc các hoạt động không quân và hải quân ở những khu vực nhạy cảm gần Nhật Bản và Đài Loan. Đây là một phần trong công cuộc viễn chinh của nước này nhằm mở rộng sự hiện diện quân sự ra Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo ở Tokyo và Đài Bắc đã kêu gọi Bắc Kinh "lùi bước", đồng thời bản thân Nhật Bản và Đài Loan cũng nỗ lực tăng cường phòng thủ.

Đầu tháng này, lần đầu tiên Nhật Bản chứng kiến một tàu ngầm của Trung Quốc tiến vào vùng tiếp giáp (12 hải lý đến 24 hải lý tính từ bờ biển) xung quanh các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Điều này diễn ra ngay sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cảnh báo rằng các hoạt động tuần tra quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc xung quanh quần đảo này đe dọa gây bất ổn cho khu vực.

Chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump đã khiến châu Á lo ngại, đồng thời đặt dấu hỏi về khả năng của Mỹ trong việc đối đầu với Trung Quốc trong bối sức mạnh quân sự và kinh tế của Bắc Kinh ngày càng gia tăng. Mục đích dài hạn của Trung Quốc là tái hợp nhất với Đài Loan, đồng thời chiếm thế thượng phong trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với một loạt nước, từ Nhật Bản, Việt Nam đến Ấn Độ. Ja Ian Chong, Phó Giáo sư của trường Đại học Quốc gia Singapore chuyên nghiên cứu về các mối quan hệ châu Á-Thái Bình Dương, nói: "Tính chất khó đoán định của chính quyền Trump đã khiến Tokyo và Đài Bắc phải nỗ lực tăng cường phòng thủ hơn. Trừ phi tình hình được giải quyết theo hướng tất cả các bên đều cảm thấy được đảm bảo an toàn, nếu không các hành động nói trên có thể làm gia tăng căng thẳng ở Đông Á và làm dấy lên khả năng xảy ra những sự việc đáng tiếc".

Trong năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chủ đề chính trong các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là Triều Tiên. Tuy nhiên, trong năm cầm quyền thứ hai của Trump, điều này có thể sẽ thay đổi, chủ đề chính của các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung sẽ là các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Trong một văn kiện mang tính chiến lược được công bố hồi tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dẫn chứng các hoạt động hiện đại hóa và mở rộng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông như những mối đe dọa chính đối với sức mạnh của Mỹ. Trung Quốc đã "phản pháo" văn kiện này khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi cuối tuần qua kêu gọi Mỹ từ bỏ tư tưởng "Chiến tranh Lạnh". Bắc Kinh đổ lỗi cho "các nước khác" dẫn chứng những mối quan ngại về tự do hàng hải để tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động cải tảo đất nhằm "tiếp sức" cho các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với hơn 80% diện tích Biển Đông.

Ngày 20/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ áp dụng "các biện pháp cần thiết" để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông sau khi một tàu chiến của Mỹ đi vào vùng biển gần Bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Đảo Hoàng Nham). Trung Quốc cũng bác bỏ các cáo buộc rằng nước này xâm phạm Đài Loan và Nhật Bản. Tháng trước, người phát ngôn của Lực lượng Không quân Trung Quốc Shen Jinke nói rằng việc các máy bay chiến đấu, ném bom và do thám của Trung Quốc tuần tra xung quanh Đài Loan là điều "bình thường mới". Bộ này cho biết tàu ngầm của Trung Quốc neo đậu gần các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông là để giám sát các di biến động của các tàu Nhật Bản.

Hải quân Trung Quốc bắt đầu tiến hành hoạt động khắp "Chuỗi đảo Thứ nhất" - bao gồm Nhật Bản, Đài Loan và Philippines - năm 2009. Theo hãng tin Tân Hoa Xã, Lực lượng Không quân Trung Quốc tiến hành các cuộc tuần tra đều đặn hơn vào năm 2015 và tần suất các chuyến bay cũng ở khu vực này cũng tăng từ "4 lần mỗi năm" lên "vài lần mỗi tháng" vào năm 2017. Năm ngoái, bà Thái Anh Văn cho biết bà sẽ tăng chi tiêu quốc phòng của Đài Loan ít nhất 2% mỗi năm. Các ưu tiên bao gồm mua tên lửa, máy bay chiến đấu và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mới. Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan và nghĩa vụ bảo vệ hòn đảo này theo luật năm 1979.

Tháng trước, nội các Nhật Bản cũng đã phê chuẩn khoản ngân sách quốc phòng kỷ lục là 5,19 nghìn tỷ yen (47 tỷ USD). Đây là đợt gia tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm lần thứ 6 liên tiếp dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. Mặc dù việc mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản trước hết là để đề phòng Triều Tiên, song Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trong tháng 1 này nói rằng chúng cũng có thể được sử dụng để ngăn chặn các loại vũ khí khác

Tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã đón tiếp Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại một căn cứ quân sự. Đây là một phần trong những nỗ lực nhằm tăng cường một sự dàn xếp an ninh 4 bên đang mở rộng, mà có thể bao gồm cả Mỹ và Ấn Độ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Tạp chí Tài chính Úc xuất bản ngày 20/1, ông Abe nói rằng nhóm “Quad” không nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc, cho dù ông cảnh báo về tình trạng bất ổn ở các vùng biển của khu vực này. Ông Abe nói: "Hiện có một nỗ lực nhằm làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tôi nghĩ rằng tình hình an ninh đang trở nên rối ren trong những ngày gần đây". Theo June Teufel Dreyer, Giáo sư Khoa học Chính trị của trường Đại học Miami và là tác giả cuốn sách viết về quan hệ Trung-Mỹ xuất bản năm 2016 có tựa đề "“Middle Kingdom and Empire of the Rising Sun”, Trung Quốc đang áp dụng "chiến lược cây bắp cải", theo đó dần dần bao vây một khu vực tranh chấp bằng các lực lượng an ninh và ngăn cản đối thủ tiếp cận.

Theo “Bloomberg

Hương Trà (gt)