Bộ trưởng Ngoại giao Marty Natalegawa trả lời phỏng vấn về trọng tâm chính sách đối ngoại của Indonesia trong năm 2013

Đối với Indonesia, năm 2012 là năm tập trung vào khu vực ASEAN, nhất là nhằm đảm bảo chương trình nghị sự do Indonesia đề ra vào năm 2011 với tư cách Chủ tịch ASEAN được triển khai thực hiện đúng tiến độ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần đảm bảo đạt được những tiến triển quan trọng trong xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 đang tới rất gần. Với mục tiêu như vậy, năm qua Indonesia tập trung vào mấy việc sau: Thứ nhất, như nói ở trên, đó là đảm bảo tiến độ công việc trong khối; thứ hai là các ưu tiên trong việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực ASEAN tiếp nối từ năm 2011; thứ ba, Indonesia cố gắng đặt quan hệ của ASEAN vào trong mối quan hệ toàn cầu với các nước trên thế giới. Những vấn đề này đã được triển khai trong năm 2012 và sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm Indonesia làm Chủ tịch APEC 2013. Ngoài ra, Indonesia cũng có thêm một loạt các mục tiêu cho năm 2013, đặc biệt là chú trọng sự tự chủ về kinh tế của khu vực.

Đối với trọng tâm chính sách đối ngoại năm 2013, mục tiêu xuyên suốt của Indonesia vẫn là đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực như trong các năm qua, cho dù là thông qua kênh ASEAN, APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, ASEAN+1 hoặc các mối quan hệ song phương khác. Khi có những tranh chấp tại Biển Đông, Indonesia thực hiện biện pháp ngoại giao con thoi, lãnh trách nhiệm của người lãnh đạo để dàn xếp và quản lý tranh chấp. Vai trò lãnh đạo này đã được Indonesia cam kết thực hiện trong nhiều năm qua từ xung đột giữa Thái Lan và Campuchia, vấn đề Myanmar và nay là vấn đề Biển Đông. Indonesia sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò này để đóng góp một cách tích cực, không chỉ để đương đầu với những vấn đề cụ thể trong khu vực ASEAN, mà còn xác lập những quy chuẩn, nguyên tắc để xử lý những vấn đề mà chúng ta gặp phải.

Hiện nay, khu vực của chúng ta đang trong một thời điểm then chốt, chúng tôi có cảm nhận rằng khu vực đang trong một giai đoạn sẽ có thêm căng thẳng do tình hình diễn biến trên Biển Đông, Biển Hoa Đông v.v., cộng thêm vấn đề lớn hơn xuất phát từ mối quan hệ của các nước lớn trong khu vực của chúng ta. Do tương lai bất định, chúng ta cần chuẩn bị những biện pháp cần thiết, những khung chính sách, những nguyên tắc để đảm bảo nếu có khó khăn, có những sự cố xảy ra, chúng ta có thể kiểm soát và quản lý một cách tốt nhất. Nếu nhìn theo cách đó, khu vực của chúng ta hiện nay đã trở nên tốt đẹp hơn nhiều so với trước. Năm 2011, Indonesia đã đề xuất để Nga và Mỹ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Mục đích là để đảm bảo rằng sự can dự với hai nước này phù hợp với những quy chuẩn, nguyên tắc đã thiết lập trong khu vực. Việc Indonesia đưa ra COC cũng là một phần không thể tách rời trong tổng thể mục tiêu tạo lập khung giàn xếp tranh chấp một cách hòa bình. Chính vì vậy, Indonesia thúc đẩy mạnh mẽ việc thông qua COC và các Nguyên tắc Bali đối với Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á được đưa ra từ 2011. Các văn kiện này tương tự như TAC, nhưng trong trường hợp này nó áp dụng cho tất cả các nước tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Điều chúng tôi mong muốn là cho dù bất kỳ điều gì xảy ra trong 2013 các biện pháp đàm phán ngoại giao luôn được coi là biện pháp ưu tiên hàng đầu.

Năm 2014 sẽ Indonesia tiến hành tổng tuyển cử và bầu Tổng thống. Mặc dù còn có nhiều vấn đề nội bộ cần được quan tâm như bảo hộ công dân, chống khủng bố, chống tham nhũng, thúc đẩy nhân quyền, song chính sách đối ngoại hoặc cách nhìn nhận các vấn đề quốc tế của Indonesia sẽ không có gì thay đổi đáng kể. Bầu cử cũng sẽ không tác động tiêu cực tới chính sách đối ngoại vì hiện nay Indonesia đã xác lập được thể chế ổn định và sẽ không để những diễn biến bên trong làm trệch hướng chính sách đối ngoại.

Theo Jakartapost (ngày 14/12 )

Mỹ Anh (gt)