Chính quyền Obama đã viết một chương mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nói rằng Mỹ giờ đây sẽ chuyển hướng từ hai cuộc chiến tại Tây Nam Á sang tập trung vào sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. "Trọng tâm châu Á" được đề cập lần đầu tiên trong một bài viết của Ngoại trưởng Hillary Clinton hồi tháng 10/2011 và trở thành khái niệm định hình cho chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Haoai, Ôxtrâylia và Inđônêxia trong tháng 11/2011. Những người ủng hộ cho rằng Tổng thống Obama đã định hình một tầm nhìn chính sách đối ngoại cho thế kỷ sắp tới. Những người hoài nghi chỉ ra rằng có vẻ như điểm mấu chốt châu Á trong chính sách của ông Obama có nhiều động cơ chính trị hơn là thực chất. Sự tập trung tăng cường của Mỹ vào châu Á là quyết định lưỡng đảng và bền vững. Cuộc tranh luận thực sự không phải là về tầm quan trọng của châu Á mà là về việc Mỹ sẽ tái cơ cấu nguồn lực cho sự can dự ngày càng tăng vào khu vực này như thế nào. Những giá trị của việc gia tăng sự tập trung vào châu Á là rõ ràng. Mỹ đã từng và đang tự coi mình là một cường quốc Thái Bình Dương kể từ khi chiếc tàu "Nữ hoàng Trung Hoa" căng buồm tới Quảng Đông vào năm mà Cách mạng Mỹ kết thúc, nhưng trong thế kỷ 18 và 19 thì Thái Bình Dương đứng ở vị trí ưu tiên thứ hai sau ưu tiên bảo đảm an toàn biên giới trên bộ. Trong thế kỷ 20, mối đe dọa Đức và sau đó là sự mở rộng của Liên Xô lần lượt nhằm vào Anh và Tây Âu đã khiến Woodrow Wilson, Franklin Roosevelt và phần lớn các tổng thống thời Chiến tranh Lạnh phải theo đuổi chính sách "Ưu tiên châu Âu trước nhất". 

Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Vụ châu Âu thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia lớn gấp 3 lần Vụ châu Á. Tổng thống George W.Bush đã cân bằng lại và hai Vụ châu Á và châu Âu bằng nhau về quy mô. Nhưng sau đó sự kiện 11/9 đã khiến Vụ chống khủng bố và Irắc/Ápganixtan được tăng cường lớn hơn cả hai vụ nói trên. Với những động lực sức mạnh và sức sống kinh tế của châu Á, việc chính quyền hiện nay và chính quyền kế tiếp khôi phục sự tập trung vào châu Á là điều hợp lôgíc. Chính quyền hiện nay - đặc biệt là bà Clinton - cũng xứng đáng được nhận phần thưởng về việc tăng cường sự can dự của Mỹ với Đông Nam Á. Chính sách này tiếp tục là một mô hình của các mối quan hệ chiến lược được mở rộng của Mỹ tại khu vực nhằm duy trì sự cân bằng quyền lực khi mà quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng. Khi Trung Quốc khẳng định những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình tại Biển Đông, Việt Nam và một số thành viên khác của ASEAN đã hướng tới Mỹ theo những cách thức mà bà Clinton đã đáp lại một cách sáng suốt. Lợi ích cuối cùng của "trọng tâm châu Á" là nó đã thể hiện cho Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng thấy rằng tỷ phần châu Á trong ngân sách sẽ tăng tương ứng. Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương đã được thông báo rằng đề xuất cắt giảm 500 tỷ USD trong lĩnh vực quốc phòng sẽ không tác động đến lực lượng của ông. Cả ba khía cạnh của trọng tâm châu Á gần như chắc chắn sẽ kéo dài tới nhiệm kỳ tổng thống kế tiếp, dù là phe Cộng hòa hay phe Dân chủ nắm quyền. Tuy nhiên, một số khía cạnh khác đặt ra một số câu hỏi về vấn đề kiểu cách và thực chất của chính sách mới này. Vấn đề đầu tiên là bản thân từ "trọng tâm". Từ "trọng tâm" này có thể cho thấy rằng châu Âu giờ đây ít quan trọng hơn. Tuy nhiên, nếu quan ngại chính của Chính quyền Obama là kiểm soát sự nổi lên hòa bình của Trung Quốc thì cũng không có gì khác nổi lên khỏi thực tế là thách thức của Trung Quốc đối với cấu trúc các mối quan hệ quốc tế hiện hành đòi hỏi phải có sự hợp tác hai bờ Đại Tây Dương nhiều hơn, chứ không phải ít hơn. Và tương tự, các bạn bè châu Á của Mỹ cũng không đánh giá Mỹ coi Trung Đông ít quan trọng hơn. Thực tế, hơn 90% nguồn nhập khẩu dầu lửa của Đông Bắc Á xuất phát từ khu vực này, và Tôkyô, Xơun và Bắc Kinh hướng tới Oasinhtơn tìm kiếm sự lãnh đạo trong việc duy trì ổn định tại khu vực mà Mỹ rõ ràng vẫn coi là trọng tâm. Một chiến lược lớn về trọng tâm cũng cần phải đặt ra những câu hỏi tại châu Á về thời điểm khi nào con lắc có thể xoay sang hướng khác. 

Vấn đề thứ hai là "trọng tâm" đòi hỏi phải có nhiều hành động liên quan tới tiến trình hơn là tới chiến lược. Chính quyền Obama đã nói về lý do tại sao châu Á quan trọng với Mỹ, nhưng chưa nói về viễn cảnh tương lai mà Mỹ xây dựng cho khu vực. Nhà văn Woody Allen từng châm biếm rằng 9/10 của thành công trong cuộc sống là sự thể hiện, và điều này có thể áp dụng cho nền ngoại giao tại châu Á. Ngoài những mối liên hệ tiếp tục với Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Obama đã thực hiện phần việc của mình bằng cách tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á nhưng ông chưa đưa ra một bức tranh rõ ràng về cách thức mà Mỹ sẽ sử dụng để xây dựng khu vực vừa bảo vệ sự ổn định và vừa can dự được với Trung Quốc. Việc không có một viễn cảnh cụ thể khiến Trung Quốc lựa chọn cách hiểu khái niệm "trọng tâm" của Mỹ chủ yếu là nhằm cô lập nước này. Một phần trong khó khăn của Chính quyền Obama là bản thân chiến lược châu Á đã thể hiện "trọng tâm" nhiều lần kể từ năm 2009. Chính quyền Obama đã bắt đầu sự can dự với châu Á bằng các cuộc gặp gỡ với giới chức Nhật Bản tháng 3/2009 (Thủ tướng Trung Quốc là khách mời nước ngoài đầu tiên tới Phòng Bầu dục và chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bà Clinton là tới Tôkyô). Tuy nhiên, tháng 11/2009, ông Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ký một tuyên bố chung cam kết tôn trọng "lợi ích cốt lõi" của nhau và các quan chức Mỹ lập luận rằng ưu tiên hàng đầu là "sự tái bảo đảm chiến lược" với Bắc Kinh. Đối với phần lớn thế giới, điều này giống như một "chế độ công quản mới" với Bắc Kinh. Sau khi Trung Quốc đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền với Biển Đông và hậu thuẫn tiêu cực đối với Bắc Triều Tiên sau các vụ tấn công vào Hàn Quốc, Chính phủ Mỹ đã chuyển sang "mô hình cân bằng quyền lực" và cuối cùng là "trọng tâm". Sự trùng hợp của chiến lược "trọng tâm" với chiến dịch bầu cử 2012 cũng như việc rút quân khỏi Irắc, Ápganixtan cũng mang lại cho khái niệm này một hương vị đậm mùi chính trị khi mà Nhà Trắng đang nỗ lực thể hiện một chính sách ngoại giao mang tính cơ bắp hơn. Một cách tiếp cận chiến lược kiên định hơn với châu Á có thể sẽ mang lại một chiến lược tốt hơn và một nền chính trị tốt hơn. 

Cuối cùng, sự không chắc chắn lớn nhất về trọng tâm châu Á là câu hỏi về nguồn lực. Khắp châu Á, các bạn bè của Mỹ đang nói rằng "chúng tôi thích sự quan tâm... nhưng liệu bạn có thể đáp ứng?". Câu trả lời của Chính quyền Obama là "có", bởi cắt giảm quốc phòng không tác động tới Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Tư lệnh Thái Bình Dương không thực sự sở hữu lực lượng mà ông đang có. Nếu có một cuộc khủng hoảng với Iran liên quan tới Eo biển Hormuz, Không quân và Hải quân Mỹ sẽ chuyển các thiết bị của mình từ Thái Bình Dương sang Biển Arập. Ông Obama đã đề xuất cắt giảm 500 tỷ USD và chưa có hành động gì thể hiện rằng ông sẽ ngăn chặn số tiền gấp đôi con số đó trong các khoản cắt giảm tự động nếu như "siêu ủy ban" của Quốc hội không nhất trí về cắt giảm thâm hụt. Các học giả cho rằng Nhà Trắng đang chơi trò được ăn cả ngã về không với phe Cộng hòa, với hy vọng rằng việc đe dọa cắt giảm quốc phòng sẽ buộc phía kia phải nhất trí về việc tăng thuế và cắt giảm phúc lợi ít hơn. Đây là một trò chơi nguy hiểm. Khoản cắt giảm 500 tỷ USD vốn đã đặt ra áp lực với các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương; khoản cắt giảm tạm thời trị giá 1.000 tỷ USD có thể cắt giảm mạnh trong lĩnh vực đóng tàu hải quân của Mỹ tới mức mà Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương sẽ phải bao quát cả Tây Thái Bình Dương và Tây Nam Á. Hơn nữa, như tờ Bưu điện Oasinhtơn đã chỉ ra, chiến lược quốc phòng mới của chính quyền giả định rằng Mỹ sẽ không tham gia các cuộc chiến trên bộ nữa. Điều đó sẽ là một ngạc nhiên cho các nhà hoạch định chiến lược vốn đang chứng kiến sự biến động tiếp diễn tại Trung Đông, đó là chưa kể tới Bán đảo Triều Tiên. Hiện vẫn chưa có sự hoảng loạn tại khu vực. Chuyến công du tháng 11 của Tổng thống Obama đã được khéo léo tổ chức và hình ảnh Mỹ chủ trì Hội nghị APEC tại Haoai, công bố căn cứ mới tại Bắc Ôxtrâylia, và sau đó tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á, đã giúp mang lại một động lực làm dịu đi những câu hỏi về chất đối với cam kết thực sự của Mỹ. Tuy nhiên, trong 1 hoặc 2 năm tới, thực tế sẽ bắt kịp với những màn trình diễn biểu tượng đó. Nếu ông Obama hoặc người kế nhiệm thực hiện việc cấp nguồn lực cho cam kết của mình tại châu Á, khi đó "trọng tâm châu Á" sẽ được lịch sử coi là một bước đi mạnh trong việc tái cân bằng chiến lược toàn cầu của Mỹ một cách vững chắc thời hậu Chiến tranh Lạnh. Nếu không, "trọng tâm châu Á" sẽ chấm dứt và nó giống như câu chuyện chính trị trong năm bầu cử. 

Tác giả Michael Green là cựu trợ lý đặc biệt của tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia, Giám đốc Cấp cao về châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George W.Bush, hiện là cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược Mỹ (CSIS).

Theo Chathamhouse (tháng 2/2012)

Hương Trà (gt)