Trong vài năm qua, Trung Quốc đã và đang thể hiện sức mạnh và những tham vọng ngày càng gia tăng của nước này. Những dấu hiệu nổi bật gồm có việc cố tình buộc một tuần dương hạm trang bị tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ phải thay đổi hành trình ở Biển Đông; khóa radar ngắm bắn vào máy bay và tàu chiến của một nước láng giềng (Nhật Bản); đơn phương tuyên bố thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) chồng lấn lên ADIZ của các nước láng giềng; tái khẳng định một luật đánh bắt cá yêu cầu tàu thuyền các nước khác phải xin phép mới được đánh bắt cá ở các vùng biển tranh chấp; tổ chức các cuộc tuần tra đầy hung hăng của hải quân và lực lượng cảnh sát biển cũng như các cuộc tập trận ở các vùng lãnh hải tranh chấp và trong những vùng biển mà các nước khác tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của họ; đồng thời gia tăng các cuộc tuần tra trên không và các cuộc tuần tra của hải quân ở các vùng biển xa. 

Rất dễ hiểu là Trung Quốc muốn được tôn trọng và muốn đóng một vai trò lớn, nếu không muốn nói là vai trò thống trị, trong khu vực của riêng họ, và cuối cùng là trên thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng muốn tránh chiến tranh – hoặc một cuộc chiến tranh lạnh, một cuộc chiến tư tưởng căng thẳng trên phạm vi rộng – điều sẽ trì hoãn, nếu không muốn nói là phá hỏng sự trỗi dậy nhanh chóng của nước này về kinh tế, quân sự và chính trị. Và tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt chiến lược là ở chỗ đó. 

Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, “lập luận rằng các nước mạnh sẽ tìm kiếm sự bá chủ là không đúng với Trung Quốc. Điều này không nằm trong ADN của đất nước, vì nền tảng lịch sử và văn hóa lâu đời của chúng tôi. Trung Quốc hoàn toàn hiểu rằng chúng tôi cần một môi trường ổn định và hòa bình ở cả trong và ngoài nước để phát triển đất nước chúng tôi. Tất cả chúng ta cần hợp tác cùng nhau để tránh cái bẫy Thucydides (một viên tướng, đồng thời là một sử gia người Hy Lạp) – những căng thẳng mang tính hủy diệt giữa một cường quốc mới nổi và các cường quốc đã xác lập… Mục đích của chúng tôi là củng cố một mô hình mới về mối quan hệ giữa các nước lớn”. 

Tuy nhiên, các hành động và tuyên bố của Trung Quốc dường như không ủng hộ những tuyên bố của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Trung Quốc biết rằng họ vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự tổng lực với Mỹ và các đồng minh của Wasshington – ngay cả khi một số bộ phận xã hội Trung Quốc dường như nghĩ rằng đó là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc Trung Quốc “đi quá xa” – có vẻ như Trung Quốc muốn quá nhiều quyền lực quá sớm – đang có nguy cơ gây ra điều ngược lại với môi trường địa chính trị thân thiện mà họ tìm kiếm. 

Thật vậy, những hành động của Trung Quốc đang gây ra lo ngại – chứ không phải sự khâm phục và tôn trọng về tư tưởng – và đẩy ngày càng nhiều nước hướng đến sự bảo vệ của Mỹ, như Nhật Bản, Australia và một loạt các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 

Có lẽ đây là điều Trung Quốc hoàn toàn không mong muốn: bị bao vây, kiềm chế, thậm chí bị ngăn chặn bởi các nước láng giềng không thân thiện, thậm chí là thù địch, liên minh chống lại họ. Đây có thể là điều tồi tệ đối với sự tiếp tục “trỗi dậy” của Trung Quốc trong mọi khía cạnh. 

Và động lực hành động – phản ứng này đến lượt nó có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn bị chi phối bởi sự lo ngại lẫn nhau và chủ nghĩa dân tộc theo phản xạ, lên đến cực điểm thành điều mà Trung Quốc và khu vực lo sợ nhất – chiến tranh, một cuộc chiến tranh nóng hoặc lạnh. Bối cảnh tồi tệ nhất này đang có dấu hiệu nhen nhóm. Một số người nói rằng tình trạng căng thẳng đã lên đến “đỉnh điểm”. Thật vậy, những nhà hoạch định chiến lược của các chính phủ đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. 

Tuy nhiên, tương lai này không phải là điều chắc chắn sẽ xảy ra, mặc dù việc suy nghĩ về nó có thể biến nó thành sự thật. Trung Quốc nên và có lẽ sẽ giảm bớt những hành động hung hăng của họ - trong đó có giọng điệu khoa trương hiếu chiến chính thức dường như là quay trở lại một kỷ nguyên khác, khi Trung Quốc là nước rũ bỏ một cách đúng đắn và hợp pháp những xiềng xích thuộc địa đầy nhục nhã của họ. 

Tuy nhiên, Mỹ phải giúp Trung Quốc làm dịu bớt lập trường hung hăng bằng cách điều chỉnh một mức độ nào đó đối với những lợi ích quốc tế và tham vọng của họ; nói tóm lại, là bằng cách chia sẻ quyền lực. Khi nào điều chỉnh, điều chỉnh trong những vấn đề gì, và điều chỉnh ở mức độ nào, là những thách thức để các nhà tư tưởng của Chính phủ Mỹ cân nhắc và thương lượng với Trung Quốc. 

Về phần mình, Trung Quốc cần chứng tỏ bằng các hành động của họ rằng không phải họ đang tìm kiếm xung đột quân sự. “Sự mềm dẻo” chiến lược này sẽ giúp thu được mối quan hệ nước lớn “mới” như đã được Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands giữa nhà lãnh đạo này với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 6 năm ngoái. 

Các khu vực tranh chấp trên biển và không phận tiếp giáp với Trung Quốc hiện đang là những nơi nguy hiểm nhất, vì chỉ cần một tính toán sai lầm hay những vụ việc bất ngờ ngoài ý muốn đều có thể gây ra một cuộc xung đột lớn hơn. Một thỏa thuận với Trung Quốc về các quy tắc ứng xử trên Biển Đông có thể làm cho mọi việc trở lại đúng hướng kiểm soát. Dĩ nhiên, việc thực hiện những quy tắc này có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng một thỏa thuận như vậy sẽ cho thấy rằng Trung Quốc thực sự đang tìm cách tránh kịch bản tồi tệ nhất. 

Một động thái tích cực khác sẽ là việc làm rõ tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông đối với các hòn đảo và các vùng đặc quyền kinh tế thuộc những khu vực đó. Việc Bắc Kinh kiềm chế những hành động đang ngày càng bị các nước láng giềng của Trung Quốc coi là “ngoại giao pháo hạm” cũng sẽ giúp làm dịu môi trường chính trị hiện nay. 
Mỹ có lẽ sẽ đáp lại bằng cách giảm bớt hoặc loại bỏ sự giám sát “sát nút” và các cuộc thăm dò của họ đối với quân đội Trung Quốc, không thổi phồng thái quá cũng như không quảng bá sự hiện diện quân sự của họ trong khu vực, và giảm bớt hoặc nới lỏng việc bán vũ khí cho Đài Loan. 

Không có điều nào trong số này được đưa ra nhằm nói rằng Trung Quốc không nên và không thể khao khát có ảnh hưởng và sự tôn trọng trên toàn cầu. Cũng không thể cho rằng chỉ có Trung Quốc mới là nước có lỗi trong việc làm cho môi trường chính trị ở châu Á xấu đi. Điều đó cho thấy rằng để đạt được các mục tiêu của mình, Trung Quốc nên kiên nhẫn và bình tĩnh hơn. Như Đặng Tiểu Bình đã khuyên, Trung Quốc nên “giấu mình chờ thời”. 

Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ không cùng nhau “nhảy tango”. Mỹ phải hiểu rõ tình hình, đồng thời linh hoạt và sẵn sàng. Thật vậy, vì lợi ích của khu vực và thế giới, cả hai nước đều cần phải xử lý tốt hơn mối quan hệ của họ. 

Mark J. Valencia là học giả tại Viện Nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc. Bài viết được đăng trên South China Morning Post.

Văn Cường (gt)