barack20_afp.jpg

Các Bộ trưởng thương mại sẽ tham gia đàm phán từ ngày 28-31/7 ở đảo Maui, với nhiều hy vọng đạt được sự nhất trí để tiến đến ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu đạt được thì đây sẽ là hiệp định thương mại có ảnh hưởng sâu rộng nhất và là di sản của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Các vấn đề khó khăn nhất vẫn tồn tại cho tới nay, bao gồm thời gian độc quyền sản xuất các loại thuốc cứu sinh mới và các ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước, cũng như các vấn đề thương mại khác từ bấy lâu nay như việc mở cửa các thị trường bảo hộ cho cạnh tranh từ bên ngoài.

Phát biểu với báo giới hôm 24/7, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari nói: “Cuộc đàm phán lần này sẽ đặc biệt quan trọng quyết định ‘số phận’ của TPP. Tôi tin rằng tất cả các quốc gia sẽ tham gia đàm phán với quyết tâm cao để đây sẽ là cuộc đàm phán cuối cùng”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Canada Ed Fast lại tỏ ra thận trọng hơn, ông cảnh báo tuần trước rằng “vẫn còn rất nhiều công việc khó khăn phải hoàn tất trước khi một thỏa thuận được ký kết”. Việc Canada đến nay vẫn từ chối nới lỏng hạn ngạch nhập khẩu sữa cũng là vấn đề chính gây khó khăn trong đàm phán và gây phiền lòng Mỹ cũng như New Zealand - quốc gia nói rằng họ sẽ không ký kết một thỏa thuận nếu như nó không thể mở ra các thị trường sữa mới.

Nếu không đạt được thỏa thuận trong tuần này thì sẽ ảnh hưởng lớn tới kế hoạch sít sao đề ra, đó là trình TPP lên Quốc hội Mỹ phê chuẩn trong năm nay, trước khi chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 chi phối chương trình nghị sự. Cuộc tranh cãi kéo dài 6 tuần ở Quốc hội Mỹ nhằm đơn giản hóa việc thông qua các thỏa thuận thương mại ở Quốc hội cuối cùng đã kết thúc hồi cuối tháng 6/2015, góp phần đẩy nhanh các cuộc đàm phán và thúc đẩy các Bộ trưởng đưa ra quyết định khó khăn cần thiết để kết thúc đàm phán.

Tami Overby, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ phụ trách khu vực châu Á, nói rằng nếu không đạt được thỏa thuận trong tuần này, thì việc giữ được động lực là rất khó khăn. Tuy nhiên, bà Overby cho biết bà khá lạc quan về khả năng thành công. Một quan chức Mỹ nói rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục nếu không có một thỏa thuận được ký kết ở Maui.

Các công đoàn ở Peru mới đây đã phàn nàn với Bộ Lao động Mỹ, nói rằng Chính phủ Peru không đáp ứng được tiêu chuẩn ghi trong Hiệp định Thương mại Mỹ-Peru 2009, mà cũng giống như TPP, có mục tiêu đảm bảo các tiêu chuẩn về lao động được quốc tế công nhận. Quyền của người lao động ở các nước tham gia đàm phán TPP khác, đặc biệt ở Việt Nam, cũng là mối quan ngại chính của các nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ, rất nhiều người trong số đó lo ngại rằng TPP sẽ làm dân Mỹ mất việc làm một phần bởi tiêu chuẩn về lao động thấp hơn ở nước ngoài.

Một số nhà ngoại giao của các nước tham gia đàm phán TPP cũng nghi ngờ liệu các nhà đàm phán, vốn được triệu tập từ hôm 24/7, và các Bộ trưởng Thương mại có thể đạt được thỏa thuận chi tiết trước ngày 31/7 hay không. Một sự lựa chọn có thể sẽ là các bên ký kết một thỏa thuận khung và sau đó sẽ tiến tới thỏa thuận chi tiết. Một quan chức nói: “Hiện câu hỏi lớn ở đây là liệu họ có thể giải quyết tất cả các vấn đề - một khối lượng công việc khổng lồ - chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần hay không.”

Theo "Reuters"

Nhật Linh (gt)