Trước sức ép cũng như chán ngán với sự "vượt mặt" của đồng minh lâu đời là Mỹ, Pakixtan đã quay sang Trung Quốc với lời đề nghị xây dựng một căn cứ hải quân tại cảng Gwadar, phía Tây Nam nước này, và hy vọng Hải quân Trung Quốc sẽ duy trì sự có mặt thường xuyên tại đây. Đây là động thái được cho là khá nguy hiểm bởi nó gióng hồi chuông "cảnh báo" không chỉ cho Mỹ mà cả cho Ấn Độ.

Trả lời phỏng vấn tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 22/5, Bộ trưởng Quốc phòng Pakixtan Chaudhary Ahmed Mukhtar nói: "Chúng tôi đã đề nghị Trung Quốc xây một căn cứ quân sự tại Gwadar". Bộ trưởng Quốc phòng Pakixtan cũng xác nhận rằng đề nghị này đã được đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc tuần trước của Thủ tướng Pakixtan Yusuf Raza Gilani.

Cho tới nay, Trung Quốc vẫn luôn tránh những động thái có thể chọc giận Mỹ và các láng giềng của Bắc Kinh như Ấn Độ, Malaixia và Inđônêxia. Một quan chức Trung Quốc có liên quan tới việc hoạch định chính sách an ninh của Bắc Kinh khẳng định rằng "sự nổi lên của Trung Quốc là một động lực có lợi cho hòa bình và chúng tôi không có tham vọng bá chủ". Tuy nhiên, Christopher Yung, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Quốc gia Oasinhtơn, cho rằng "bản chất và mức độ tiếp cận của Trung Quốc đối với các căn cứ ngoài khu vực là dấu hiệu và là sự cảnh báo rõ ràng nhất" về tham vọng trở thành cường quốc quân sự toàn cầu của nước này.

Một quan chức cao cấp của Pakixtan gần gũi với các cuộc thảo luận giữa Trung Quốc và Pakixtan về hợp tác hải quân nói: Chúng tôi hy vọng tàu của Trung Quốc có thể thường xuyên viếng thăm căn cứ này để sửa chữa, bảo dưỡng các hạm đội tàu của họ ở Ấn Độ Dương". Một vị trí dừng chân như vậy tại Pakixtan sẽ là địa điểm đầu tiên ở nước ngoài hỗ trợ Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong các chiến dịch tương lai bên ngoài khu vực. 

Rahul Rou-Chaudhury, chuyên gia về an ninh Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Luân Đôn, nhận định: "Điều này chắc chắn là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi trong các mối quan hệ an ninh và quốc phòng của Trung Quốc. Việc xây dựng căn cứ hải quân tại Gwadar sẽ cho phép các tàu và có thể cả các tàu ngầm của Trung Quốc quyền đồn trú 'thường trực', cùng với khả năng tổ chức tập trận và tuần tra thường xuyên tại Biển Arập nhằm bảo vệ số lượng các tàu chở dầu ngày càng tăng của Trung Quốc đi qua khu vực này".

Các chiến dịch chống cướp biển ở Vịnh Ađen đã giúp Hải quân Trung Quốc nhận thức rằng họ thiếu các cảng để có thể tái trang bị lương thực và nước uống, thay đổi nhân viên và bảo trì tàu. Do đó, Hải quân Trung Quốc đang ra sức vận động để có thể xây dựng các căn cứ hải quân tại nước ngoài. Cảng thương mại Gwadar hiện nay từng được Trung Quốc xây dựng và do Cơ quan Cảng biển Xinhgapo điều hành. Tất nhiên, việc xây dựng cảng hải quân tại đây sẽ gây mối thù địch với Ấn Độ bởi nó là minh chứng cho việc tăng cường quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Pakixtan.

Cũng trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Pakixtan Yusuf Raza Gilani, Bắc Kinh cũng đã đồng ý thúc đẩy việc bàn giao 50 máy bay chiến đấu cho Pakixtan. Các quan chức quốc phòng Pakixtan rất muốn Hải quân Trung Quốc tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ Dương và phía Bắc Biển Arập. Mục tiêu chính của Pakixtan là nhằm đối trọng với sự hiện diện ngày càng lớn của Hải quân Ấn Độ tại các khu vực này.

Theo Financial Times

   Đinh Anh (gt)