Một ngày sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa, Trung Quốc mới bày tỏ sự phản đối và hối thúc Mỹ cùng Hàn Quốc hành động hơn nữa đ kiềm chế tham vọng hạt nhân của chính quyền Bình Nhưỡng. Phát biểu trước báo giới ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 13/2 tuyên bố: "Những gốc rễ của vấn đề vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng bắt nguồn từ những khác biệt giữa Triều Tiên và Mỹ, giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ gánh vác những trách nhiệm của mình và làm những gì mà họ có thể làm". Mặc dù ông này cũng lưu ý rằng vụ thử tên lửa nói trên của Bình Nhưỡng là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Trung Quốc thường xuyên chỉ trích việc Triều Tiên tiến hành các vụ thử vũ khí, song theo một số học giả, lời lẽ trong tuyên bố mới nhất này của Bắc Kinh có vẻ dè dặt hơn, nhất là nếu so sánh với những lời cảnh cáo mà họ đưa ra sau khi Triều Tiên thử hạt nhân năm 2016.

Ông Huang Jing, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung và các vấn đề an ninh châu Á tại trường Đại học Quốc gia Singapore, nói: "Kể từ khi ông Donald Trump lên cầm quyền, Trung Quốc đã chuyển sang cách tiếp cận 'chờ đợi và quan sát' - để mặc ông ta làm những gì mà ông ta muốn rồi họ mới đưa ra phản ứng. Triều Tiên đã tạo cơ hội cho Trung Quốc làm phép thử đối với những dự định chính sách của ông Donald Trump". Trên thực tế, ông Donald Trump chưa trình bày kế hoạch cụ thể về quan hệ với Triều Tiên. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông này đã bóng gió nói rằng "sẵn sàng trực tiếp thiết lập quan hệ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un", thay cho cách tiếp cận cũ là chú trọng vào đàm phán song phương. Tháng 1 vừa qua, trong vai trò tổng thống đắc cử, ông Donald Trump nói rằng Bắc Kinh chưa gây đủ áp lực lên Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ông Donald Trump xem ra đã rút lại một số cam kết không bình thường được đưa ra trong chiến dịch tranh cử và trở lại với những lập trường quen thuộc của ngoại giao Mỹ suốt nhiều thập niên qua. Vì vậy, theo nhận định của một số học giả, đó chính là lý do khiến Bắc Kinh không muốn cam kết với bất kỳ xu hướng hành động cụ thể nào trong vấn đề Triều Tiên.

Giáo sư Shi Yuanhua thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của trường Đại học Phúc Đán, Thượng Hải (Trung Quốc) nói: "Có lẽ Trung Quốc cần điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp với quan điểm của Mỹ nên Bắc Kinh đang quan sát xem Washington làm gì. Liệu ông Donald Trump có tiếp tục chiến lược của người tiền nhiệm Barack Obama đối với Bán đảo Triều Tiên, có hành động cứng rắn hơn đối với Triều Tiên, hay nghe theo lời khuyên của Trung Quốc và nối lại đối thoại hay không? Mỹ vẫn chưa tỏ rõ quan điểm của họ". Theo đề xuất của Bắc Kinh, Mỹ nên gánh vách nhiều trách nhiệm hơn cho việc cản trở những tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, với lập luận rằng chính quyền Bình Nhưỡng sẽ không nhượng bộ nếu không nhận được một số đảm bảo cho an ninh quốc gia của họ. Tờ "Thời báo Hoàn cầu" ngày 12/2 đăng xã luận có đoạn viết: "Nếu Washington tiếp tục gây áp lực lên việc phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong khi phớt lờ những quan ngại của Triều Tiên, cuộc đối đầu hiện nay giữa hai nước sẽ biến thành một cuộc chiến ngu xuẩn. Cả Seoul, Washington và Tokyo đang yêu cầu Bắc Kinh gây thêm áp lực lên Bình Nhưỡng. Thực tế là họ đang xử lý một vấn đề thứ yếu chứ không phải là nguyên nhân gốc rễ".

Theo "The Wall Street Journal"

Mỹ Anh (gt)