virginia_class_submarine.jpg

Ngày 2/1, các chuyên gia quốc tế về vũ khí cho rằng những nỗ lực của Triều Tiên trong năm 2016 nhằm phát triển các linh kiện lắp ráp tên lửa hành trình xuyên lục địa (ICBM) đã tạo nền tảng cho tuyên bố của quốc gia này rằng họ đang tiến gần tới khả năng tiến hành một vụ phóng thử. Triều Tiên đã thử nghiệm động cơ tên lửa và các tấm chắn nhiệt cho ICBM song song với việc phát triển công nghệ dẫn đường cho tên lửa sau khi quay trở lại quỹ đạo. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dù Bình Nhưỡng đã tiến gần đến mức có thể tiến hành một vụ thử tên lửa, song quốc gia này vẫn sẽ phải mất vài năm để hoàn thiện loại vũ khí này. Một khi đã được hoàn thành, ICBM của Triều Tiên có thể đe dọa các mục tiêu trên đất Mỹ, cách Triều Tiên khoảng 9.000 km. Các ICBM có tầm bắn trung bình khoảng 5.500 song đã được thiết kế để di chuyển được hành trình lên tới 10.000 km, thậm chí là xa hơn.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên thường xuyên đe dọa tấn công hạt nhân nhằm vào nước Mỹ. Tuy nhiên, trước năm 2016, quốc gia này vẫn bị xem là còn ở khá xa khả năng hiện thực hóa những đe dọa của mình. Melissa Hanham, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey (California), nói: “Điều quan trọng là Bình Nhưỡng đã đạt bước tiến lớn trong việc phát triển tên lửa, nhiều hơn những gì hầu hết chúng ta có thể nhận thấy”. Bà cho rằng vụ thử động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng hồi tháng 4/2016 của Triều Tiên, động cơ được dùng cho các ICBM, có thể coi là một bước tiến quan trọng, “Vụ thử động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng là điều gây choáng váng. Trong nhiều năm, chúng ta vẫn chỉ biết rằng Triều Tiên có một động cơ tên lửa mẫu Soviet R-27. Họ đã cải tiến thiết kế này để tăng gấp đôi sức đẩy cho động cơ này”.

Triều Tiên khẳng định đã có thể lắp đầu đạn hạt nhân vào tên lửa hành trình, song các tuyên bố của quốc gia này về việc thu nhỏ thiết bị hạt nhân chưa bao giờ được kiểm chứng một cách độc lập. Nhiều thông tin cho biết Triều Tiên hiện đã làm giàu đủ số urani cần thiết cho việc chế tạo 6 quả bom hạt nhân trong một năm và đủ để phục vụ các chương trình hạt nhân và tên lửa dựa trên thiết kế cũng như công nghệ thời Xôviết. Tại quốc gia bị cô lập này, nhân công có giá rất rẻ, bởi vậy Triều Tiên có thể sản xuất và chế tạo hầu hết các bộ phận của tên lửa ở trong nước và năm ngoái đầu tư mạnh tay cho các cơ sở hạ tầng phát triển tên lửa, với nguồn kinh phí lấy từ việc bán các vũ khí cỡ nhỏ và đánh thuế các nhà buôn giàu có hoạt động trong nền kinh tế thị trường không chính thức tại đây.

Trong năm vừa qua, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã nhiều lần phát đi hình ảnh các vụ thử nhiều bộ phận của tên lửa, một số cho thấy những chi tiết gần hơn của các động cơ và tấm chắn nhiệt được thiết kế để bảo vệ tên lửa khi quay trở lại quỹ đạo Trái Đất. Chiến dịch tuyên truyền này có thể tiết lộ một số bí mật quân sự, song cũng là để nhằm tới giới phân tích nước ngoài, mà nhiều người trong số đó vẫn hoài nghi về chương trình tên lửa của Triều Tiên. Ông Joshua Pollack của tạp chí “Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân” nhận định: “Họ đang đáp trả những chỉ trích công khai của giới chuyên gia Mỹ… Nhiều người đã đặt câu hỏi rằng liệu họ có thực sự đang sở hữu một tấm chắn nhiệt hiệu quả sử dụng cho các ICBM hay không. Bởi vậy họ cho chúng ta thấy (câu trả lời)”.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều nghiên cứu song Bình Nhưỡng vẫn đang gặp phải những khó khăn đáng kể trong việc phóng thành công tên lửa tầm trung Musudan, với tầm bắn khoảng 3.000km. Trong năm 2016, Triều Tiên đã 8 lần thử nghiệm loại tên lửa này và chỉ có 1 lần duy nhất thành công. Triều Tiên từng nhiều lần phóng tên lửa tầm xa song đều tuyên bố rằng các vụ phóng này là vì mục đích hòa bình, và được chế tạo để đưa vật thể vào trong không gian. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng tên lửa Kwangmyongsong (Quang Minh Tinh) 3 tầng, được dùng để đưa vệ tinh lên quỹ đạo hồi tháng 2/2016, có đủ khả năng di chuyển tới 12.000 km nếu được điều chỉnh hợp lý. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi Bình Nhưỡng phải sở hữu thành công công nghệ “phóng lạnh” và hoàn thiện khả năng đưa tên lửa quay trở lại quỹ đạo Trái Đất một cách an toàn.

Ông Roh Jae-cheon, một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 2/1: “Triều Tiên đang nỗ lực để phát triển công nghệ phóng lạnh và khả năng quay trở lại quỹ đạo. Mỹ cần phải đánh giá chính xác hơn mức độ phát triển mà họ đã đạt được”. Ông cho rằng Triều Tiên đã đẩy mạnh phát triển tên lửa từ tháng 3/2016 song quân đội Hàn Quốc không nhận thấy có bất kỳ “dấu hiệu bất thường nào” liên quan đến các công tác chuẩn bị thử nghiệm. Nhà nghiên cứu Hanham nhấn mạnh: “Năm 2016 là năm đánh dấu Triều Tiên thực sự đẩy mạnh phát triển chương trình vũ khí hủy diệt hành loạt…. Tôi cho rằng nước này sẽ tiến hành một vụ thử ICBM trong năm 2017”.

Theo "Reuters" (ngày 3/1)

Anh Thư (gt)