Để có kết quả, các bên cần đàm phán để đi đến một thỏa thuận có thể được tất cả các bên chấp thuận và có hiệu lực. Thỏa thuận có thể dựa vào “Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông” giữa ASEAN và Trung Quốc đã được đưa ra trước đó, các thỏa thuận về quản lý các sự cố trên biển, các hoạt động quân sự nguy hiểm và những vấn đề liên quan khác. Điều đầu tiên cần bàn tới là thỏa thuận cần quy định rõ địa điểm nào, nước nào và Bộ Quy tắc Ứng xử áp dụng ở mức độ nào, có bao trùm lên tất cả Biển Đông hay không hay chỉ tại những khu vực tranh chấp, và cách thức đối xử với vùng lãnh thổ Đài Loan. Để có tính toàn diện, COC cần đề cập đến tất cả các hoạt động, chẳng hạn như thăm dò và khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học về hải dương và hoạt động quân sự; cần tái khẳng định cam kết của các bên đối với các nguyên tắc và mục đích của Liên hợp quốc, Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS), năm nguyên tắc của Trung Quốc về cùng tồn tại hòa bình, và những điều này sẽ giao thoa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Bộ quy tắc đó cần tái khẳng định việc sử dụng biển vì mục đích hòa bình, giải quyết các tranh chấp mà không được đe dọa (sử dụng vũ lực) hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật lệ quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; khẳng định lại quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật quốc tế.

Các bên liên quan cũng cần tái cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc làm các tranh chấp leo thang, không được chiếm những hòn đảo hiện không có người ở; cần nhất trí đàm phán những dàn xếp tạm thời có mục đích thiết thực để cùng quản lý và chia sẻ các nguồn tài nguyên cũng như những hoạt động trong khu vực tranh chấp. Nhất thiết phải có một điều khoản cụ thể giải quyết vấn đề bắt giữ tàu thuyền và thuyền viên đánh cá của nước đòi chủ quyền. Như là một phần của COC, các bên cần phải nhất trí thương lượng về đường hướng tự nguyện chỉ đạo các hoạt động quân sự tại khu đặc quyền kinh tế của nước ngoài, nhất là việc thu thập thông tin tình báo. Việc giải quyết các tranh chấp cần phải được xem như là điều bắt buộc, có tham khảo các điều khoản liên quan nêu trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN 1976, Tòa án Công lý Quốc tế hoặc Tòa án về Luật biển. Nếu ASEAN và Trung Quốc có thể thống nhất được một bộ quy tắc như vậy sẽ rất tốt cho khu vực Biển Đông, cho khu vực ASEAN và các nước hữu quan. Đó có thể sẽ là một hình mẫu cho những tranh chấp tại các vùng biển khác, như biển Hoa Đông.

Theo Nationmultimedia (10/12)

Vũ Hiền (gt)