Ngày nay thực tế đã trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết, không giống như trong các khu vực khác của thế giới, khu vực châu Á-Thái Bình Dương không có cấu trúc tổng thể gắn kết các nước với nhau giống như Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) hoặc Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS). 

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang bị bao vây bởi 3 thách thức cơ bản mà cựu Ngoại trưởng Marty đã nhiều dịp đề cập đến. Đầu tiên là tình trạng "thâm hụt niềm tin", dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Thứ đến là các tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết diện tích Biển Đông dựa trên cái gọi là "Đường 9 Đoạn". Thách thức thứ ba là những tác động do môi trường địa chính trị năng động trong khu vực, phần lớn đến từ "Sự năng động G-2" giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là một trường hợp điển hình giữa một quyền lực đã được khẳng định và một cường quốc đang lên cùng tìm cách tạo ra một sự cân bằng mới. Bối cảnh này sẽ tạo ra nhiều kịch bản khác nhau trong khu vực và khả năng lớn nhất là Trung Quốc sẽ duy trì lập trường quyết đoán ở Biển Đông và biển Hoa Đông, trong khi Mỹ sẽ tiếp tục đưa chính sách "tái cân bằng" đến Đông Á với sự hỗ trợ của các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines. Điều này khiến cho khả năng xảy ra cuộc chiến tranh nóng luôn thường trực, mặc dù xác suất không cao.

Những động lực này có thể sẽ phát triển hơn trong năm 2015. Tăng trưởng kinh tế chậm lại đưa Trung Quốc vào thời kỳ bình thường mới, trong khi tăng trưởng kinh tế giúp Mỹ khôi phục ảnh hưởng. Giá dầu thế giới diễn biến bất thường đã tác động tích cực đối với ngành công nghiệp Mỹ, nhưng lại khiến các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ bị tổn thương sâu sắc như Iran và Nga. Giá dầu giảm mạnh cùng với các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây sẽ khiến Moskva trở nên ít mạo hiểm hơn ở Đông Âu - điều này cho phép Mỹ tập trung hơn vào Đông Nam Á. Như vậy "con bài tẩy" tất nhiên sẽ là Triều Tiên. Có thể một vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân chỉ để nhắc nhở thế giới rằng "Tôi vẫn ở đây". 

Ngoài ra, có những dự báo khác về tình hình khu vực với việc người Rohingya sẽ tiếp tục bị đàn áp không kể xiết ở Myanmar và chính phủ quân sự ở nước này sẽ không cho phép bà Aung San Suu Kyi tranh cử tổng thống. Tại Thái Lan, chính phủ sẽ tìm mọi biện pháp để khôi phục nền kinh tế và nếu thành công sẽ kêu gọi bầu cử nhưng nếu thất bại sẽ tiếp tục trì hoãn thêm vài lần nữa. Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo sẽ tiếp tục các cam kết về sự thay đổi so với các chính quyền trước. Những cơn gió ngược bên ngoài sẽ đem lại tích cực cho các nền kinh tế Australia, Singapore, Brunei và Hàn Quốc. Lào sẽ tăng trưởng hơn 7%, nhưng vẫn là nền kinh tế quy mô nhỏ. 

Chính sách kinh tế "Abenomics" ở Nhật Bản đã cho thấy đó không hoàn toàn là "liều thuốc mạnh". Trong khi Việt Nam sẽ chứng minh sự kiên cường hơn các nước khác trong mặt trận kinh tế, New Zealand sẽ làm tốt hơn so với Australia, cải cách tại Ấn Độ sẽ bắt đầu được khuấy động... thì Philippines sẽ được hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Mỹ. Như vậy, khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn sẽ là một khu vực năng động nhất trong một thế giới đang biến đổi không ngừng.

Bài viết của nhà phân tích chính trị Jamil Maidan Flores đăng trên tờ "Jakarta Globe" ngày 2/2/2015.

Duy Anh (gt)