Trong bài phát biểu, ông Ng Eng Heng đã nêu bật tầm quan trọng của một châu Á đang trỗi dậy trong bối cảnh quốc tế hiện nay, cũng như những thách thức mà khu vực này phải đối mặt. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất một số giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho những triển vọng của khu vực và giảm thiểu nguy cơ mà trong đó chiến lược tái cân bằng với Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ cũng như mối quan hệ “nước lớn” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đóng vai trò then chốt. Dưới đây là nội dung bài phát biểu: 

Tôi muốn cảm ơn Ngài Richard Armitage về lời giới thiệu tốt đẹp và Ngài Michael Green về việc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã chủ trì cuộc thảo luận này. Tôi rất hân hạnh có được cơ hội đến Washington một lần nữa để gặp gỡ những người bạn bè thân thiết và để có thể trao đổi quan điểm với những thính giả hiểu biết như vậy tại đây. 

Tôi xin được gửi đến các bạn lời chào nồng nhiệt từ Singapore. Tổng thống Barack Obama đã mô tả mối quan hệ giữa hai nước chúng ta là một “mối quan hệ đặc biệt khác thường”. Quả thực, Singapore và Mỹ là đối tác chiến lược và chia sẻ tầm nhìn về một thế giới trao cho mọi người dân dù thuộc bất kì tín ngưỡng, màu da hay giai tầng xã hội nào một cơ hội bình đẳng để thực hiện khát vọng của mình và thành công. 

Các hiệp định quốc phòng và an ninh đang hình thành một trong những cột trụ vững chắc của mối quan hệ đặc biệt khác thường này. Trước khi đến Washington, tôi đã có mặt tại Căn cứ Không quân Luke ở Arizona sau khi thị sát cuộc tập trận Forging Sabre của Lực lượng Vũ trang Singapore, cuộc diễn tập với sự tham gia của cả bốn phi đội Không quân của chúng tôi đang tập huấn tại Mỹ cũng như biên đội pháo thông minh HIMARS của Lục quân. Chúng tôi cũng kỉ niệm lần thứ 20 phi đội F-16 Peace Carvin II tham gia tập huấn tại Mỹ, một bằng chứng cho quan hệ gắn bó lâu dài giữa Mỹ và Singapore . 

Mối quan hệ gần gũi với Mỹ dựa trên tầm nhìn chiến lược chung về một khu vực châu Á-Thái Bình Dương ổn định mang lại tăng trưởng và thịnh vượng cho tất cả các quốc gia, cả lớn và nhỏ. Những lợi ích này đã được củng cố bởi bản ghi nhớ (MOU) năm 1990 giữa Mỹ và Singapore về việc tàu và máy bay Mỹ được quá cảnh tại các căn cứ không quân và hải quân của chúng tôi, ở thời điểm Mỹ đã mất quyền tiếp cận các căn cứ Philippines. Bản MOU 1990 này đã được nhà lập quốc chúng tôi, Thủ tướng Lý Quang Diệu và Phó Tổng thống Mỹ khi đó, Dan Quayle kí kết. Ngài Lý Quang Diệu đã giải thích lí do tại sao bản MOU đó được ký trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1991: “Sự hiện diện của Mỹ, theo quan điểm của tôi, có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục duy trì luật pháp quốc tế và trật tự ở Đông Á… Một châu Á, mà trong đó sự hợp tác và cạnh tranh sẽ thúc đẩy thịnh vượng cho tất cả một cách hòa bình và không viện đến vũ lực, đang trở thành nguyên tắc. Kiểu châu Á này, kiểu Thái Bình Dương này, không thể tồn tại nếu thiếu sự hiện diện an ninh và kinh tế lớn của Mỹ”. Năm 2005, Singapore đã tái khẳng định niềm tin đó bằng Hiệp định Khung Chiến lược (SFA), được kí kết giữa Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush và Thủ tướng Lý Tiểu Long. Tiếp nối SFA, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và tôi vui mừng lưu ý rằng Mỹ đã lần đầu tiên cử tàu chiến tuần duyên (LCS), USS Freedom, tới Singapore trong năm 2013, tham gia các hoạt động diễn tập song phương và đa phương cũng như củng cố sự can dự của Mỹ với khu vực. Chúng tôi trông đợi Mỹ sẽ tiếp tục triển khai tàu LCS vào năm 2014. 

Trong 50 năm qua, sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã và đang là một thế lực duy trì ổn định và tiến bộ. Sự lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực tài chính và thương mại toàn cầu, trong bảo vệ tài sản trí tuệ, trong khoa học và công nghệ cũng đang thúc đẩy sự tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi mà theo đó cho phép châu Á phát triển thịnh vượng. 

Những triển vọng để gặt hái 

Song, thậm chí ngay cả những nước có tầm nhìn xa trông rộng, trong đó có Mỹ, vốn dự báo rằng châu Á sẽ là một thành viên chủ chốt của cộng đồng quốc tế, đều kinh ngạc trước sự trỗi dậy và vị thế của châu Á ngày nay. Bối cảnh lịch sử đưa đến sự trỗi dậy này của châu Á cần phải được xem xét lại, bởi chúng ta không thể quên được nó đã khó khăn biết nhường nào. 

Sau sự tàn phá của Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Nhật Bản và Hàn Quốc cần phải được tái thiết. Sau cuộc chiến, Tướng Douglas MacArthur và nhóm của ông đã thảo một bản hiến pháp đưa Nhật Bản tránh đi theo con đường “gây hấn”, với việc Lực lượng Vũ trang Nhật Bản được thay thế bằng Lực lượng Phòng vệ. Tại Đông Nam Á, làn sóng độc lập dù kéo dài gần 40 năm, song rốt cuộc đã giải phóng mọi quốc gia khỏi ách đế quốc thực dân, khởi đầu với tuyên bố độc lập của Việt Nam và Indonesia năm 1945 và kết thúc với sự độc lập của Brunei năm 1984. Singapore cũng là một quốc gia tương đối non trẻ với 48 năm tuổi đời khi tuyên bố độc lập vào năm 1965. 

Trong giai đoạn 1950-1970, những quốc gia Đông Nam Á non trẻ và bán đảo Triều Tiên bị mắc kẹt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản. Như lời của cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã nói: “với các quốc gia non trẻ đó mà chúng ta hoan nghênh họ đứng vào hàng ngũ các nước tự do, chúng ta cam kết sẽ không để những nước vừa thoát khỏi ách thuộc địa nay lại thuần túy rơi vào tay một chế độ chuyên chế bàn tay sắt hơn”. Đó là một giai đoạn rất khó khăn và đau đớn với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Lào và Campuchia khi họ trở thành cái mà các học giả gọi là bãi chiến trường của các cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Dù hàng thập kỉ đã trôi qua, song dư âm lịch sử vẫn còn vang vọng tới ngày nay. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời vào tháng 10/2013, tôi đã tới viếng ông thay mặt Chính phủ Singapore trong khuôn viên im vắng và thiêng liêng của Đại Sứ quán Việt Nam tại Singapore. Song ở Việt Nam , hàng chục nghìn người dân đã đổ ra đường phố để tưởng nhớ sự ra đi của một vị anh hùng thời chiến. Chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những di sản của giai đoạn đó. Mới đây, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) đã thành lập một nhóm công tác chuyên gia về rà phá bom mìn tại các nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. 

Trải nghiệm bị thực dân đô hộ và bị mắc kẹt giữa các cường quốc đã thúc đẩy các nước Đông Nam Á đoàn kết và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình, giúp họ có thể tự vạch ra con đường đi riêng và tương lai của mình. Vì mục tiêu đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được thành lập vào năm 1967, với 5 quốc gia sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, đặc biệt nhằm mục đích “gắn kết (các nước Đông Nam Á) với nhau trong tình hữu nghị và hợp tác, và thông qua các nỗ lực và hi sinh chung, đảm bảo mọi người dân sẽ được hưởng hòa bình, tự do và bình đẳng”. Brunei đã trở thành thành viên thứ 6 vào năm 1984, chỉ một tuần sau khi tuyên bố độc lập. ASEAN giờ đây đã mở rộng với 10 quốc gia thành viên, với Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia lần lượt nhanh chóng gia nhập từ năm 1995 đến 1999. 

Ngày nay, sự tăng trưởng mà Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN đang trải nghiệm đã vượt quá sự trông đợi. Trên thế giới, hệ thống kinh tế thị trường tự do là xu thế khó thay đổi. Bức rèm Tre đã được dỡ bỏ vào năm 1982, và cải cách kinh tế bắt đầu được phát huy tốt nhất khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ xây dựng “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”. Đã phải mất 25 năm nữa để sự thay đổi không thể đảo ngược này được thể chế hóa khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp quốc gia của Trung Quốc, chính thức thông qua luật quyền tài sản mà cũng bảo vệ quyền sở hữu tài sản của cá nhân vào năm 2007. 

Việc quốc gia đông dân nhất thế giới tham gia kinh tế tư bản, được thúc đẩy bởi năng lực khoa học và công nghệ cũng như sức mạnh kinh doanh của Trung Quốc, đang làm thay đổi bản thân Trung Quốc và thế giới về bản chất. Giờ đây, đang có hơn 150 tỷ phú ở Trung Quốc, nhiều hơn bất kì quốc gia nào khác ngoài Mỹ. GDP của Trung Quốc cũng tăng từ mức xấp xỉ 300 tỷ USD năm 1980 lên 8.200 tỷ USD năm 2012. Sự tăng trưởng này là đúng đắn. Khoảng 680 triệu người đã thoát nghèo. Theo một số tính toán, đến năm 2030, sẽ có xấp xỉ 1,4 tỷ người tiêu dùng trung lưu ở Trung Quốc, gấp 4 lần so với

Mỹ và 3 lần so với Tây Âu

Thế giới cần Trung Quốc, cũng như Mỹ, làm động cơ tăng trưởng. Trung Quốc giờ đây chiếm khoảng 10,45% giao dịch hàng hóa toàn cầu, tương đương với Mỹ. Theo Ngân hàng Thế giới, thị phần của Trung Quốc sẽ tăng lên mức 15% trong thập kỉ tới. Tăng trưởng của Trung Quốc là bền vững bởi nó đang được thúc đẩy bởi “tinh thần động vật” (khái niệm mà nhà kinh tế học nổi tiếng John Maynard Keynes sử dụng để mô tả bản năng, khuynh hướng và cảm xúc tác động và định hướng hành vi của con người - TTXVN) nhằm tạo ra lực lượng đổi mới thông qua khoa học và công nghệ. 
ASEAN cũng đang tiến bộ nhanh chóng. Tổng dân số khu vực này là 616 triệu người với tổng GDP khoảng 2.300 tỷ USD vào năm 2012, lớn hơn GDP 1.800 tỷ USD của Ấn Độ. Dự kiến GDP của ASEAN sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. 

Nhìn chung, tôi cho rằng chúng ta có thể hoan nghênh sự trỗi dậy của châu Á. Đây là điều đã khiến cường quốc cùng nhau hợp tác, thậm chí chiến đấu và hi sinh, trong nửa cuối thập kỉ qua. Không có sản lượng kinh tế của châu Á hiện nay, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 còn nghiêm trọng hơn nhiều. Tương lai của chúng ta cũng phụ thuộc vào một châu Á mạnh mẽ. Theo Ngân hàng Thế giới, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ đóng góp 40% tăng trưởng toàn cầu và 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu trong năm nay, cao hơn bất kì khu vực nào khác trên thế giới. 
Những mối nguy cần tránh 

Song, thậm chí ngay khi chúng ta hoan ngênh sự phồn vinh của châu Á, vẫn còn đó những mối nguy cần tránh. Trong khi tiến bộ kinh tế của các nước châu Á là to lớn, các hệ thống chính trị và thể chế quốc gia ở mỗi nước vẫn đang tiến triển. Tính đối ngẫu này là cố hữu dù tốc độ cải cách chính trị và kinh tế trong mỗi quốc gia là khác nhau. 

Các nhà lãnh đạo ASEAN đang quyết tâm đạt được mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Tuy nhiên, giữa các nước thành viên ASEAN đang tồn tại khoảng cách xa về mặt ảnh hưởng phát triển kinh tế và văn hóa-xã hội. Chẳng hạn, GDP tính theo đầu người của các nước thành viên ASEAN có khoảng cách từ 890 USD ở Myanmar đến hơn 50.000 USD tại Singapore . Các hệ thống quản lý nhà nước hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi quá khứ thực dân khác nhau: Pháp ở Việt Nam, Lào và Campuchia; Anh ở Singapore và Malaysia; Hà Lan ở Indonesia, Tây Ban Nha và Mỹ ở Philippines. Ảnh hưởng tôn giáo ở mỗi quốc gia thành viên ASEAN cũng rất khác biệt. Chẳng hạn như đa số người dân ở Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan là Phật tử; trong khi cộng đồng Hồi giáo lại chiếm đa số ở Brunei, Indonesia và Malaysia, còn ở Philippines là cộng đồng Thiên chúa giáo. 

Bối cảnh chính trị-xã hội của ASEAN là một kính vạn hoa của các hệ thống ADN xã hội và quản lý nhà nước khác biệt. Những khác biệt này đã xác lập tốc độ và phương hướng cải cách chính trị, xã hội và kinh tế ở mỗi quốc gia. Nguy cơ bất ổn tồn tại trong những tiến trình này. Trong khi Myanmar đã bắt đầu quá trình mở cửa xã hội chưa từng thấy cùng lúc cả về chính trị và kinh tế, họ cũng phải đối mặt với những vụ đụng độ giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo. Indonesia cần phải đảm bảo rằng những cải cách kinh tế cấu trúc của mình bắt đầu tăng tốc. Thái Lan đang phải vật lộn với những bất ổn chính trị tiếp diễn, với nhiều chính phủ thay đổi trong một thập kỉ đối đầu vừa qua giữa người ủng hộ Áo Vàng và Áo Đỏ. Ngoài ASEAN, Trung Quốc cũng đang thực hiện tiến trình cải cách kinh tế và xã hội sâu sắc được đề ra trong Hội nghị Trung ương 3. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố bổn phận của ông là “trước tiên, tái thiết nền kinh tế Nhật Bản trở nên mạnh mẽ hơn, và sau đưa Nhật Bản trở thành một ‘lực lượng’ đáng tin cậy”, song nước này sẽ phải đối mặt với phản ứng từ các nước láng giềng với những thù địch trong quá khứ chưa được giải quyết.

Thách thức chính trị vốn bình thường với mọi quốc gia cũng sẽ làm gia tăng áp lực đối với các chính phủ đương nhiệm. Trên toàn thế giới, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và một thế hệ trẻ nhiều khao khát sẽ góp một tiếng nói chính trị lớn hơn và tạo ảnh hưởng, thông qua Internet, dù đó là phong trào “Chiếm Phố Wall” ở Mỹ hay các cuộc đình công đòi tăng lương tối thiểu ở Indonesia . Các quốc gia châu Á cũng đang chứng kiến xu hướng dân tộc chủ nghĩa lên cao trong người dân nước mình. Khi các nước phát triển, sẽ là tự nhiên và hợp lẽ khi các chính phủ và người dân cảm thấy tự hào và muốn khẳng định bản sắc dân tộc và chủ quyền lãnh thổ của mình. Đó là một quyền hợp pháp. Tuy nhiên, mạnh mẽ và khó thỏa hiệp, sự kiên quyết này có thể dẫn đến căng thẳng, thậm chí là xung đột.

Tại Biển Hoa Đông, tâm lí dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ đã và đang gia tăng ở cả Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Việc triển khai “ăn miếng trả miếng” tàu tuần tra và tàu hải quân của hai nước đã diễn ra. Các máy bay tiêm kích cũng gầm rú để phản ứng với các chuyến bay của đối phương, thậm chí còn có cáo buộc rằng một nước đã gắn radar ngắm bắn trên tàu chiến của mình. Những phản ứng mạnh mẽ cũng đã nổ ra liên quan đến Vùng Nhận dạng Phòng không mới đây của Trung Quốc. Dù đến nay vẫn chưa có sự cố xảy ra, song nguy cơ không phải chỉ là lí thuyết. Trong một sự cố xảy ra vào tháng 5/2013, một ngư dân Đài Loan đã bị lực lượng tuần duyên Philippines bắn chết ở Biển Đông. 

Tại bán đảo Triều Tiên, Triều Tiên đã lên giọng và có thời điểm đe dọa làm vô hiệu thỏa thuận đình chiến đã chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên và phát động tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ. Tất cả chúng ta đang theo dõi những sự kiện leo thang căng thẳng này trong quan ngại. Quả thực, chúng ta nên làm như thế bởi những thách thức an ninh và sự kiện bộc phát này có thể làm chệch hướng sự ổn định và phát triển của châu Á. 

Tạo thuận lợi cho triển vọng và giảm tránh các nguy cơ 

Trong khi thế giới có thể gặt hái những thành quả từ sự trỗi dậy kinh tế của châu Á, chúng ta cần phải lưu ý về các thách thức mà châu Á sẽ phải đối mặt bởi tác động đối với toàn cầu sẽ là sâu sắc. Nói chung, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để tiếp tục kiến tạo những điều kiện thuận lợi cho châu Á tiếp tục tăng trưởng tốt. Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm, thông qua đối thoại, hợp tác và niềm tin được chia sẻ. 

Khởi đầu, chúng ta cần phải củng cố quan hệ kinh tế bằng cách thúc đẩy luồng đầu tư và thương mại. Như Thủ tướng Lý Hiểu Long đã nói trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 4/2013, “ở châu Á, thương mại là chiến lược”, và ông hối thúc Mỹ “thúc đẩy mạnh mẽ hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương” để thúc đẩy tự do hóa thương mại dọc Thái Bình Dương. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và các đối tác hiệp định thương mại tư do, cũng là một sáng kiến khác nhằm mở rộng thương mại. Về lĩnh vực văn hóa-xã hội, chúng ta cần tăng cường giao lưu nhân dân với nhân dân và giao lưu thể chế để thúc đẩy sự hiểu biết và thắt chặt quan hệ từ cơ sở. 

Củng cố nền tảng đối thoại và hợp tác 

Chúng ta cần phải tăng cường các nỗ lực trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Chi tiêu quân sự tại châu Á đã và đang tăng lên đáng kể và sẽ tiếp tục tăng. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), chi tiêu quân sự công khai của châu Á trong năm 2012 là 287 tỷ USD, vượt qua mức 262 tỷ USD của châu Âu. Quá trình này bắt đầu tăng tốc sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, khi chi tiêu quốc phòng của châu Âu trong NATO đã giảm với tỷ lệ trung bình 4%/năm trong 4 năm qua, trong khi tốc độ tăng chi quốc phòng của châu Á là khoảng 9%/năm. Trong khi quân đội các nước châu Á đang hiện đại hóa, chúng ta cần phải đảm bảo đối thoại và hợp tác liên tục giữa tất cả các quốc gia để tránh hiểu nhầm và giảm căng thẳng. Cần phải có các cơ chế giải quyết căng thẳng hiệu quả và nhanh chóng để xử lí bất đồng thông qua biện pháp hòa bình. Ở đây, ADMM+ đang tự tạo cho mình tư cách là một diễn đàn giá trị phục vụ cho những mục đích đó. 

Chúng tôi đã tổ chức ADMM+ đầu tiên vào năm 2010, với sự tham dự của tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN và 8 nước “mở rộng” là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ. ADMM+ muốn trở thành một diễn đàn “hành động”, theo cách dùng từ của Bộ trưởng Hagel. Chẳng hạn như, các cuộc diễn tập hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) và quân y của ADMM+ đã được tổ chức vào tháng 6/2013. Đây là cuộc diễn tập lớn với sự tham gia của 3.000 quân nhân, 6 tàu, 15 máy bay lên thẳng của toàn bộ quân đội 18 nước, cũng như các nhóm quân y, kĩ thuật và tìm kiếm cứu nạn. Nó cho phép can dự xây dựng và hợp tác thực tế giữa quân đội 18 nước, kể cả Mỹ và Trung Quốc, giúp xây dựng lòng tin, quan hệ và sự tin tưởng lẫn nhau. Quân đội Nhật Bản và Trung Quốc cũng hợp tác trong cuộc diễn tập này. 

Khi cơn bão Haiyan đổ bộ vào Philippines , các nước đã phản ứng riêng lẻ. Quân đội các nước ADMM+ lẽ ra đã có thể hợp tác hiệu quả hơn và những thách thức đó cho thấy sự cần thiết của các nỗ lực chung và hợp tác hơn nữa. Không chỉ củng cố hợp tác trong lĩnh vực HADR, mà còn trong việc đối phó với những thách thức an ninh khu vực khác. Trong bước đi đầu tiên, chúng tôi hoan nghênh những biện pháp đề xuất của các nước thành viên ASEAN nhằm giảm thiểu nguy cơ hiểu nhầm hoặc sự cố trên Biển Đông, như đề xuất thiết lập đường dây nóng của Brunei nhằm duy trì liên lạc giữa chính phủ với chính phủ, cũng như đề xuất về một hiệp định không sử dụng vũ lực trước của Việt Nam. 

Duy trì vai trò của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương 

Mỹ, với tư cách là một thế lực cố hữu ở châu Á-Thái Bình Dương trong 50 năm qua, cần tiếp tục vai trò đó như là một lực lượng duy trì ổn định trong khu vực. Song, Mỹ cũng cần đóng vai trò này với nhận thức đầy đủ về những động lực đang thay đổi ở một châu Á đang trỗi dậy. Singapore hoan nghênh cam kết mạnh mẽ và kiên định của Mỹ trong khu vực, khi tham gia tích cực và đóng một vai trò quan trọng trong các diễn đàn của chúng tôi như ADMM+, Diễn đàn cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Đối thoại Shangri-La. 

Singapore cũng hoan nghênh việc thừa nhận tầm quan trọng của châu Á đang nhận được sự ủng hộ lưỡng đảng tại Mỹ. Bất kể dưới chính quyền của đảng Cộng hòa hay Dân chủ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chưa bao giờ vắng mặt tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La diễn ra thường niên tại Singapore kể từ năm 2004. Trên thực tế, Bộ trưởng Hagel đã góp phần sáng lập nên diễn đàn Đối thoại Shangri-La. Chúng tôi tin tưởng rằng cam kết của Mỹ với khu vực sẽ tiếp tục. 

Như Bộ trưởng Hagel đã nói vào tháng 8/2013, “rõ ràng khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng sẽ góp phần định hình sự phát triển của an ninh và thịnh vượng toàn cầu. Và bởi Mỹ thừa nhận rằng tương lai của mình sẽ trở nên gắn kết hơn với khu vực này, chúng ta cần tái cân bằng sức nặng can dự ngoại giao, kinh tế và an ninh toàn cầu của mình với châu Á-Thái Bình Dương”. 

Kết luận 

Thưa các quý ông và quý bà, hãy để tôi kết thúc bài phát biểu này với tuyên bố rằng sẽ cần đến ý chí chính trị và các nhà lãnh đạo của mọi quốc gia nếu như chúng ta muốn duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi vẫn còn đó nhiều quan ngại, chúng ta cũng đang chứng kiến những dấu hiệu tích cực. Quan hệ Mỹ-Trung có ý nghĩa quan trọng to lớn với sự ổn định khu vực và thế giới. Singapore mong muốn ban lãnh đạo mạnh mẽ và sáng suốt từ cả chính phủ Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp đạt được ổn định và tiến bộ cho châu Á và toàn thế giới. 

Tại cuộc gặp thượng đỉnh song phương giữa hai nhà lãnh đạo, ở Sunnylands, California, Tổng thống Obama đã tái khẳng định rằng “Mỹ hoan nghênh sự việc tiếp tục trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc như một cường quốc thế giới”, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh ông sẽ tiếp tục tin tưởng rằng “khu vực Thái Bình Dương rộng lớn đủ chỗ cho hai nước lớn Trung Quốc và Mỹ”. Lập trường công khai mà hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố chắc chắn sẽ xác định tinh thần thích hợp và là thí dụ để tất cả các nước định hướng thông qua, một cách hòa bình và thành công, những động lực đang thay đổi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương./. 

Mỹ Anh (gt)