Năm 2014, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua nhiều sóng gió do sự kiện Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại Vùng Ðặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Gần đây, lãnh đạo cấp cao hai nước đã có một loạt động thái nhằm ổn định tình hình và nỗ lực thúc đẩy việc khôi phục quan hệ song phương. Phóng viên TTXVN tại Hong Kong vừa có cuộc trao đổi với bà Quách Tuyết Đoan, Trưởng Ban Phóng viên khu vực châu Á của báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đồng thời là một chuyên gia về Biển Ðông của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), về triển vọng quan hệ Việt-Trung trong năm 2015 và một số vấn đề liên quan.

Khi được hỏi về triển vọng quan hệ Việt-Trung trong năm 2015, nhà báo Quách Tuyết Đoan cho rằng trong năm 2015 quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tương đối ổn định, không xấu đi hơn so với năm 2014, bởi năm 2014 được coi là quãng thời gian quan hệ hai nước rơi vào tình trạng xấu nhất trong nhiều năm qua do sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại EEZ và thềm lục địa Việt Nam. Theo bà Quách Tuyết Ðoan, nếu để cho quan hệ Việt-Trung trong năm 2015 xấu đi hơn nữa, thì sẽ không thể cứu vãn nổi mối quan hệ song phương. Do vậy, lãnh đạo hai nước sẽ có các biện pháp để kiềm chế gia tăng căng thẳng.

Bà cũng cho rằng quan hệ Việt-Trung trong năm 2015 sẽ phụ thuộc rất lớn vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - nhà lãnh đạo hiện nắm trong tay rất nhiều quyền lực. Theo chuyên gia này, quan hệ Việt-Trung năm 2015 cũng sẽ liên quan nhiều đến quan hệ Việt-Mỹ. Năm 2015, Việt Nam và Mỹ sẽ kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ. Do vậy, sau một loạt động thái cải thiện quan hệ Mỹ-Việt như Washington nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, viện trợ tàu tuần tra v.v…, rất có khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm Việt Nam trong dịp hai nước kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ. Tất cả những việc này đều nhằm phục vụ cho chiến lược trở lại châu Á của Mỹ cũng như việc cải thiện quan hệ Việt-Mỹ và tăng cường ảnh hưởng của Washington đối với các nước trong khu vực. Bà Quách Tuyết Đoan nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn Mỹ gây ảnh hưởng với Việt Nam. Rất có khả năng nếu như Tổng thống Obama thăm Việt Nam trong năm 2015, thì nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cũng sẽ sang thăm Việt Nam trong năm 2015, để cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở Việt Nam.

Cũng theo bà Quách Tuyết Đoan, trong năm nay nhiều khả năng Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ tổ chức duyệt binh nhân kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhân dịp này, Trung Quốc sẽ mời lãnh đạo các nước tham dự. Vì vậy, có khả năng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Trung Quốc trong dịp này, qua đó củng cố và phát triển quan hệ hai nước.

Khi được hỏi về vấn đề thời gian gần đây Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động cải tạo một loạt hòn đảo mà nước này chiếm giữ trái phép ở Biển Ðông, nhà báo Quách Tuyết Ðoan cho rằng Bắc Kinh đẩy mạnh cải tạo các đảo ở Biển Ðông trong năm 2014 một phần mục đích là để đặt các đơn vị quân sự và vũ khí nhằm phục vụ kế hoạch thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, và xa hơn là tiến tới khống chế toàn bộ vùng biển chiến lược trọng yếu này. Với tư cách là một người Trung Quốc, bà thấy đây là một chiến lược rất thông minh và có tầm nhìn xa của Bắc Kinh. Tuy nhiên, chuyên gia Quách Tuyết Đoan cho rằng chiến lược này không phải nhằm trực tiếp vào các quốc gia Đông Nam Á vì thực lực của các quốc gia Đông Nam Á không thể nào bằng được Trung Quốc. Mục đích chính của chiến lược này là nhằm vào Mỹ - quốc gia đang muốn mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và thiết lập các liên minh nhằm bao vây và kiềm chế Trung Quốc.

Nhà báo Quách Tuyết Đoan cũng nhận định rằng những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông cho thấy phe cứng rắn ở Trung Quốc, với người đứng đầu là nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, đang rất mạnh. Tuy nhiên, hiện chưa rõ cơ quan nào chủ trương thực hiện những chiến lược cứng rắn và quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Ðông. Theo bà, có lẽ là bên quân đội Trung Quốc đang chủ trương những chiến lược hiện nay của Bắc Kinh ở Biển Ðông.

Bà Quách Tuyết Đoan cũng nhất trí với ý kiến của phóng viên TTXVN cho rằng trong sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng biển Việt Nam, Bắc Kinh thực hiện hành động này có thể nhằm “một mũi tên trúng hai đích”. Cái đích thứ nhất là thăm dò phản ứng của Việt Nam để xem ngưỡng chịu đựng và nhân nhượng của Việt Nam với Trung Quốc đến đâu trong vấn đề tranh chấp Biển Ðông. Về mục đích này, Trung Quốc đã được chứng kiến sự phản ứng dữ dội của Việt Nam, từ các cơ quan chính quyền cho đến các lực lượng thực thi nhiệm vụ ngoài thực địa, các lực lượng truyền thông và sự đồng lòng nhất trí của người dân Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thấy được sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với hành động hạ đặt trái phép giàn khoan của họ.

Cái đích thứ hai của hành động đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam rất có thể là hướng dư luận Trung Quốc ra bên ngoài khi cuộc chiến chống tham nhũng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang bước vào giai đoạn cao trào và hết sức căng thẳng, với việc sờ gáy nhiều “hổ lớn” ở cấp Thường vụ Bộ Chính trị, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Theo bà Quách Tuyết Ðoan, hướng dư luận ra bên ngoài khi tình hình nội bộ căng thẳng cũng là cách làm thường thấy của Bắc Kinh. Do vậy, không loại trừ khả năng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng biển Việt Nam cũng nằm trong ý đồ này.

Về thông tin cho rằng Trung Quốc đang lập chuỗi phòng thủ hình bán nguyệt ở Thái Bình Dương, bao gồm một loạt hòn đảo mà nước này đang cải tạo ở Biển Ðông và cả một số hòn đảo ở biển Hoa Đông để đột phá “vòng vây” của Mỹ, nhà báo Quách Tuyết Đoan cho rằng đây không phải là phát hiện mới, bởi từ lâu Bắc Kinh đã có hàng loạt động thái thực hiện chiến lược phá vỡ thế bao vây của Mỹ ở các vùng biển thuộc khu vực Đông Á. Việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông và cải tạo các hòn đảo ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông đều nằm trong một chiến lược tổng thể là tăng cường phòng thủ và phá thế bao vây của Mỹ ở trên biển.

Tháng 9 tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Mỹ. Khi được hỏi về quan hệ Trung-Mỹ, bà Quách Tuyết Đoan nhận định rằng cho dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận lời đến thăm chính thức nước Mỹ, nhưng về cơ bản, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ là quan hệ cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Do vậy, quan hệ giữa hai cường quốc này sẽ vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc liên quan đến lợi ích quốc gia của mỗi bên và bề ngoài quan hệ hai nước có vẻ được cải thiện nhưng bên trong sẽ vẫn tiềm ẩn những xung đột lợi ích và căng thẳng khó có thể hóa giải trong một sớm một chiều, nếu không muốn nói là sẽ còn xảy ra những tranh cãi gay gắt trong nhiều vấn đề như tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc với các nước khu vực, cuộc chiến gián điệp mạng Trung-Mỹ./.

Lê Sơn (gt)