Đó là nhận định dựa trên cơ sở phân tích cách đưa tin của truyền thông chính thống Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh kéo dài hai ngày 14-15/2 của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry của Hiệp hội Chính sách Đối ngoại - một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại New York (Mỹ).

Ngay sau khi ông Kerry rời Bắc Kinh, "Nhân dân Nhật báo" - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã đưa ra nhận định rằng mặc dù mối quan hệ Mỹ-Trung "vấn đối mặt với nhiều thách thức đáng kể", nhưng chuyến thăm của ông Kerry "sẽ thúc đẩy sự phát triển của một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới". Đối với vấn đề hợp tác chống biến đổi khí hậu, các tuyên bố của chính phủ được trích dẫn trong bài báo này khá "tích cực". Còn những khác biệt trong quan điểm về các tranh chấp lãnh hải tại khu vực và tự do Internet tại Trung Quốc mặc dù cũng được đề cập nhưng rất hạn chế. 

Bản tin tiếng Anh của "Nhân dân Nhật báo" cũng đưa tin khá tích cực về sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên khi dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định rằng "Trung Quốc không bao giờ cho phép xảy ra hỗn loạn hay một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên". Đồng thời, báo này cũng đề cập (với giọng điệu tích cực) về sự hợp tác trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, nhấn mạnh rằng "hai bên cam kết sẽ dành nhiều nỗ lực và nguồn lực để có thể đạt được những kết quả vững chắc" trong Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung lần thứ 6 vào cuối năm nay. 

Trong khi đó, những bình luận của truyền thông Trung Quốc về vai trò của Mỹ trong các tranh chấp lãnh hải tại khu vực lại quá ít. Trong bản tin tiếng Anh, Tân hoa Xã đưa tin "Ngoại trưởng Trung Quốc thúc giục Mỹ tôn trọng các lợi ích chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông"; nhấn mạnh rằng "không ai có thể làm lung lay ý chí của Trung Quốc trong sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia". Trong bản tin tiếng Trung, "Nhân dân Nhật báo" tránh chỉ trích trực tiếp Mỹ nhưng lại chĩa mũi nhọn vào một số nước láng giềng châu Á, tuy không nêu tên cụ thể, (ý nói tới Nhật Bản, Philippines và Việt Nam) đã "chiếm giữ bất hợp pháp" lãnh thổ của Trung Quốc, "xuyên tạc sự thật ra quốc tế" và "cố tình tạo ra những căng thẳng tại khu vực". 

Truyền thông Trung Quốc phản ứng một cách lãnh đạm đối với những tuyên bố của ông Kerry về tự do Internet và về cuộc gặp của ông với các "blogger" Trung Quốc, những người luôn thúc giục Mỹ giúp "phá bỏ bức tường lửa Internet" tại Trung Quốc. Các tuyên bố giống nhau (cả bằng tiếng Anh và tiếng Trung) trên truyền thông Trung Quốc đã "chỉ trích" các nhà hoạt động Internet về việc kỳ vọng vào sự giúp đỡ của Mỹ, cho rằng "Washington không có thực lực để ảnh hưởng tới tiến trình chính trị của Trung Quốc, và cũng không có quyền lực để cản trở bất cứ một bộ ngành nào của Trung Quốc trừng phạt những người bất đồng chính kiến tham gia các hoạt động bất hợp pháp". 

Hiệp hội Chính sách Đối ngoại kết luận rằng, giọng điệu tích cực của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên và biến đổi khí hậu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong các vấn đề có chung lợi ích. Tuy nhiên, đối với các vấn đề tranh chấp lãnh hải tại khu vực và các vấn đề nhân quyền (chẳng hạn như tự do Internet), Bắc Kinh chắc chắn sẽ không chịu nhượng bộ. Bất chấp những nỗ lực của ông Kerry, căng thẳng gia tăng tại khu vực - liên quan tới tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng - chắc chắn sẽ tiếp diễn.

Hiệp hội Chính sách Đối ngoại (Mỹ)

Thùy Anh (gt)