Quan hệ Ấn-Trung có thể được thúc đẩy nhanh chóng trong năm 2015 khi cả New Delhi và Bắc Kinh cùng bắt đầu thực hiện "Chương trình nghị sự nhiều điểm", tái tạo nguồn năng lượng mới cho quan hệ song phương thông qua việc tăng cường thương mại và đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ đồng thời nỗ lực thúc đẩy giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới vốn tồn tại từ lâu. 

Vòng đàm phán biên giới Ấn-Trung lần thứ 18 diễn ra trong tháng này tại New Delhi sẽ là sự kiện mở đầu của năm 2015. Tại cuộc gặp lần này, lần đầu tiên Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval sẽ đảm nhiệm sứ mệnh Đặc phái viên trong các cuộc đàm phán biên giới với Trung Quốc. Ông Ajit Doval sẽ thay thế người tiền nhiệm Shivshankar Menon, người đã cùng với Ủy viên Quốc vụ, cựu Đặc phái viên Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đặt nền móng cho tiến trình đàm phán giải quyết tranh chấp biên giới Ấn-Trung. 

Dự kiến, ông Doval và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ mang đến một cơ hội chưa từng có cho việc giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước. Điều này xuất phát từ tình hình chính trị mới ở cả Ấn Độ và Trung Quốc. Đảng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chiếm đa số ghế trong Quốc hội và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nổi lên như một nhà lãnh đạo quyền lực: lãnh đạo Đảng, chính phủ và đứng đầu quân đội. Vì vậy, hai nhà lãnh đạo này có sự ủng hộ chính trị cần thiết cho bất kỳ thỏa thuận nào để giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới giữa hai nước. 

Ông Đới Bỉnh Quốc, người đã tham gia 15/17 vòng đàm phán cấp Đặc phái về vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ kể từ năm 2003, cũng bày tỏ sự lạc quan khi nói: "Tôi tin rằng vấn đề biên giới sớm muộn cũng sẽ được giải quyết khi các điều kiện chín muồi... nếu chúng ta giải quyết thích đáng vấn đề này, chúng ta có thể tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tạo ra môi trường thuận lợi cho quan hệ song phương". Các nhà phân tích chiến lược ở cả hai bên cũng chia sẻ quan điểm rằng hai nhà lãnh đạo sẽ nhận được sự ủng hộ đối với bất kỳ thỏa thuận nào hướng tới việc sớm giải quyết các tranh chấp. 

Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí về một tiến trình gồm 3 giai đoạn để giải quyết vấn đề biên giới khi các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu năm 2003 và lần đầu tiên nhất trí về các nguyên tắc "Hướng dẫn và Tham vấn chính trị năm 2005". Hiện hai bên đang cố gắng để hoàn tất khuôn khổ của một thỏa thuận về biên giới để tiến tới giai đoạn cuối cùng sẽ là vẽ lại đường biên giới. Trong khi Trung Quốc tuyên bố Arunachal Pradesh là một phần của miền Nam Tây Tạng thì Ấn Độ lại phản đối vì cho rằng đây là khu vực thuộc phía Tây Ấn Độ, bao gồm cả khu vực Aksai Chin vốn bị Trung Quốc chiếm đóng từ sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Do vậy, nhiệm vụ của ông Doval và ông Dương Khiết Trì là phải thúc đẩy các cuộc đối thoại để giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới. 

Ngoài các cuộc đàm phán biên giới đang diễn ra, các cuộc trao đổi song phương trong năm 2015 cũng mang lại khả năng tạo ra động lực mới cho quan hệ Ấn-Trung. Dự kiến, Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 4/2015. Chuyến thăm Trung Quốc của ông Modi được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho việc thực hiện một số thỏa thuận quan trọng đạt được trong chuyến thăm New Delhi hồi tháng 9/2014 của ông Tập Cận Bình. Một trong những lĩnh vực hợp tác hứa hẹn nhất là vận tải đường sắt. Một nhóm các quan chức cấp cao ngành đường sắt Ấn Độ đã tổ chức các cuộc thảo luận với các đối tác Trung Quốc tại Bắc Kinh vào đầu tháng 12/2014 về việc nghiên cứu tính khả thi của dự án xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối Chennai với Delhi.

Việc nghiên cứu chính thức có thể sẽ bắt đầu từ năm 2015. Ấn Độ và Trung Quốc cũng dự kiến sẽ bắt đầu xác định các yếu tố kỹ thuật đầu vào cần thiết để tăng tốc độ trên các tuyến đường sắt hiện có từ Chennai đến Mysore, bang Karnataka. Điều này sẽ tạo nền tảng cho việc nâng cấp hệ thống đường ray xe lửa trên khắp Ấn Độ. Chuyến thăm của ông Modi cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy Trung Quốc thực hiện lời cam kết đầu tư 20 tỷ USD của ông Tập Cận Bình để xây dựng hai khu công nghiệp Trung Quốc ở Gujarat và Maharashtra - một cột mốc quan trọng cho quan hệ kinh tế giữa hai nước. 
Sự tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán về biên giới, tình hình chính trị mới ở cả Ấn Độ và Trung Quốc cũng như việc tăng cường các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, nhất là chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ tạo ra những động lực mới cho quan hệ Ấn-Trung. 

Theo “Gateway House

Lê Sơn (gt)