Quan hệ an ninh Nhật Bản-Úc hiện nay mạnh hơn bao giờ hết. Hai quốc gia có một lịch sử hợp tác lâu dài như thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và xây dựng thể chế khu vực.

Mối quan hệ giữa hai nước ngày càng được thắt chặt, thể hiện trong quan hệ hợp tác quốc phòng song phương Nhật Bản-Úc và quan hệ hợp tác quốc phòng ba bên Mỹ-Nhật-Úc. Kể từ năm 2007, các cuộc tập trận quân sự song phương và ba bên đã được tiến hành khá thường xuyên, với những bài tập trận tác chiến và chiến thuật chống tàu ngầm. Việc trao đổi thông tin song phương và hợp tác trong công nghệ quốc phòng, vũ trụ và không gian mạng cũng được hai nước tăng cường. 

Mối liên kết an ninh chặt chẽ giữa Úc và Nhật Bản được củng cố khi các thủ tướng có quan điểm bảo thủ lên nắm quyền ở cả hai nước. Với tinh thần “đối tác chiến lược đặc biệt”, Thủ tướng Úc Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thúc đẩy hợp tác trong "dự án tàu ngầm tương lai" của Úc, tạo điều kiện cho các hoạt động và tập trận chung giữa lực lượng phòng vệ Nhật Bản và lực lượng quốc phòng Úc. Với mối quan hệ an ninh tốt đẹp như vậy, một số người cho rằng quan hệ đối tác an ninh Nhật Bản- Úc đã trở thành một mối quan hệ “gần như đồng minh” với một hiệp ước an ninh chung. 

Cộng đồng an ninh Nhật Bản đã hào hứng đón nhận sự hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với Úc. Tuy nhiên, một số chuyên gia, chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách ở Úc đã bày tỏ lo ngại về những rủi ro tiềm tàng và những tốn kém khi Úc theo đuổi quan hệ an ninh gần gũi hơn với Nhật Bản, trong đó có khả năng vướng vào một cuộc xung đột Trung-Nhật trong tương lai. Các nhà chỉ trích cho rằng sự liên kết chặt chẽ hơn với Nhật Bản không đem lại lợi ích cho Úc, nó không chỉ hủy hoại mối quan hệ với Trung Quốc, mà còn có thể “chia châu Á thành những khối vũ trang thù địch”. Cuối cùng, điều này có thể buộc Australia phải chọn lựa giữa Nhật Bản và Trung Quốc. 

Quan hệ đối tác an ninh Nhật Bản- Úc phát triển là nhằm xây dựng một trật tự quốc tế tự do vì lợi ích chung, chứ không phải là để bảo vệ lãnh thổ hay chủ quyền của họ vì lợi ích riêng (như vậy, thuật ngữ “gần như liên minh” là sai, nếu không muốn nói là hoàn toàn sai). Những đóng góp của Úc và Nhật Bản vào việc xây dựng một trật tự quốc tế tự do trong thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2 bao gồm: hỗ trợ giải phóng thuộc địa, tăng trưởng kinh tế và quản lý hiệu quả của các nước đang phát triển ở châu Á và xa hơn; xây dựng và củng cố các tổ chức, thể chế trong khu vực; tăng cường khuôn khổ pháp lý quốc tế cho việc không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân; đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như khủng bố, thiên tai và cướp biển; và thúc đẩy hình thành quy tắc trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và sở hữu trí tuệ. 

Với tư cách là những cường quốc bậc trung, Nhật Bản và Úc đã hỗ trợ phát triển kiến trúc an ninh khu vực toàn diện với sự phân chia Đông-Tây, và đặc biệt, tôn trọng vai trò trung tâm của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối với một trật tự an ninh toàn diện. Việc tạo ra diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), và đưa các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc vào một khuôn khổ như vậy, là một trong những đóng góp quan trọng nhất của Nhật Bản và Úc, lẽ ra có thể đã xây dựng một cộng đồng toàn diện bao gồm các cường quốc đối nghịch, các nền văn hóa, tôn giáo và hệ thống chính trị theo một khuôn khổ hợp tác chung. 

Cả hai quốc gia cũng đang phối hợp can dự quốc phòng với khu vực Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương thông qua các nỗ lực xây dựng năng lực. Và cả hai đều ủng hộ các cơ chế an ninh do ASEAN lãnh đạo như Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Những nỗ lực này góp phần tạo ra một trật tự khu vực ứng phó tốt hơn, có thể điều tiết thành công sự trỗi dậy của Trung Quốc và các cường quốc khác trong tương lai. 

Đối tác chiến lược đặc biệt Nhật Bản- Úc không phải, và không nên, được thiết kế để thúc đẩy sự xuất hiện của “các khối vũ trang thù địch” hay chỉ bảo vệ các lợi ích quốc gia của cả hai nước. Thay vào đó, mục đích cơ bản của nó là để duy trì và thúc đẩy một trật tự toàn diện, nơi các quốc gia - bao gồm cả Nhật Bản và Úc - có thể tận hưởng các mối quan hệ cùng có lợi mà không cần phải “lựa chọn” bất cứ bên nào. Khi bức tranh chiến lược tương lai của khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng rõ ràng, vai trò của Nhật Bản và Úc trong việc duy trì trật tự khu vực hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo East Asia Forum

Trần Quang (gt)