Mua sắm mới một hạm đội tàu ngầm là một nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với bất kỳ chính phủ nào. Yêu cầu về năng lực, thách thức công nghệ, thời hạn hoàn thành dự án và các chi phí liên quan khiến cho việc mua sắm tàu ngầm trở nên phức tạp. Tuy nhiên, tại Australia, việc mua sắm tàu ngầm mới đã trở nên phức tạp một cách bất thường. Dự án tàu ngầm tương lai của Australia để thay thế hạm đội tàu ngầm lớp Collins gây ra những tranh cãi liên quan tới vấn đề công nghệ, năng lực và ngân sách. Dự án tàu ngầm tương lai của Australia đã trở thành một phép thử quan trọng đối với cam kết của chính quyền Thủ tướng Tony Abbott tạo việc làm cho ngành chế tạo ở Nam Australia và dự án này cũng là biểu tượng rõ ràng nhất cho mối quan hệ an ninh sâu sắc giữa Australia và Nhật Bản.

Hai lựa chọn ưu tiên gồm: quyết định nhập khẩu công nghệ tàu ngầm của Nhật Bản hay mua toàn bộ bản thiết kế tàu ngầm của Nhật Bản cũng sẽ ảnh hưởng đến những chiếc tàu ngầm được thiết kế và đóng tại nhà máy đóng tàu ở Nam Australia. 

Nỗ lực của chính phủ Abbott theo đuổi thỏa thuận về tàu ngầm với Nhật Bản cần phải được hiểu trong bối cảnh nhìn nhận của Australia về trật tự an ninh châu Á. Thỏa thuận tàu ngầm với Nhật Bản là một thử thách lớn trong đó chính phủ Australia đánh giá tương lai của khu vực châu Á-Thái Bình Dương dựa trên bối cảnh ngày càng có nhiều thách thức do sự trỗi dậy của Trung Quốc tạo ra. Đàm phán về tàu ngầm là cách tốt để chính phủ của ông Abbott tăng cường quan hệ an ninh với Nhật Bản, tạo thành rào chắn ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng từ một Trung Quốc ngày càng mạnh. 

Đối với chính phủ Nhật Bản, thỏa thuận tàu ngầm với Australia có ý nghĩa hơn nhiều so với một giao dịch thương mại đơn thuần. Những nỗ lực bền bỉ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để bảo đảm có một thỏa thuận tàu ngầm với Australia - trong bối cảnh chính phủ Australia của Thủ tướng Tony Abbott mới đây tuyên bố nghi ngờ năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản - là minh chứng thêm cho quyết tâm của ông Abe thúc đẩy quan hệ an ninh Nhật Bản-Australia. 

Chính phủ của ông Abbott bắt đầu theo đuổi hợp tác đóng tàu ngầm với Nhật Bản ngay sau khi lên nắm quyền vào tháng 9/2013. Ngày 7/12/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston thông báo rằng chính phủ Australia đã yêu cầu Nhật Bản xem xét việc chia sẻ công nghệ lực đẩy tàu ngầm tiên tiến với Australia. Thông báo đó được đưa ra ngay sau khi có sự thay đổi về nhận thức trong ngôn từ của Australia về Nhật Bản. 

Những tháng đầu năm 2014, lập trường của chính phủ Abbott đối với chính phủ Nhật Bản và thỏa thuận tàu ngầm đã trở nên rõ ràng hơn. Tháng 2/2014, các quan chức Cục Thiết bị Quốc phòng Australia đã đến Nhật Bản để thúc đẩy đàm phán về tàu ngầm. Sau đó, một loạt chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Abbott, Bộ trưởng Quốc phòng Johnston và Ngoại trưởng Julie Bishop đến Tokyo hồi tháng 4/2014 và tháng 6/2014 đã mở đường cho một thỏa thuận song phương lớn hơn về việc chia sẻ các thiết bị quốc phòng và công nghệ quân sự. Tuy nhiên, cuối năm 2014, chính phủ của ông Abbott lại quyết định tạm ngừng lựa chọn tàu ngầm Nhật Bản.

Tận dụng thời cơ thỏa thuận tàu ngầm Australia-Nhật Bản gặp nhiều trở ngại, các nhà xuất khẩu Đức, Thụy Điển và Pháp tích cực vận động chính phủ cho phép chuyển giao các bản thiết kế tàu ngầm tối tân, hiện đại cho Australia. Tuy nhiên, lựa chọn tàu ngầm Nhật Bản dường như vẫn được chính phủ Australia đặt ưu tiên cao hơn. Khi đó, liệu các nhà xuất khẩu Nhật Bản đã sẵn sàng chia sẻ công nghệ tiên tiến với Australia hay chưa? Các hệ thống vũ khí chiến đấu của Mỹ có thể được đặt trên các tàu ngầm do Nhật Bản thiết kế hay không? Và ngành công nghiệp đóng tàu Nam Australia có vai trò gì trong việc thiết kế và đóng tàu ngầm? 

Tất cả điều này sẽ đặt ra hai thách thức đối với chính phủ của ông Abbott. Thứ nhất, tiến trình mua sắm tàu ngầm của Australia hiện nay là phức tạp một cách bất thường. Sự phức tạp này đã được minh chứng trong các cuộc điều trần mới đây tại Thượng viện Australia - nơi các thượng nghị sĩ đã nghiên cứu tỉ mỉ để đưa ra quyết định trong suốt 18 tháng qua. Họ đang tìm cách xác định những thỏa thuận nào, nếu có, đã được thực hiện với Nhật Bản; lý do tại sao một số nhà xuất khẩu tàu ngầm châu Âu bị loại khỏi “quá trình đánh giá cạnh tranh”; và liệu có thể đánh giá công bằng với tất cả các bên liên quan hay không?

Thứ hai, ngoài quyết định về tàu ngầm, một vấn đề lớn hơn là liệu quan hệ an ninh gần gũi hơn với Nhật Bản có phải là lựa chọn chiến lược, đúng đắn của Australia? Chính phủ của ông Abbott không phải là chính phủ Australia đầu tiên theo đuổi mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Nhật Bản. Nhưng sự khác biệt hiện nay là Australia sẽ phải đối mặt với một mối quan hệ nhiều tranh cãi giữa hai cường quốc châu Á, đó là Trung Quốc và Nhật Bản. 

Mặc dù Australia chia sẻ một số lợi ích chiến lược với Nhật Bản, nhưng điều đó không có nghĩa lợi ích của hai nước được gắn chặt với nhau như ông Abbott và ông Abe tin tưởng. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy người dân Australia không ủng hộ can thiệp quân sự vào một cuộc xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông, thậm chí ngay cả khi Mỹ đề nghị. 

Tóm lại, cả ông Abbott và ông Abe đều mong muốn đạt được một thỏa thuận về tàu ngầm, coi đây như một phần quan trọng trong quan hệ an ninh hai nước.

Theo East Asia Forum

Thùy Anh (gt)