fd907dd4fe7c2a302b703da7f214_grande.jpg

Giới chức cho biết Ấn Độ và Mỹ đang tiến gần tới việc hoàn tất thỏa thuận chia sẻ hậu cần sau 12 năm đàm phán, một bước tiến nhằm củng cố quan hệ quốc phòng song phương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Sau nhiều năm, Mỹ đã “soán ngôi” Nga và trở thành đối tác cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ, đồng thời đứng đầu bảng trong số các nước tiến hành các cuộc tập trận chung với quốc gia Nam Á này. Washington đang cùng New Delhi đàm phán kế hoạch hỗ trợ Ấn Độ đóng tàu sân bay lớn nhất trong khuôn khổ hợp tác quân sự quy mô nhất tính tới thời điểm hiện nay, một dự án có khả năng gia tăng đáng kể năng lực của Hải quân Ấn Độ trong bối cảnh Trung Quốc đang có tham vọng bành trướng tới Ấn Độ Dương. Sau nhiều năm bị ràng buộc và hạn chế bởi những lo ngại của các chính phủ tiền nhiệm về nguy cơ thỏa thuận chia sẻ hậu cần có thể ràng buộc Ấn Độ với cam kết ủng hộ Mỹ trong trường hợp nổ ra chiến tranh, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi gần đây đã tỏ rõ ý định thúc đẩy và hoàn tất Thỏa thuận Hỗ trợ Hậu cần (LSA). Nếu được ký kết, thỏa thuận này sẽ cho phép quân đội hai nước sử dụng các căn cứ bộ binh, hải quân và không quân của nhau để tiếp nhiên liệu, sửa chữa máy móc, thiết bị và tạm trú.

Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) - nói rằng bên cạnh việc đàm phán LSA, hai bên đang cân nhắc một thỏa thuận khác có tên là CISMOA nhằm phối hợp thông tin tìm kiếm cứu nạn trong trường hợp quân đội hai nước triển khai các chiến dịch chung, và một thỏa thuận thứ ba nhằm trao đổi thông tin phục vụ công tác đo đạc địa hình, hàng hải và hàng không. Phát biểu trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, Đô đốc Harris cho biết vẫn chưa rõ thời điểm hai bên có thể tiến tới ký kết LSA song ông cho rằng thỏa thuận này rất có thể sẽ được hoàn tất. Ông Harris dự kiến sẽ có chuyến thăm Ấn Độ trong tuần này. Các cuộc đàm phán về LSA diễn ra trong bối cảnh hai nước đang thảo luận về việc tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển, bao trùm cả vùng Biển Đông, nơi Trung Quốc đang vướng vào các tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Đài Loan…Cả Mỹ và Ấn Độ đều nói rằng hiện chưa có kế hoạch cụ thể cho các cuộc tuần tra, những động thái vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phía Bắc Kinh. Một quan chức Chính phủ Ấn Độ cho biết trở ngại lớn nhất đối với việc ký kết LSA đã được giải tỏa, sau khi Washington đảm bảo với New Delhi rằng Ấn Độ sẽ không có trách nhiệm phải hậu thuẫn Mỹ trong trường hợp Mỹ gây chiến tranh với một quốc gia bạn bè với Ấn Độ hoặc Mỹ có những hành động đơn phương mà Ấn Độ không ủng hộ. Một quan chức có liên quan tới các cuộc đàm phán nói: “Hai bên xác định sẽ cân nhắc cụ thể từng trường hợp một và không phải tự động mà hai bên có thể sử dụng căn cứ của nhau trong trường hợp nổ ra chiến tranh”.

Chính phủ trung tả tiền nhiệm của Ấn Độ lo ngại các thỏa thuận có thể tác động tiêu cực tới vấn đề chủ quyền chiến lược của nước này và thậm chí có thể đẩy Ấn Độ vào một liên minh quân sự không chính thức với Mỹ. Không chỉ vậy, nhiều đơn vị quân đội, trong đó có không quân, còn lo ngại thỏa thuận về thông tin có thể cho phép Mỹ dễ dàng thâm nhập mạng lưới thông tin của lực lượng này. Trong khi đó, giới chức Mỹ nói rằng họ hy vọng có thể sớm hoàn tất thỏa thuận về hậu cần để mở đường cho các thỏa thuận khác. Một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ, hiện đang làm việc tại Ấn Độ, nói rằng nhiều người hy vọng LSA có thể sẽ được ký trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng Tư tới của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Nguồn tin này nói rằng chính Văn phòng của Thủ tướng Modi trực tiếp phụ trách vấn đề đàm phán thỏa thuận này và coi các thỏa thuận đang được cân nhắc là chìa khóa nhằm thúc đẩy hợp tác song phương.

Ấn Độ hiện đang rất lo ngại trước tham vọng vươn rộng tầm ảnh hưởng tới tận Ấn Độ Dương của Trung Quốc, cũng như vai trò của quốc gia này đối với nhiều cơ sở hạ tầng hàng hải của các quốc gia mà họ vẫn coi là sân sau. Ấn Độ đã triển khai các kế hoạch củng cố lực lượng hải quân và quan hệ quốc phòng với Nhật Bản và Việt Nam. Saroj Bishoyi, một chuyên gia nghiên cứu quan hệ hợp tác Mỹ-Ấn tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng tại New Delhi, một cơ quan hoạt động với nguồn vốn chính phủ, nhận định: “Chính sách xoay trục sang châu Á của ông Obama và chính sách Hành động phía Đông của Thủ tướng Modi ngày càng có nhiều sự tương đồng… LSA hoàn toàn là một thỏa thuận có tính khả thi”.

Theo “India, U.S. closer to pact to share military logistics: officials” - Reuters (ngày 29/2)

Anh Thư (gt)