Những căng thẳng gia tăng giữa Tokyo và Bắc Kinh về chuỗi các hòn đảo nhỏ ở biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư có ý nghĩa sâu sắc đối với lợi ích của Mỹ và tương lai của châu Á. Cả Tokyo và Washington đều có thể làm nhiều hơn để giảm bớt căng thẳng, song vấn đề cơ bản là mô hình có tính vũ lực mà Trung Quốc sử dụng để gây sức ép với các nước láng giềng dọc theo biên giới trên biển của nước này. Bất kỳ kế hoạch nào của Mỹ nhằm giảm bớt căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc cần phải thuyết phục được Bắc Kinh rằng việc sử dụng vũ lực sẽ không còn hiệu quả. Trái lại, các biện pháp đối thoại và xây dựng lòng tin có thể giải quyết được vấn đề.

Các tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản và Trung Quốc đối với các đảo đang thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản được bắt nguồn từ các tài liệu lịch sử và sự hiểu biết mơ hồ. Nhật Bản cho rằng yêu sách chủ quyền có tính lịch sử của Trung Quốc đối với các đảo này cần được xem xét lại, trong đó nhấn mạnh rằng các quan chức Trung Quốc chưa bao giờ khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này trước thời điểm năm 1971. Các quan chức Trung Quốc nói rằng bằng việc mua lại một số các hòn đảo vào năm 2012 từ các chủ đất tư nhân người Nhật, Chính phủ Nhật Bản đã phá vỡ một thỏa thuận song phương ngầm từ thập niên 1970 nhằm gạt tranh chấp này sang một bên. Tuy nhiên, trong khi mỗi bên đều nói phía còn lại đã phá vỡ nguyên trạng, Trung Quốc đã gây áp lực cho đòi hỏi chủ quyền của mình bằng việc tăng cường tuần tra ở các vùng biển xung quanh các đảo, cấm xuất khẩu kim loại chiến lược tới Nhật Bản (vi phạm điều ước quốc tế), đồng thời mở rộng các hoạt động quân sự xung quanh, thậm chí ngay tại các quần đảo của Nhật Bản.

Các quốc gia biển từ Ấn Độ đến Philippines đang quan sát va chạm Trung-Nhật với lo ngại lớn. Bắc Kinh đã sử dụng các chiến thuật gây áp lực tương tự trong các tranh chấp với các nước này kể từ khi Quân ủy Trung ương Trung Quốc phê duyệt "Học thuyết vùng biển gần" 5 năm trước với mục tiêu khẳng định sự kiểm soát lớn hơn đối với Biển Đông và biển Hoa Đông.

Học thuyết này không chỉ giới hạn vùng nước mà cả khoảng không trên biển. Điều này được Bắc Kinh chứng minh vào tháng 11 năm ngoái khi tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) đối với một loạt các đảo nhỏ và vùng nước ở biển Hoa Đông đang nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản và Hàn Quốc. Vấn đề có tính rủi ro không phải chỉ là cuộc xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc đối với các đảo nhỏ này mà là câu hỏi căn bản hơn về việc liệu Trung Quốc có sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng để khẳng định lợi ích của mình mà không tôn trọng các chuẩn mực quốc tế cũng như sức mạnh của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã nhắc lại Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật năm 1960 có hiệu lực đối quần đảo Nhật Bản trong đó có các đảo ở biển Hoa Đông mặc dù Washington có quan điểm không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền đang diễn ra. Tất cả các bên đều có lợi trong việc tránh một cuộc xung đột bất ngờ tại biển Hoa Đông.

Điều tồi tệ nhất mà Washington có thể làm là đẩy Tokyo thỏa hiệp với Bắc Kinh trước áp lực của Trung Quốc. Chính quyền Obama đã làm điều đó với Manila 2 năm trước đây. Vào thời điểm đó, Trung Quốc cũng đã sử dụng chiến thuật tăng cường tuần tra trên biển và cấm vận buôn bán để buộc Manila phải thỏa hiệp trong tranh chấp về bãi cạn Scarborough ở vùng biển Philippines. Trước khả năng xảy ra một cuộc đụng độ do Manila kiên quyết bảo vệ quyền kiểm soát có tính truyền thống của mình tại vùng biển bất ngờ xảy ra tranh chấp này, Chính quyền Obama đã tỏ ra lo lắng và dẫn đến thực hiện môi giới một thỏa thuận theo đó cả hai bên rút lui các tàu thuyền về. Sau sự rút lui ngắn ngủi được thực hiện, các lực lượng hải quân Trung Quốc ngay lập tức quay trở lại nắm quyền kiểm soát và ngăn chặn không chỉ đối với lực lượng hải quân nhỏ bé của Philippines mà cả các ngư dân địa phương mà đời sống của gia đình họ đã gắn bó với bãi cạn này từ nhiều thế hệ. Sự việc này đã dẫn đến việc Manila đưa vấn đề này ra Tòa án Công lý Quốc tế và Tổng thống Obama dự kiến sẽ công bố một thỏa thuận hợp tác an ninh mới trong chuyến công du tới Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc không có ý định chấp nhận phán quyết của tòa án trọng tài và coi việc chiếm bãi cạn Scarborough là một chiến thắng của mình. 

Mỹ không được mắc phải sai lầm tương tự kể trên tại vùng biển Hoa Đông, nơi mà các rủi ro còn cao hơn. Cách tốt nhất để tránh một cuộc đối đầu quân sự bất ngờ là Trung Quốc chấp nhận đề nghị của Thủ tướng Shinzo Abe về một cuộc đối thoại cởi mở với Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như đề xuất của Chính phủ Nhật Bản về các cuộc đàm phán xây dựng lòng tin giữa quân đội hai nước, cải thiện các kênh thông tin liên lạc đối với các tàu thuyền và máy bay, đồng thời mở một đường dây nóng. Trung Quốc đã từ chối tất cả những đề nghị này. Thay vào đó, Bắc Kinh đã tham gia một chiến dịch tuyên truyền được thiết kế nhằm phỉ báng Thủ tướng Nhật Bản như là nhà lãnh đạo quân phiệt, người đã tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản thêm 0,8%, đồng thời cho rằng Thủ tướng Abe cần phải thay đổi cơ bản thái độ của mình trước khi có một cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo hai nước. Trong khi đó, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã phản đối đề xuất xây dựng lòng tin của Nhật Bản, coi những căng thẳng quân sự và sự bất định như là phương tiện để buộc Nhật Bản phải thỏa hiệp tại vùng biển tranh chấp.

Tổng thống Obama nên làm cho Trung Quốc chấp nhận những đề xuất này của Nhật Bản, coi đây là vấn đề trung tâm trong các cuộc thảo luận công khai và riêng tư xung quanh tình trạng bế tắc về tranh chấp khi ông công du châu Á. Tại Tokyo, ông Obama và ông Abe cũng nên nhắc lại ý định hoàn thành bản định hướng mới cho hợp tác quốc phòng song phương giữa hai nước vào cuối năm nay, và gửi đi một thông điệp mạnh mẽ cho các đối thủ tiềm tàng rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ sẵn sàng sát cánh trong bất kỳ cuộc khủng hoảng khu vực nào và bất kỳ nỗ lực nào nhằm cô lập Nhật Bản khỏi Mỹ. Đồng thời, ông Obama và ông Abe cần phải bàn về các biện pháp nhằm trấn an Trung Quốc và đưa ra các lối thoát cho cuộc khủng hoảng. 

Các lối thoát đó có thể là việc thúc đẩy nối lại các cuộc thảo luận trước đó giữa Trung Quốc và Nhật Bản về việc cùng khai thác các nguồn tài nguyên ở biển Hoa Đông, hay giảm nhẹ căng thẳng xung quanh các hòn đảo này để xem khả năng Trung Quốc có thể đồng ý với thỏa thuận dài hạn với sự minh bạch và liên lạc nhiều hơn giữa hai nước.

Điểm mấu chốt vẫn là Mỹ không được tham gia giải quyết tranh chấp về quần đảo này, điều không chỉ liên quan đến nguồn cá, dầu khí hay chủ nghĩa dân tộc mà còn cả cấu trúc quyền lực và trật tự tương lai ở Tây Thái Bình Dương. Mặc dù không gần với sự kiện Crimea mà Nga mới sáp nhập vừa qua, song Trung Quốc đang thử nghiệm độ bền bỉ của nguyên trạng do Mỹ hậu thuẫn và các đồng minh của Mỹ ở châu Á. Tư duy này của Bắc Kinh về khu vực sẽ không dễ dàng thay đổi. Tuy nhiên, nếu Mỹ can dự một cách tin cậy với các đồng minh và đối tác nhằm ngăn chặn bất kỳ việc sử dụng vũ lực nào thì sẽ còn không gian cho các biện pháp xây dựng lòng tin, điều sẽ giúp làm giảm căng thẳng và có thêm thời gian cho các giải pháp ngoại giao sau này. Đề xuất hữu ích của Nhật Bản đã nằm trên đàm phán bàn và xứng đáng nhận được sự ủng hộ của quốc tế.

Michael Green, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và là Phó giáo sư tại Đại học Georgetown, Mỹ. Bài viết được đăng trên New York Times.

Trần Quang (gt)