Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã kéo dài hơn một năm qua. Trong thời gian này, đàm phán thương mại giữa hai bên nhiều lần bị gián đoạn. Mặc dù cuộc chiến thương mại đã dần leo thang đến giới hạn, các cuộc đàm phán vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. Hiện nay hai bên đã xác định sẽ tiếp tục đàm phán vào đầu tháng 10/2019, nhưng vấn đề then chốt là liệu Mỹ có thành ý hoặc có thể tạo điều kiện tốt cho đàm phán?

Ngày 6/9/2019, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ hy vọng cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra vào tháng 9 và tháng 10/2019 có thể đạt được kết quả. Có thể thấy rằng vẫn còn một số điều khó đoán định trong cuộc đàm phán vào tháng 10/2019. Từ các động thái của Mỹ có thể thấy nếu không có thành ý, hai nước sẽ khó đạt được kết qua trong thời gian tới khiến cục diện bế tắc có thể sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian nữa.

Trong thời gian tới, ít có khả năng Trung Quốc và Mỹ sẽ tách rời về kinh tế và thương mại. Tuy nhiên, kết quả có thể sẽ nằm ngoài dự đoán.

Mục tiêu hay mục đích của việc Mỹ phát động cuộc chiến thương mại là gì?

Đối với Mỹ, liệu có giành thắng lợi trong cuộc chiến thương mại hay không phụ thuộc vào mục tiêu hay mục đích của việc họ phát động cuộc chiến thương mại.

Nếu nói mục tiêu tối thiểu của Mỹ là làm giảm tối đa nhập siêu thương mại hoặc tái cân bằng thương mại, thì mục tiêu này dường như dễ dàng có thể đạt được.

Tuy nhiên, làm cho Trung Quốc phải nhập khẩu nhiều hơn nông sản của Mỹ dường như mới là mục tiêu đầu tiên của Donald Trump. Về vấn đề này, tuy Trung Quốc sẽ không chấp nhận con số cụ thể, nhưng nhập khẩu nhiều hơn là điều mà Trung Quốc có thể chấp nhận. Không chỉ có nông sản, Trung Quốc có thể nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng khác. Đây vừa là nhu cầu của cải cách theo hướng trọng cung của Trung Quốc, vừa là nhu cầu điều chỉnh và chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng xuất khẩu. Đồng thời, các mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Trung Quốc đã chuyển hóa thành mâu thuẫn giữa nhu cầu về cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân với sự phát triển không đồng đều. Động thái trên có thể hóa giải ở mức độ nào đó mâu thuẫn này.

Theo quan điểm này, nếu cuộc chiến thương mại có thể làm giảm nhanh chóng trình trạng mất cân bằng thương mại Trung-Mỹ, tiến hành tái cân bằng thương mại, đây rõ ràng là thắng lợi của Mỹ. Điều đó cũng có nghĩa là liệu Mỹ có giành thắng lợi hay không được quyết định ở mục tiêu của nước này.

Tuy nhiên, mục tiêu của Mỹ có lẽ không nằm ở những vấn đề này, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Làm giảm nhập siêu thương mại hoặc tái cân bằng thương mại chỉ là cái cớ của cuộc chiến thương mại mà thôi. Điều này cũng có nghĩa là Mỹ sẽ không hài lòng với việc giành được chút thắng lợi nhỏ như vậy. Điều quan trọng nhất khiến cho đàm phán thương mại Trung-Mỹ diễn ra không thuận lợi là do Mỹ không những yêu cầu Trung Quốc phải tiến hành cải cách mang tính kết cấu, mà còn yêu cầu phải giảm tiến độ nâng cấp ngành nghề. Mục tiêu của Mỹ vẫn là tìm cách kìm hãm sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, sau đó mới “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Tuy nhiên, kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc không phải là mục tiêu có thể thực hiện trong ngắn hạn, mà là mục tiêu dài hạn của Mỹ, đây cũng không phải là mục tiêu mà Donald Trump quan tâm nhất.

Đối với Donald Trump, thế nào mới được coi là thắng lợi trong cuộc chiến thương mại?

Đối với Donald Trump, thắng lợi của cuộc chiến thương mại không thể thiếu một trong hai điều sau:

Một là, phải làm cho đà phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc bị giảm sút rõ rệt, phải kìm hãm Trung Quốc vượt qua Mỹ.

Hai là, số liệu kinh tế Mỹ phải tốt lên trong cuộc chiến thương mại. Nếu chỉ cản trở đà phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và kinh tế Mỹ cũng bị tác động, điều này có nghĩa là hai bên cùng thiệt hại, Donald Trump sẽ không thể chấp nhận.

Tuy nhiên, từ khi Mỹ phát động cuộc chiến thương mại đến nay, kinh tế Trung Quốc vẫn phát triển tương đối tốt và ngày càng khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 6,2%, thậm chí còn vượt trên sự mong đợi. Trong 8 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch ngoại thương tăng 3,6%, tương đương với các nước có mức tăng nhanh trên thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài được sử dụng thực tế tăng 7,2%. Trong tình hình kinh tế thế giới không khởi sắc và cuộc chiến thương mại, có thể nói những số liệu này rất dễ gây chú ý. Do đó, không có gì lạ khi các nước trên thế giới đều đánh giá cao nền kinh tế Trung Quốc.

Điều quan trọng là cuộc chiến thương mại đã khiến Trung Quốc phát huy được sức mạnh, và trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy Trung Quốc nhanh chóng đi sâu cải cách mở cửa. Trung Quốc tiến hành cải cách vừa là để đối phó với cuộc chiến thương mại và tình hình kinh tế thế giới, vừa là nhu cầu để kinh tế Trung Quốc thay đổi từ lượng sang chất. Ở mức độ nào đó, cuộc chiến thương mại ngược lại cũng đã trở thành nhu cầu để Trung Quốc phát triển và tiến bộ. Đây có thể là vấn đề khiến Mỹ đau đầu nhất.

Vậy còn Mỹ thì sao? Từ những biểu hiện mạnh mẽ ban đầu đến kinh tế có dấu hiệu suy yếu hiện nay đã làm cho Donald Trump mất đi động lực và khả năng thực hiện cuộc chiến thương mại. Cho dù cuộc chiến thương mại vẫn chưa làm tổn hại rõ rệt đến nền kinh tế Mỹ, nhưng cũng đủ để trở thành một lý do chính khiến kinh tế Mỹ không thể khởi sắc.

Donald Trump ban đầu muốn dựa vào việc giảm thuế trong nước và tăng thuế xuất khẩu để thu hút trở lại đồng USD, nhằm chấn hưng ngành sản xuất chế tạo của Mỹ và tạo ra nhiều việc làm hơn. Tuy ý tưởng là tốt, nhưng kết quả lại không như mong muốn. Chi phí nhập khẩu hàng hóa của Mỹ liên tục tăng, trong khi xuất khẩu lại giảm, doanh nghiệp và nguồn vốn của Mỹ không những không trở về nước mà còn chạy ra nước ngoài. Nếu vẫn tiếp tục duy trì chính sách thuế hiện nay, và thực hiện cuộc chiến thương mại, nền kinh tế Mỹ sẽ còn tồi tệ hơn, nguồn vốn và công ty Mỹ sẽ chạy ra nước ngoài nhiều hơn.

Kết quả hoặc xu hướng của cuộc chiến thương mại kéo dài là nền kinh tế Trung Quốc chưa bị kìm hãm rõ rệt, mà còn đang hình thành tư thế sẵn sàng phản công. Ngành sản xuất của Mỹ không những không thể hồi sinh, mà còn mất đi ưu thế dẫn đầu vốn có, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao đang bị tác động. Trong tình hình này, liệu Donald Trump còn có can đảm để tiếp tục thực hiện cuộc chiến thương mại hay không?

Ba là, Mỹ đang dùng điểm yếu của mình để tấn công điểm mạnh của Trung Quốc

Donald Trump tin rằng ông có thể gây sức ép với Trung Quốc, và không tin tưởng, không muốn chấp nhận hợp tác cùng thắng. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại càng gay gắt, thời gian càng lâu, thì sự hiểu biết và cảm nhận của ông về việc cả hai bên cùng bị thiệt hại sẽ càng rõ rệt hơn và sẽ khiến ông trở nên lý trí hơn.

Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù sức mạnh tổng thể của Mỹ chiếm ưu thế, nhưng nền kinh tế Trung Quốc cũng có những đặc điểm và thế mạnh riêng. Mỹ có ưu thế về công nghệ cao, Trung Quốc có nền tảng của ngành sản xuất hùng hậu. Nhìn bề ngoài, do ngành sản xuất chế tạo là cơ sở cho việc chấn hưng nền kinh tế Trung Quốc, nên tấn công vào ngành này cũng là tấn công vào cơ sở của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, sách lược tốt nhất là phải lấy điểm mạnh của mình tấn công điểm yếu của đối thủ. Mỹ sử dụng thuế quan như một phương tiện của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, tấn công vào điểm mạnh của Trung Quốc trước - nền tảng của ngành sản xuất chế tạo, và biện pháp đáp trả thuế quan của Trung Quốc tất nhiên cũng là tấn công vào điểm yếu của Mỹ - ngành sản xuất chế tạo. Điều này cũng có nghĩa là trên thực tế, hiện nay Mỹ đang dùng điểm yếu của mình để tấn công điểm mạnh của Trung Quốc.

Điều quan trọng là danh hiệu đứng đầu thế giới của “Made in China” có thể trở thành cơ sở cho sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc, song cũng có thể trở thành vật cản kìm hãm kinh tế Trung Quốc trỗi dậy. Do là nhà sản xuất số một thế giới, Trung Quốc đã có chút tự mãn, ít nhất là động lực tiếp tục phát triển đã giảm xuống. Do đó, trước cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đã bắt đầu một vòng cải cách mới. Tuy nhiên, nếu không phải đối diện với cuộc chiến thương mại, có lẽ Trung Quốc sẽ không có cảm giác cấp bách phải thúc đẩy cải cách đi vào chiều sâu giống như vậy. Nếu không có cuộc chiến thương mại, cho dù Chính phủ Trung Quốc có ban hành chính sách cải cách mới, quá trình thực thi và thúc đẩy cũng sẽ không nhanh như hiện nay.

Nếu kinh tế Trung Quốc muốn đạt được sự phát triển nhảy vọt thì phải trải qua một quá trình thay đổi từ lượng sang chất. Cho dù là nâng cấp ngành nghề hay điều chỉnh, chuyển đổi mô hình và nâng cấp kết cấu, đặc biệt là chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xuất khẩu, đều đòi hỏi sự hy sinh và chắc chắn cũng là một quá trình đau đớn. Đối diện với cuộc tấn công thuế quan của Mỹ, nếu các doanh nghiệp và địa phương của Trung Quốc không tiến hành thậm chí không đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mô hình và nâng cấp thì sẽ phải đối mặt với sự diệt vong. Đây là lý do vì sao mọi người thường nói cuộc chiến thương mại là động lực mới để Trung Quốc tiếp tục cải cách mở cửa.

Sau khi Donald Trump hiểu rõ vấn đề này, liệu ông còn muốn tiếp tục thực hiện cuộc chiến thương mại?

Bốn là, cuộc chiến thương mại là quá trình tìm kiếm hoặc so sánh điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ.

Cuộc chiến thương mại là quá trình đọ sức thắng thua, cũng là quá trình tìm kiếm hoặc so sánh điểm mạnh điểm yếu của đối thủ. Các lĩnh vực có thể dễ dàng đối phó hoặc giải quyết khủng hoảng từ cuộc chiến thương mại hoặc cuộc chiến thuế quan là các lĩnh vực có thế mạnh. Các ngành nghề và doanh nghiệp không có khả năng tồn tại trong khủng hoảng, thì không cần phải tồn tại. Dựa vào sự bảo hộ về thuế quan và chính sách mới có thể sinh tồn và phát triển không phải là sách lược lâu dài. Đây chính là quy luật cạnh tranh tự nhiên trong lĩnh vực kinh tế. Điều này phù hợp với cả Trung Quốc và Mỹ.

Vì vậy, cuộc chiến thương mại không chỉ là quá trình đọ sức mạnh yếu thắng thua, mà còn là quá trình phát hiện điểm mạnh và điểm yếu, ưu điểm và nhược điểm của mình và của đối phương. Nếu cuối cùng Trung Quốc và Mỹ có thể tách rời giữa kinh tế và thương mại thì đó lại là một vấn đề khác. Nếu không thể tách rời thì sẽ có thời điểm hai bên phải ngồi lại để đạt được đồng thuận và ký thỏa thuận. Và một khi cuộc chiến thương mại kết thúc, có lẽ Trung Quốc và Mỹ sẽ cùng chào đón thời kỳ hợp tác mới.

Do cuộc chiến thương mại đã làm nổi bật những ưu điểm và khuyết điểm của nhau, nên bên cạnh sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, lĩnh vực hợp tác có thể sẽ mở rộng và rõ rệt hơn.Ví dụ như ứng dụng mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G). Tuy Trung Quốc có ưu thế dẫn đầu nhất định, nhưng Mỹ vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trên các phương diện như công nghệ chủ chốt, đặc biệt là vi mạch bán dẫn… Ít nhất là điểm mạnh và điểm yếu của hai bên là rất rõ ràng. Và bất kỳ bên nào cũng khó có thể phát triển một cách nhanh chóng và độc lập. Vì vậy, chỉ có hình thành sự bổ sung về ưu thế thì Trung Quốc và Mỹ mới có thể cùng chiếm lĩnh mảng công nghệ 5G. Một khi Trung Quốc và Mỹ hợp tác với nhau thì Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu sẽ bị mất đi ưu thế. Đây chính là sự hợp tác cùng thắng.

Trái lại, nếu Trung Quốc hay Mỹ hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu thì sẽ khó hình thành sự bổ sung về ưu thế đi đầu tuyệt đối, điều này sẽ khiến cả hai bên đều bị tổn thất. Và đây là điều mà Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu muốn nhìn thấy.

Mỹ sẽ không thắng và Trung Quốc cũng sẽ không thua

Tóm lại, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ càng khốc liệt và càng kéo dài, không những sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên, mà còn làm cho các lĩnh vực hợp tác cùng thắng giữa hai bên được hoàn toàn bộc lộ. Vấn đề tiếp theo mà Trung Quốc và Mỹ sẽ phải đối diện là lựa chọn đối đầu hay hợp tác.

Lý do chính khiến cho sách lược đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lâu nay của các nước không hiệu quả có lẽ là hệ thống và quy tắc kinh tế thế giới đã không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của thế giới. Trung Quốc cần phải điều chỉnh, chuyển đổi mô hình và nâng cấp kết cấu kinh tế và kết cấu kinh tế của Mỹ cũng có nhiều điểm không hợp lý. Điều này có nghĩa là các nước trên thế giới, bao gồm Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đều phải tiến hành một cuộc cải cách nghiêm túc về chất lượng.

Về phương diện này, Trung Quốc đã đi đầu thế giới tiến hành cải cách. Cuộc chiến thương mại là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy Trung Quốc tiến hành cải cách và cũng có thể là một động lực quan trọng khiến Mỹ tiến hành cải cách kinh tế? Hiện nay, điều Mỹ cần làm là phát triển, thay vì dựa vào cuộc chiến thương mại để cướp đoạt của cải của thế giới. Trên thực tế, toàn bộ thế giới phương Tây đều đang tồn tại một vấn đề: Tính ưu việt của hệ thống tư bản chủ nghĩa đã không còn thích hợp với thời đại mới, cần học tập Trung Quốc để liên tục phát triển và đổi mới lý luận tư tưởng.

Tuy khó có thể dự đoán cuộc chiến thương mại sẽ kéo dài bao lâu, nhưng nhiều khả năng Trung Quốc và Mỹ sẽ không tách rời giữa kinh tế và thương mại. Một khi cuộc chiến thương mại kết thúc, Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ lập tức khởi động mô hình hợp tác mới. Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất, Trung Quốc là quốc gia có tiềm năng phát triển mạnh nhất trên thế giới. Trung Quốc là quốc gia có nền văn minh lịch sử lâu đời nhất, Mỹ là đại diện của nền văn minh hiện đại, những điều này đã quyết định khả năng Trung Quốc và Mỹ bùng nổ xung đột cũng lớn nhất, tổn thất gây ra cũng lớn nhất. Đồng thời, cũng quyết định sự bổ sung về ưu thế và xu thế hợp tác cùng thắng cũng mạnh mẽ nhất. Có thể tin rằng cuối cùng Mỹ sẽ có một lựa chọn lý trí.

Hiện nay, điều có thể dự đoán là Mỹ sẽ không thắng và Trung Quốc cũng sẽ không thua trong cuộc chiến thương mại. Donald Trump có cầm quyền thêm 4 năm nữa cũng như vậy. Donald Trump nói rằng một khi ông tái đắc cử, hai bên sẽ khó đạt được thỏa thuận hơn. Tuy nhiên, thực tế có thể là điều ngược lại. Chính sách cứng rắn của Donald Trump hiện nay không hoàn toàn là vì lợi ích quốc gia của Mỹ, mà là để tái đắc cử. Một khi tái đắc cử, Donald Trump sẽ lựa chọn hợp tác với Trung Quốc, mặc dù không muốn hợp tác cùng thắng, cũng sẽ không lựa chọn tiếp tục đẩy Mỹ xuống vực thẳm của thảm họa.

Vòng hợp tác Trung-Mỹ mới sẽ không phải là mô hình trước kia - Trung Quốc sản xuất, Mỹ tiêu thụ, sau khi Trung Quốc kiếm được tiền lại cho Mỹ vay để chi tiêu, mà sẽ là cạnh tranh gay gắt trên một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, và trong chuỗi ngành nghề, sẽ hợp tác phân công, cùng xây dựng chuỗi ngành nghề do hai nước cùng giữ vai trò chủ đạo. Do có sự bổ sung ưu thế mạnh mẽ về kinh tế và khoa học kỹ thuật, nên một khi dừng cuộc chiến thương mại và bắt đầu hợp tác, nền kinh tế của Trung Quốc và Mỹ sẽ có sự nhảy vọt, đây là cục diện hai bên cùng thắng. Vì vậy, khả năng Mỹ ký thỏa thuận với Trung Quốc trước cuộc bầu cử tổng thống là rất lớn, và khả năng Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng cường hợp tác sau khi ký thỏa thuận cũng là rất lớn. Từ quyết phân thắng thua đến hai bên cùng thắng chính là một kết thúc bất ngờ.

 

Bài viết được đăng trên XINGHUO THINK TANK.

 

Nam Thái (gt)