Bài xã luận “Cần có nhiều hơn nữa các trao đổi quân sự”.

Trong những năm qua, điều đáng chú ý là bất cứ khi nào có mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ - Trung thì quan hệ quân sự song phương sẽ luôn bị ảnh hưởng đầu tiên và thậm chí khi quan hệ song phương đã ấm lên thì trao đổi quân sự cuối cùng mới tan băng. Với hàng loạt các chuyến thăm và đối thoại quân sự trong nửa đầu năm 2011, gồm chuyến thăm Trung Quốc của cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates vào tháng 1, Đối thoại an ninh chiến lược Mỹ - Trung tháng 5, chuyến thăm Mỹ của Tổng tham mưu trưởng PLA Trần Bỉnh Đức và tham vấn Mỹ - Trung lần đầu tiên về các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 6, quan hệ quân sự Mỹ - Trung đang lấy lại đà phát triển tốt đẹp.

Nếu chuyến thăm Trung Quốc của ông Robert Gates được coi là phá tan băng sau một năm ngừng trệ quan hệ quân sự Mỹ - Trung do Mỹ đồng ý bán vũ khí cho Đài Loan thì chuyến thăm của Đô đốc Hải quân – Chủ tịch Hội đồng liên quân Mỹ, Mike Mullen sẽ góp phần bình thường hóa hơn nữa trao đổi quân sự song phương.

Động lực tốt hiện nay đối với quan hệ quân sự Mỹ - Trung là kết quả của việc thực hiện đồng thuận chung giữa Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và người đồng nhiệm Barack Obama trong việc cùng xây dựng quan hệ đối tác Mỹ - Trung trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và hợp tác hai bên cùng thắng.

Trung Quốc luôn có thái độ chân thành và tích cực nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự song phương và luôn tuyên bố nhất quán, rõ ràng rằng: Trung Quốc theo đuổi con đường phát triển hòa bình, hài hòa và sự phát triển của Trung Quốc mang lại hòa bình, hợp tác với bên ngoài. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không nhân nhượng về những vấn đề liên quan đến chủ quyền và an ninh quốc gia cũng như những lợi ích cốt lõi.

Nhân chuyến thăm này, bên cạnh việc thể hiện sự minh bạch và công khai về quân sự, Trung Quốc sẽ bày tỏ: (i) phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan; (ii) quan ngại về hiện diện quân sự của Mỹ tại Châu Á, đặc biệt việc Mỹ thường xuyên tập trận chung với hải quân các nước khác tại biển Hoàng Hải và biển Biển Đông và hoạt động của quân đội Mỹ trong không phận và vùng nước thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Việc tăng cường trao đổi quân sự và đối thoại cấp cao sẽ giúp tăng cường hơn nữa hiểu biết lẫn nhau và xây dựng niềm tin lẫn nhau, đây là điều tối quan trọng để tránh được hiểu lầm và xung đột vì lợi ích của cả hai nước trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 

Trung Quốc chỉ trích Mỹ tập trận tại Biển Biển Đông

Ngày 11/7, quan chức quân sự hàng đầu của Trung Quốc đã chỉ trích việc Mỹ tiến hành tập trận chung tại Biển Biển Đông trong thời gian gần đây và cho rằng thời điểm này là không phù hợp.

Ông Mullen đã cho biết Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện tại Biển Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ, Nhật và Ốt-xtrây-lia đã tổ chức tập trận quân sự chung tại các vùng nước gần Biển Biển Đông ngày 9/7. Trước đó, Mỹ đã tiến hành tập trận chung với Phi-líp-pin trong 11 ngày cũng gần biển Biển Đông, trong khi Mỹ và Việt Nam dự kiến tiến hành tập trận hải quân trên biển vào cuối tháng 7 này. Một số nước châu Á

– Thái Bình Dương gồm Việt Nam và Phi-líp-pin đã có tranh chấp chủ quyền tại Biển Biển Đông, khu vực về lịch sử thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Những tranh chấp lãnh thổ đã bùng phát trong vài tháng gần đây và Trung Quốc đang kêu gọi giải quyết tranh chấp song phương thông qua giải pháp hòa bình.

Tại cuộc họp báo sau khi hội đàm với Đô đốc Mike Mullen, Tướng Trần Bỉnh Đức, tổng tham mưu trưởng PLA Trung Quốc cho  biết:

- Trong nhiều dịp Mỹ đã bày tỏ không có ý định can thiệp vào tranh chấp tại Biển Biển Đông nhưng thực tế Mỹ luôn gửi những dấu hiệu ngược lại.

- Chúng tôi tôn trọng những cuộc tập trận chung gần đây giữa Mỹ với các nước khác như Phi-líp-pin và ViệtNam. Tuy nhiên thời gian của những cuộc tập trận chung theo nhìn nhận của chúng tôi là không thích hợp.

Tướng Trần Bỉnh Đức cũng phàn nàn về những động thái mà Mỹ đang khiến Trung Quốc tức giận như máy bay và tàu chiến tiếp tục tiến hành các hoạt động gián điệp ngoài khơi vùng biển của Trung Quốc. “Máy bay không người lái của Mỹ đã tiến hành các hoạt động do thám chỉ trong phạm vi cách biên giới Trung Quốc 16 hải lý. Phạm vi này rất gần và chúng tôi hy vọng những người bạn Mỹ có thể áp dụng các biện pháp về vấn đề này trong đó cần cân nhắc đầy đủ đến cảm nhận của người dân Trung Quốc”. Ngoài ra, Trung Quốc cũng quan ngại về cuộc gặp giữa một số chính trị gia của Mỹ bao gồm lãnh đạo đảng dân chủ ở Hạ Viện Nancy Pelosi với Đạt Lai Lạt Ma tại Washington vào cuối tuần vừa qua.

Tướng Trần Bỉnh Đức cũng cho biết Mỹ dành ngân sách quá lớn vào quốc phòng trong bối cảnh khó khăn kinh tế thời gian gần đây. “Tôi biết Mỹ vẫn đang trong quá trình phục hồi do khủng hoảng tài chính. Trong bối cảnh này, quá nhiều tiền đổ vào ngân sách quốc phòng sẽ tạo gánh nặng lớn đối với những người đóng thuế. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn ở mức 95 tỷ USD năm 2011 trong khi Washington dự định dành 650 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng.

Tướng Mullen đã ghi nhận còn nhiều thách thức lớn trong việc cải thiện quan hệ quân sự Mỹ - Trung và kêu gọi cần có nhiều trao đổi thông tin rõ ràng và thực tế hơn nữa. “Chúng ta cần tiếp tục hợp tác để có cách hiểu lẫn nhau khi vẫn còn tồn tại những khác biệt này. Đó chính là lý do rất quan trọng đối với Mỹ và Trung Quốc trong thúc đẩy quan hệ quân sự giữa hai nước”. Theo kế hoạch, sau khi thăm Trung Quốc, ông Mullen sẽ tới Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo nhà nghiên cứu Zhao Weibin, thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc của PLA, việc ông Mullen thăm trụ sở lực lượng pháo binh 2, lực lượng tên lửa chiến lược nắm quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là cơ hội để trao đổi thông tin. “Mỹ và Trung Quốc có nhiều mối quan tâm và lợi ích chung trong việc hợp tác hơn là cạnh tranh. Một Đông Á ổn định sẽ có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc”.  

Giáo sư Meng Xiangqing, thuộc Học viện Quốc phòng Trung Quốc cho biết quan hệ quân sự Mỹ - Trung phản ánh tính phức tạp trong quan hệ song phương giữa hai nước. Mỹ cần hợp tác với Trung Quốc nhằm phục hồi sau khủng hoảng tài chính trong khi lợi ích của Mỹ tại Đông Á đòi hỏi Mỹ sẽ phải thực hiện các chính sách kiềm chế Trung Quốc. “Những chính sách này sẽ gồm có việc bán vũ khí cho Đài Loan, tăng cường quan hệ với Nhật Bản, Ốt-xtrây-lia và một số nước Đông Nam Á”. Và những chính sách này vẫn sẽ tiếp diễn trong tương lai gần./.

Minh Anh (gt)