Trong lúc Trung-Nhật đang triển khai đấu tranh trực diện xung quanh chủ quyền đảo Điếu Ngư (phía Nhật Bản gọi là Senkaku), lại có tin quân đội Philíppin điều hai tiểu đoàn với 800 quân, tiến hành tuần tra cảnh giới tại các đảo thuộc Trường Sa, đồng thời hô hào mở rộng quy mô dân số sinh sống trên các đảo này.

Cho dù phía quân đội Philíppin tuyên bố động thái triển khai này chỉ là “biện pháp mang tính phòng ngự”, không nên xem là “hành động thách thức”, nhưng mọi người thấy rằng, gần đây Philíppin đã bắt tay vào việc mở rộng đất đai lãnh thổ tại Biển Đông. Trung tuần tháng 9 vừa qua, phía Chính phủ Philíppin tiết lộ theo mệnh lệnh của Tổng thống Philíppin Benigno Aquino, bản đồ chính thức mới của Philíppin sắp được xuất bản, trong đó cái gọi là bản đồ mới này bao gồm cả đảo Hoàng Nham/Scarborough và các đảo thuộc Trường Sa.

Đối với các hành vi của Philíppin như thâu tóm đảo Hoàng Nham/Scarborough và một số đảo thuộc Trường Sa, đặt lại tên cho Biển Đông, phái quân đội đến đồn trú tại Trường Sa, ngay cả giới truyền thông Philíppin đều lo ngại sẽ khiến cho quan hệ Philíppin-Trung Quốc trầm trọng hơn nữa. Nhưng Chính phủ Philíppin giải thích rằng, đây là dựa theo tinh thần của “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tác giả cho rằng mọi người đều biết, khái niệm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý này chỉ có hiệu lực dưới tiền đề không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trong khi sự thực, trước khi “Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển” có hiệu lực, đảo Hoàng Nham/Scarborough đã là lãnh thổ thuộc Trung Quốc, Philíppin thường lấy vị trí địa lý gần kề để tuyên bố chủ quyền, nhưng trên phạm vi quốc tế không tồn tại nguyên tắc “địa lý gần kề”, nguyên tắc gần kề hoàn toàn không thể cấu thành căn cứ để xâm chiếm lãnh thổ của một nước khác.

Philíppin vẽ lại bản đồ Biển Đông, kể cả một loạt động thái mang tính thực chất như phái quân đội đến tuần tra tại các đảo thuộc Trường Sa, mục đích là nhằm khẳng định với thế giới rằng đảo Hoàng Nham/Scarborough và một số đảo thuộc Trường Sa là lãnh thổ của Philíppin. Vậy thì, trong cuộc tranh chấp đảo Hoàng Nham/Scarborough  rước đó không lâu, mặc dù đã thất bại nhưng vì lý do gì Philíppin lại tiếp tục có các động thái gây hấn với Trung Quốc, thực hiện ý định tranh giành các đảo khác tại Biển Đông? Tác giả cho rằng có 2 nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, Philíppin cho rằng trong tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku, Trung Quốc phải tập trung mọi sức mạnh chủ yếu nhằm đối phó với Nhật Bản, không có thời gian rảnh quan tâm đến các đảo tại Biển Đông. Tác giả khẳng định, đối phó với Nhật Bản trong tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku, hiện nay Trung Quốc mới chỉ vận dụng tài nguyên ngoại giao, hải giám và kinh tế, thương mại đã khiến Nhật Bản rối loạn. Chính quyền Nhật Bản của Thủ tướng Noda hiện nay đã không còn dũng khí cứng rắn như trước kia. Trung Quốc hoàn toàn có đủ sức mạnh, năng lực đối phó với biến động tại Biển Đông. Sự thực, Philíppin cũng có thể rút ra bài học trong cuộc tranh chấp đảo Hoàng Nham/Scarborough với Trung Quốc vừa qua. Kết quả cuộc đối đầu giữa tàu chiến Trung Quốc với hải quân Philíppin tại đảo Hoàng Nham/Scarborough đã khiến Philíppin bại trận. Trung Quốc đã sử dụng biện pháp phi quân sự hoá để thực hiện chủ quyền của Trung Quốc tại đảo Hoàng Nham/Scarborough. Mọi người đều tin rằng sau này việc Philíppin sử dụng vũ lực xua đuổi hoặc bắt giữ ngư dân Trung Quốc trong vùng biển xung quanh đảo Hoàng Nham/Scarborough sẽ không có khả năng xảy ra. Mặc dù Philíppin nhiều lần đưa ra kháng nghị tại các diễn đàn ASEAN và các dịp khác, nhưng ASEAN vẫn không lên tiếng, không bày tỏ thái độ. Điều này chứng minh quốc tế và khu vực đã cho phép Trung Quốc có quyền quản lý đảo Hoàng Nham/Scarborough. Có thể dự báo nếu Philíppin một lần nữa thách thức giới hạn cuối cùng chủ quyền của Trung Quốc, e rằng Trung Quốc sẽ làm như đã nói, Philíppin phải trả giá rất đắt. 

Hai là, Philíppin cho rằng Trung Quốc sắp tổ chức Đại hội 18 và thực hiện chuyển giao thế hệ lãnh đạo, duy trì ổn định đã trở thành nhiệm vụ nội chính quan trọng hơn tất cả, không tập trung sức mạnh đối phó với vấn đề Biển Đông. Tác giả cho rằng điều này thực sự là một sự suy đoán chủ quan không hiểu biết về tình hình Trung Quốc cũng như tinh thần của nhân dân Trung Quốc. Trung Quốc tổ chức Đại hội 18 và bảo vệ quyền lợi Biển Đông, hoàn toàn là việc bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Việc bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc đã hình thành ý chí quốc gia và ý chí quần chúng. Năm 1992, Trung Quốc ban hành “Luật lãnh hải và khu vực tiếp giáp nước CHND Trung Hoa”, lấy phương thức lập pháp xác định chế độ cơ bản của lãnh hải Trung Quốc. Năm 1996, Trung Quốc ban hành đường cơ sở lãnh hải đợt đầu, đã xác định đường cơ sở lãnh hải của một bộ phận vùng duyên hải đại lục Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa. Việc công bố đường cơ sở lãnh hải của đảo Điếu Ngư/Senkaku lần này là hoạch định dựa trên việc lựa chọn 17 điểm cơ sở lãnh hải trên đảo Điếu Ngư/Senkaku và các đảo phụ cận, tính từ đường cơ sở kéo dài ra phạm vi 12 hải lý là lãnh hải Trung Quốc. Tác giả còn khẳng định việc “Thành phố Tam Sa” được thành lập, phái quân đội đồn trú tại Nam Sa (Trường Sa) chính là hành động bảo vệ chủ quyền Biển Đông thực tế nhất của Trung Quốc. 

Đương nhiên, Philíppin nhân cơ hội Trung-Nhật tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku tiến hành xâm chiếm Trường Sa, cũng có dụng ý lôi kéo thế lực quân sự Mỹ ủng hộ. Nhưng Mỹ không phải là Philíppin. Ngày 30/4 vừa qua, tại Hội nghị Bộ trưởng “2+2” giữa Mỹ và Philíppin, Ngoại trưởng Mỹ H.Clintơn đã nêu rõ mặc dù Mỹ không ủng hộ bất cứ bên nào trong tranh chấp Biển Đông, nhưng là một quốc gia Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích tự do hàng hải, duy trì hoà bình ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế. Trung Quốc hiểu ý đồ của Mỹ trong xử lý vấn đề đảo Hoàng Nham/Scarborough và Biển Đông, tiếp tục tái khẳng định bảo vệ tự do hàng hải quốc tế, khiến Mỹ không nắm được bất cứ chỗ bám nào trong vấn đề này. Như vậy, cho dù Philíppin tiếp tục thể hiện thịnh tình với Mỹ, lôi kéo Mỹ vào cuộc, Mỹ cũng khó có cớ giúp Philíppin đánh chiếm Biển Đông. 
Tóm lại, tác giả cho rằng Trung-Nhật tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku không phải là cơ hội để Philíppin chiếm đoạt Biển Đông, mà chỉ có đàm phán với phía Trung Quốc mới là thượng sách.

Theo Nhận thức chung (Trung Quốc)

Văn Cường (gt)