Sự mất lòng tin lẫn nhau giữa hai nước đã bắt đầu lan ra mạnh mẽ trước khi tranh cãi đã có từ lâu về Senkaku bùng nổ trở lại vào giữa tháng 9/2010, khi Chính Phủ của DPJ đã cố buộc tội thuyền trưởng một tầu cá đã đâm tàu mình vào hai tàu của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản. Homare Endo, giáo sư danh dự Đại học Tsukuba, người sinh ra ở Trung Quốc và đã có nhiều sách xuất bản về chính trị và xã hội Trung Quốc, cho rằng việc bắt giữ thuyền trưởng “là việc chính phủ đáng nhẽ không nên làm”. Endo nói “quan hệ song phương đã dần xấu đi từ đó và rạn nứt sâu sắc hơn khi Ishihara thông báo kế hoạch mua đảo Senkaku”. “Ứng xử với Trung Quốc cần ngoại giao khéo léo. Không thể thẳng tuột, điều mà DPJ đã không nắm bắt được”. Việc thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ đã làm tiêu tan các triển vọng xây dựng lòng tin giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Các CP trước đó dưới thời LDP, trước 2009 khi DPJ giành chính quyền, đã tôn trọng một thỏa thuận ngầm giữa Tokyo và Bắc Kinh trong những năm 1970 để duy trì nguyên trạng đối với Senkaku và tránh việc cố xác lập chủ quyền một cách mạnh mẽ và công khai bởi bất cứ bên nào.

Mặc dù cả Nhật và Trung Quốc, tại thời điểm này, không thể để tranh chấp leo thang nhiều hơn nữa, các chuyên gia nhấn mạnh rằng tình hình chính trị trong nước tại mỗi nước đang ngăn trở các lãnh đạo thỏa hiệp với nhau.

Một số lý luận rằng việc bầu Shinza Abe, một nhân vật diều hâu là lãnh đạo LDP là một dấu hiệu chủ nghĩa dân tộc đang tăng lên ở Nhật Bản, và cảnh báo nếu đảng đó thắng trong tuyển cử sắp tới và Abe lên thủ tướng, Abe có thể áp dụng mạnh mẽ một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn nhiều.

Hattori của Đại học Chuo nói “rất khó (hiện nay cho các nhà chính trị ở Nhật) phát triển các kênh với Trung Quốc vì ứng xử với Trung Quốc có thể mang lại nhiều mạo hiểm” cho triển vọng bầu cử của họ.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, ĐCS sẽ họp Đại hội toàn quốc 8/11 và Phó Chủ tịch Tập Cận Bình có lẽ sẽ thay Hồ Cẩm Đào vào ghế Chủ tịch mới.

Các chuyên gia nói Bắc Kinh không thể làm ngơ tâm lý chống Nhật lan tràn hơn nữa trong một công chúng rộng lớn bởi vì làn sóng tức giận toàn quốc bùng lên từ quốc hữu hóa Senkaku có thể dễ dàng phát triển thành nổi dậy chống lại sự cầm quyền của ĐCS, vì sự tâm trạng thất vọng đang trào lên do sự cách biệt lớn chưa bao giờ có giữa người nghèo và người giàu.

Nhiều chuyên gia đồng ý rằng trong khi Trung Quốc có thể đòi Nhật cuối cùng phải thừa nhận rằng có tồn tại tranh chấp lãnh thổ đối với các đảo đó, Bắc Kinh sẽ cuối cùng quay về lập trường như trước do Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình đã đề xuất trong những năm 1970, đó là gác lại vấn đề một cách chắc chắn trong thời điểm hiện nay.

Các học giả uyên thâm cũng đang lập luận rằng một đường dây nóng ngoại giao song phương sẽ giúp giải quyết các khủng hoảng trong tương lai, vì cả Trung Quốc, Nhật và cả Mỹ đề không muốn tranh chấp Senkaku tối tệ đi và trở thành chiến tranh.

Theo Japan Times - 12/10

Vũ Hiền (gt)