Ông Michael Tene, Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao In-đô-nê-xi-a cho biết: “Hiện tượng leo thang gần đây các va chạm trên Biển Đông đã chứng tỏ tầm quan trọng của việc Trung Quốc và ASEAN phải ngồi lại với nhau ngay để đề ra các nguyên tắc chỉ đạo triển khai Tuyên bố ứng xử 2002 (DOC), sao cho những nguyên tắc đồng thuận đó phải được thực hiện một cách đầy đủ”. Ông Michael Tene cho biết thêm: tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 18, diễn ra trong tháng 5 vừa qua tại Jakarta, các nhà lãnh đạo khối ASEAN đã nhấn mạnh và yêu cầu các bên liên quan đến tranh chấp - Trung Quốc, Philíppin, Việt Nam, Brunei và Malaysia - cần khẩn cấp kết thúc thương lượng nội dung các nguyên tắc chỉ đạo thái độ ứng xử, làm cơ sở cho việc bắt đầu đàm phán về Quy tắc Ứng xử (COC) mang tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn. Bộ Ngoại Giao In-đô-nê-xi-a kêu gọi các bên hãy tôn trọng lẫn nhau, giải quyết tranh chấp qua thương lượng hòa bình dựa trên những nguyên tắc của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, tránh những hành động dẫn đến leo thang vũ lực.

Trung Quốc, bốn nước thuộc khối ASEAN và Đài Loan đang tranh nhau chủ quyền toàn phần hoặc một phần các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, làm gia tăng sự cách biệt trong quan hệ giữa gã khổng lồ với bốn nước ASEAN. Sau nhiều va chạm xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây, Việt Nam và Philíppin tố cáo Trung Quốc thực hiện chính sách đe dọa và quấy rối tại khu vực. Theo tin hãng thông tấn The Associated Press ngày 9/6, Bắc Kinh đã lên tiếng phủ nhận thông tin nói trên, cho rằng Trung Quốc chỉ sử dụng vũ lực trong trường hợp bị tấn công trước, đồng thời cảnh cáo các nước láng giềng không được xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc quanh quần đảo Hoàng Sa và phải chấm dứt ngay mọi hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực nói trên. Đại sứTrung Quốc tại Philíppin, ông Liu Jianchao, tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi các bên hãy ngưng các hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực mà Trung Quốc đã tuyên bố có chủ quyền”; đồng thời, Đại sứ Liu Jianchao cho biết Trung Quốc sẵn sàng mở cửa, hợp tác liên doanh với các nước có tranh chấp để cùng thăm dò dầu khí. Theo ước tính, trữ lượng dầu và khí đốt nằm dưới lòng vùng biển quanh Hoàng Sa lên đến 17,7 tỷ tấn, đứng hàng thứ tư trên thế giới.

Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh In-đô-nê-xi-a, bà Connie R. Bakrie, cho rằng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là bài toán thử thách đối với ASEAN. Theo bà Connie: “Nếu ASEAN không giải quyết được vấn đề hiện nay tại Biển Đông, thử hỏi làm sao ASEAN có thể giải quyết được những vấn đề phức tạp hơn trong tương lai ?”. Riêng đối với ông Andi Widjajanto, chuyên gia nghiên cứu về an ninh của trường Đại học In-đô-nê-xi-a, quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với hai nước thành viên ASEAN chỉ chứng minh thêm chính sách đơn phương hành động của Trung Quốc, hoàn toàn khác với những tuyên bố cam kết giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Vì vậy, ông Andi khuyến nghị: “Các Ngoại trưởng (của các nước thành viên ASEAN) cần cố gắng nhanh chóng đạt thỏa thuận về cơ chế hành động của DOC… vì rõ ràng cơ chế ASEAN hiện nay hoàn toàn vô dụng”.

Theo Jakarta post

Mỹ Anh (gt)