Với căng thẳng gia tăng từ những đòi hỏi tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, khu vực đang ngày càng làm gợi nhớ tới ngòi nổ Ban-căng của châu Âu một thế kỷ trước đây. Những tình cảm dân tộc gia tăng trong toàn khu vực đã hạn chế không gian chính trị nội bộ cho những giải pháp ít mang tính đối đầu hơn. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1972, làm sụt giảm giá trị thương mại và đầu tư song phương, và khiến các chính phủ trong khu vực theo dõi những diễn biến này với sự báo động ngày càng tăng. Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines cũng xuống cấp trầm trọng, trong khi những tổ chức chính trong khu vực như ASEAN đang trở nên ngày càng phân cực.

Tại Bắc Kinh, những vấn đề hiện nay với Tokyo, Hà Nội và Manila đang là những mối quan tâm hàng đầu, bao phủ cả truyền thông chính thức và truyền thông xã hội, với kênh xã hội đã trở nên đặc biệt gay gắt. Nó cũng phủ bóng lên những cuộc thảo luận giữa các quan chức Trung Quốc với các vị khách nước ngoài. Quan hệ với Nhật Bản là vấn đề hàng đầu và trung tâm trong mọi cuộc trao đổi chính thức khi Trung Quốc chứng minh những gì họ coi là sự thay đổi sâu sắc trong cả sắc thái chính trị nội địa cũng như trọng tâm vấn đề Trung Quốc trong các cuộc tranh luận ở Nhật Bản. Bắc Kinh không mong muốn một cuộc xung đột vũ trang với Nhật Bản vì những tranh chấp lãnh thổ, nhưng cũng làm rõ rằng có những giới hạn không thể vượt qua vì lý do nội bộ, và đã chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ.

Cũng giống Ban-căng một thế kỷ trước đây, bị giằng xé giữa những liên minh chồng lấn, trung thành và thù hận, môi trường chiến lược Đông Á rất phức tạp. Ít nhất 3 trong 6 quốc gia và vùng lãnh thổ có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc là đối tác chiến lược gần gũi của Mỹ. Hơn nữa, những lãnh thổ đang bị tranh chấp này chứa đựng những tài nguyên khổng lồ về khoáng sản, năng lượng và tài nguyên biển. Trong khi Mỹ vẫn chủ yếu giữ vai trò trung lập, sự chồng lấn giữa những lợi ích hẹp của các nước tranh chấp và sự cạnh tranh chiến lược lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ là rất lớn, và không thể được kiềm chế một cách tự động.

Phức tạp hơn nữa, Đông Á đang ngày càng bị lôi kéo giữa những định hướng hoàn toàn khác nhau. Một mặt, lực toàn cầu hóa đang đưa người dân, các nền kinh tế và các quốc gia gần lại với nhau hơn bao giờ hết, như phản ánh trong thương mại khu vực, chiếm 60% tổng thương mại Đông Á. Mặt khác, lực đẩy của chủ nghĩa dân tộc sơ khai, cùng lúc đang đe dọa chia rẽ khu vực. Kết quả là, ý tưởng về một cuộc xung đột vũ trang – vấn đề có vẻ đối lập với lợi ích tự thân cấp tiến của bất kỳ quốc gia dân tộc nào đang hưởng lợi từ động lực kinh tế khu vực hiện nay – đáng sợ là, đã trở thành một phần bình thường của bất kỳ câu chuyện khu vực nào, với động lực là những xung đột lãnh thổ gần đây, nhưng được minh họa bằng những oán giận về văn hóa và lịch sử từ lâu đời. Đông Á hiện nay là câu chuyện của hai thế giới rất khác này.

Những đứt gãy đáng lo ngại nhất là giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và giữa Trung Quốc và Việt Nam. Sau những diễn biến gần đây, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đã dịu giọng bày tỏ mong muốn khôi phục lại sự ổn định trong quan hệ. Quan điểm của Trung Quốc là trong khi muốn Nhật Bản thừa nhận chính thức tồn tại tranh chấp lãnh thổ nhằm củng cố vị trí chính trị và pháp lý của mình về tương lai của quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, Trung Quốc cũng muốn thấy tranh chấp này được kiểm soát theo cách không đe dọa đến an ninh khu vực hay giảm sự ổn định cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ trung tâm của Trung Quốc là cải cách kinh tế và tăng trưởng. Tuy những động thái này có thể làm mềm quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản trong tương lai gần, nhưng thực tiễn ngoại giao và chiến lược tỏ ra không có gì thay đổi. Cường độ các chuyến thăm của Thủ Tướng Abe và Ngoại trưởng Fumio Kishida tới 7 quốc gia Đông Á, chứng tỏ rằng nhiệt độ quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản vẫn còn rất cao, chưa kể việc thành lập Lực lượng Tuần tra Bờ biển Đặc biệt của Nhật Bản, với 12 tàu được tăng cường và 600 nhân viên với vai trò đặc biệt tại khu vực Senkaku/ Điếu Ngư đã nhấn mạnh đặc tính của những thách thức đang nằm phía trước.

Vấn đề hiện nay là về mặt dư luận nội bộ, cả hai bên đều không thể bị coi là xuống nước so với vị trí hiện nay. Trung Quốc tin rằng Nhật Bản đã phá vỡ nguyên trạng; Nhật Bản thì tin rằng không việc gì phải ồn ào vì trước tiên là ở đây không có vấn đề chủ quyền. Điều đó có nghĩa là cả hai bên đều trở thành con tin với những sự kiện ngoài khơi và trên không – những sự kiện có thể nhanh chóng leo thang ngoài tầm kiểm soát. Để ngăn ngừa điều này, cả hai bên cần duy trì quan điểm chính trị công khai vì lý do nội bộ, trong khi cần từ từ và đồng thời rút lại việc triển khai các lực lượng hải quân và không quân. Việc này cần được tiến hành theo một lộ trình được thỏa thuận thông qua một bên trung gian hoặc theo những kênh bí mật, và có vẻ là những kênh này đã được triển khai. Nhật Bản không nên triển khai bất kỳ thiết bị, nhà cửa hay con người trên các hòn đảo này, vì điều đó chắc chắn sẽ dẫn tới những hành động trả đũa của Trung Quốc, với mọi khả năng có thể dẫn tới khủng hoảng. Sau khi tình hình ổn định, có thể xem xét những vấn đề dài hạn hơn, như mời một cơ quan môi trường quốc tế triển khai việc quản lý môi trường trên và xung quanh những hòn đảo này, khi mà bằng những cam kết không chính thức, các tàu bè quốc gia liên quan sẽ không tham gia.

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn phức tạp hơn, với ước đoán trữ lượng khổng lồ các nguồn tài nguyên dầu mỏ tại đây (213 tỷ thùng dầu, gấp 10 lần dự trữ của Mỹ; 25 nghìn tỷ mét khối khí đốt, bằng tổng lượng khí đốt của Qatar), với 10% sản lượng đánh bắt cá toàn thế giới hàng năm. Các hoạt động thăm dò dầu khí, đánh bắt cá đã dẫn tới những xung đột thực thể giữa các tàu bè. Hơn nữa, rất nhiều hòn đảo trên Biển Đông đã được chiếm đóng, đồn trú hoặc là căn cứ hải quân. Trong số 6 quốc gia và Đài Loan có tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, Trung Quốc và Việt Nam có vùng chồng lấn lớn nhất. Hai quốc gia này đã có những cuộc xung đột vì những tranh chấp này vào các năm 1974, 1988 và một cuộc chiến trên bộ năm 1979. Một người Việt Nam cao niên đã mô tả quan hệ Việt Nam – Trung Quốc một cách ngắn gọn “vừa là bạn cũ, vừa là kẻ thù xưa”. Rõ ràng Trung Quốc hiện cũng đang gây sức ép đáng kể về mặt kinh tế với Việt Nam, tới mức mà một quan chức Việt Nam nhận định rằng Trung Quốc có thể đơn giản “làm suy sụp nền kinh tế Việt Nam nếu họ muốn”. Có thể là không đúng, nhưng nếu xét từ những oán giận lâu đời, khó có thể cho rằng sự phụ thuộc vào kinh tế có thể tự động ngăn cản các hành động ngoại giao và thậm chí cả quân sự của Việt Nam liên quan đến Biển Đông.

Với những phát triển và tuyên bố gần đây của hai nước, có vẻ như Trung Quốc và Việt Nam đã tự đặt mình vào tiến trình xung đột, và những người theo dõi mối quan hệ này một cách chặt chẽ đang lo ngại sự lặp lại của một trong những cuộc xung đột vũ trang trước đây. Để ngăn cản căng thẳng leo thang, Bắc Kinh và Hà Nội cần lùi lại từ bờ vực. Họ cần nhất trí ưu tiên xây dựng, một hiệp ước được chờ đợi từ lâu, về quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm cả việc xây dựng những dự án năng lượng chung. Cả hai chính phủ nên xác định một dự án ở một khu vực mà cả hai bên đều đòi hỏi chủ quyền và bắt đầu những đàm phán thực tế về một cơ chế khai thác chung.

Nếu điều này là quá khó, cả hai bên có thể xem xét xây dựng một dự án đánh bắt cá chung trong một khu vực xác định, vì điều này sẽ làm giảm dần mức độ nhạy cảm về chủ quyền gắn với cơ chế khai thác tài nguyên. Nói cách khác, thay vì chờ đợi một kết luận của những cuộc đàm phán ngoại giao phức tạp về văn bản cuối cùng của quy tắc ứng xử, hãy bắt đầu xây dựng lòng tin bằng việc hợp tác trong một dự án cụ thể. Nếu biện pháp này thành công với Trung Quốc và Việt Nam, những dự án chung tương tự có thể được xây dựng với các nước tranh chấp khác.

Tuy nhiên, có thể không điều nào trong số các gợi ý trên đây có tác dụng. Chủ nghĩa dân tộc có thể thắng thế, các nhà hoạch định chính sách có thể đơn giản để các sự kiện tự diễn tiến, như đã từng xảy ra một thế kỷ trước đây, trước khi nổ ra Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, khi khủng hoảng kinh tế còn trầm trọng hơn hiện nay, và các chính phủ châu Âu đều cho rằng, chiến tranh châu Âu là điều bất hợp lý, và do vậy, không thể xảy ra. Dù cuộc chiến tranh châu Á có thể là cực kỳ ít khả năng, nhưng với những người sống trong khu vực, đối mặt với những đối đầu gia tăng tại Biển Đông và biển Hoa Đông, bài học cẩn trọng từ châu Âu cách đây một thế kỷ cũng rất đáng để ghi nhận./.

Vũ Hiền (gt)