1. GIỚI THIỆU

An ninh năng lượng đang là một vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt với các nước đang phát triển, trong đó có các quốc gia châu Á. Trong bối cảnh giá dầu mỏ trên thế giới liên tục tăng những năm gần đây, các quốc gia lại càng gia tăng việc kiểm soát và bảo vệ các nguồn năng lượng dầu mỏ của họ. Các yêu sách cũng như các tranh chấp chồng lấn tại các khu vực ngoài khơi, được cho là rất giàu tiềm năng dầu khí, đã trở thành những vấn đề chính trị nghiêm trọng tại các khu vực này. Trong bối cảnh đó, các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và các biên giới biển chồng lấn tại khu vực biển Đông, từ lâu, đã là một trong những nan đề của khu vực châu Á. Các tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tại vùng biển này, mặc dù rất giàu tiềm năng, nhưng vẫn đang ở trong tình trạng không thể khai thác do vẫn đang tồn tại các tranh chấp căng thẳng.

Biển Đông là một vùng biển thuộc Thái Bình Dương, phía Bắc biển Đông giáp eo biển Đài Loan, phía Tây giáp vùng đất liền của Đông Nam Á, phía Đông giáp Philippines, phía Nam giáp eo biển Mallacca. Mười quốc gia và vùng lãnh thổ cùng có biên giới tiếp giáp với biển Đông, đó là: Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei, Thailand,Việt Nam. Biển Đông có diện tích khoảng 3.500.000 km2. Biển Đông có các vịnh lớn là Vịnh Bắc Bộ, Vịnh Thái Lan, Vịnh Lingayen và Vịnh Manila. Biển Đông có 4 nhóm đảo đá lớn, đó là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, bãi cạn Pratas và bãi ngầm Macclesfield.

Cuộc tranh chấp tại biển Đông về mặt pháp lý chủ yếu xoay quanh những tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các khu vực trên biển Đông.

Diễn biến về cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển Đông có thể chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất kéo dài tới trước năm 1974; giai đoạn thứ hai từ 1974 – 1999; giai đoạn thứ ba từ năm 1999 tới nay.

Giai đoạn trước năm 1974 thì cũng có những tranh chấp, nhưng biển Đông tương đối ổn định, không có những xung đột lớn trên biển. Giai đoạn từ 1974 – 1999, giai đoạn này có nhiều diễn biến phức tạp, bắt đầu từ sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam), mặc dù việc dùng sức mạnh quân sự này đã trái với quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tiếp theo là sự kiện Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa từ tay Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1988, và Trung Quốc tiếp tục dùng sức mạnh quân sự chiếm bãi Vành khăn từ tay của quân đội Philippines năm 1995.

Giai đoạn từ 1999 tới nay, có những lúc hòa dịu, nhưng cũng có lúc tình hình căng thẳng khiến cho “biển Đông lại dậy sóng” với những tuyên bố hoặc hành động của các quốc gia liên quan, đặc biệt qua các hành động gần đây của Trung Quốc[1], nước có tiềm lực quân sự hùng mạnh nhất khu vực, khiến cho các quốc gia tranh chấp khác đều lo ngại.

2. CÁC YÊU SÁCH CHỒNG LẤN TRÊN BIỂN ĐÔNG

Các yêu sách của các quốc gia liên quan trong cuộc tranh chấp Biển Đông có thể được chia thành hai loại. Loại thứ nhất là các yêu sách về chủ quyền các đảo trên biển Đông, đặc biệt là chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Loại thứ hai là sự kéo dài của các quyền của các quốc gia ven biển được diễn giải dưới các quy định của Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982.

Hiện tại, tám quốc gia và vùng lãnh thổ cùng yêu sách danh nghĩa (tuyên bố chủ quyền) đối với các quần đảo của biển Đông: Singapore và Malaysia tranh chấp chủ quyền đối với đảo Pulau Batu Puteh, vốn có một trí chiến lược trong vùng biển Malacca và eo biển Singapore. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam cùng tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Đài Loan và Trung Quốc cũng tranh chấp về chủ quyền đối với đảo Pratas và bãi Macclefield. Đối với quần đảo Trường Sa, sáu quốc gia và vùng lãnh thổ đều nhận mình có chủ quyền, bao gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam tuyên bố chủ quyền với toàn bộ quần đảo, Philippines, Malaysia và Brunei tuyên bố có chủ quyền đối với từng phần của quần đảo, trừ Brunei, các quốc gia và vùng lãnh thổ đều có sự hiện diện về mặt quân sự trên quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, còn phải kể đến những tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam về đường biên giới trên biển trong vịnh Bắc Bộ, giữa Việt Nam và Thái Lan trong việc xác định đường biên giới trong vịnh Thái Lan.

Trong đó yêu sách cụ thể của các bên như sau:

Brunei yêu sách về chủ quyền đối với một cấu trúc trong quần đảo Trường Sa, đó là cấu trúc tự nhiên chìm dưới mặt nước có tên gọi là bãi ngầm Louisa. Malaysia cũng yêu sách về chủ quyền đối với bãi ngầm này và trong thực tế Malaysia đã chiếm bãi ngầm này năm 1984[2].

Campuchia yêu sách về một phần vịnh Thái Lan, phần này chủ yếu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế theo nguyên tắc thềm lục địa kéo dài, được Campuchia coi là một vịnh lịch sử của họ[3].

Đài Loan yêu sách gần như toàn bộ biển Đông, yêu sách về chủ quyền của Đài Loan đối với các khu vực trên biển Đông tương tự như yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền của họ đối với các khu vực trên biển Đông [4]. Đài Loan hiện đang chiếm giữ đảo Ba Bình (Itu Aba) – đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Giống như Trung Quốc, yêu sách của Đài Loan không có chứng cứ pháp lý rõ ràng.

Indonesia yêu sách khu vực biển Đông bị giới hạn bởi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ. Indonesia không yêu sách về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa[5]. Indonesia chiếm hữu vùng biển rất giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt từ lâu, không có sự tranh chấp nào, tuy nhiên từ khi Trung Quốc công bố bản đồ với đường đứt đoạn 9 khúc, yêu sách tất cả các đảo nằm trong đường đó là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, như vậy, vùng biển Natuna của Indonesia cũng bị Trung Quốc yêu sách là thuộc vùng biển của mình. Năm 1996, Indonesia đã tập trung lực lượng quân đội lớn tại vùng này, và kể từ đó, Indonesia đã khai thác các mỏ khí đốt tự nhiên tại vùng biển này mà không thấy sự phản đối gì của Trung Quốc [6].

Malaysia yêu sách biển Đông bị giới hạn bởi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ. Malaysia  yêu sách về chủ quyền đối với 12 đảo và vị trí trong biển Đông[7]. Malaysia cũng yêu sách về quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ đối với phần giáp Malaysia của vịnh  Thái Lan [8]. Hiện Malaysia đang chiếm giữ ba đảo trong quần đảo Trường Sa. Malaysia cũng yêu sách về chủ quyền của họ đối với bãi ngầm Louisa, được coi là phần kéo dài ở thềm lục địa của họ, và họ đang chiếm giữ bãi ngầm này.

Philippines yêu sách hầu hết quần đảo Trường Sa, nhưng không yêu sách chính đảo Trường Sa[9]. Yêu sách của Philippnies dựa trên việc khám phá và phát hiện các đảo vô chủ của một doanh nhân Philippines tên là Thomas Cloma năm 1956. Philippines cũng yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ trên khu vực biển Đông [10].  Philippines hiện cũng đang tranh chấp với Trung Quốc về các mỏ khí đốt Malampaya và Camago nằm trên bãi Scarborough Shoal[11].

Thái Lan yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ trên vịnh Thái Lan[12].

Trung Quốc yêu sách chủ quyền của họ gần như đối với toàn bộ biển Đông. Trung Quốc yêu sách về chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa) và đã có sự hiện diện về lực lượng quân sự trên nhiều đảo thuộc quần đảo này. Năm 1974, Trung Quốc lợi dụng tình trạng chiến tranh ở Việt Nam, đã phối hợp các lực lượng hải quân và không quân chiếm đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ quân đội Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam) và đặt sự hiện diện về quân sự của họ tại đây. Thêm vào đó Trung Quốc còn tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Pratas [13].

Việt Nam yêu sách về chủ quyền trên toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế cũng như quyền chủ quyền đối với thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông[14]. Lập luận của Việt Nam dựa trên sự chiếm hữu thực sự một lãnh thổ vô chủ sớm nhất, bằng một phương pháp hòa bình và thực thi chủ quyền một thời gian liên tục[15].

3. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LÃNH THỔ THEO LUẬT QUỐC TẾ

Trên nguyên tắc thì các tranh chấp lãnh thổ biển có thể được giải quyết theo các quy định của luật pháp quốc tế. Các cơ chế tài phán áp dụng đối với việc thụ đắc lãnh thổ và phân định thềm lục địa cũng như ranh giới giữa các khu đặc quyền kinh tế  trên biển, đã có những bước tiến nhất định, như một số vụ đã giải quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hoặc các vụ phân xử của các Tòa án trọng tài quốc tế ad hoc trong suốt 40 năm qua. Gần đây hơn, ví dụ như vụ tranh chấp giữa Indonesia và Malaysia về chủ quyền trên các đảo Sipidan và Ligitan, hay giữa Malaysia và Singapore đối với đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, giữa Ucraine và Rumania đối với khu vực tranh chấp trên biển Đen, đã cho thấy việc các quy định của luật pháp quốc tế đã góp phần giải quyết các tranh chấp ấy hiệu quả như thế nào. Tuy nhiên, các cơ chế tài phán của luật quốc tế sẽ có rất ít hiệu lực nếu các quốc gia tranh chấp không sẵn sàng cho việc giải quyết các tranh chấp ấy thông qua con đường tài phán quốc tế. Vấn đề an ninh năng lượng đóng một vai trò ngày càng cao đối với các quốc gia trên thế giới đã là một chỉ dấu cho thấy các quốc gia tham gia  trong tranh chấp biển Đông đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp pháp lý hoặc các thỏa thuận để khai thác các nguồn tài nguyên đang là đối tượng tranh chấp.

Tại Điều 2 (3) của Hiến chương Liên Hợp Quốc[16] đã quy định nghĩa vụ chung cho các quốc gia là phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Các bên có thể sử dụng bất kỳ phương pháp tự nguyện nào để giải quyết các tranh chấp của mình. Điều 33 của Hiến chương đã liệt kê cách thức giải quyết tranh chấp quốc tế như: thương lượng, điều tra, dàn xếp qua trung gian, hòa giải, nhờ trọng tài phân xử, giải quyết bằng con đường tòa án và những thỏa thuận dàn xếp trong khu vực. Tất cả các phương pháp này đều phải tuân thủ nguyên tắc nhất trí. Quyền ưu tiên của các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và độc lập chính trị có nghĩa là không có một bên thứ ba nào được can thiệp vào giải quyết tranh chấp quốc tế. Chỉ có một cách thức được coi là áp đặt đó là vì các bên đã chấp nhận nó từ trước đó, chẳng hạn như việc phải tuân theo các điều khoản của một hiệp ước hoặc thông qua việc đưa ra một Tuyên bố theo Điều 36 (2) của Quy chế tòa án quốc tế.

Thương lượng là cách thức cơ bản nhất so với tất cả các cách thức giải quyết tranh chấp quốc tế. Dàn xếp qua trung gian là một cách thức thương lượng có cơ chế phức tạp hơn, trong đó bên thứ ba không thiên vị tiến hành giúp đỡ các bên tranh chấp để tìm ra một giải pháp cho cuộc tranh chấp. Việc dàn xếp qua trung gian đòi hỏi các bên tranh chấp phải kiểm soát nội dung cũng như kết quả tranh chấp, còn bên thứ ba chỉ kiểm soát biện pháp giải quyết.

Hòa giải thì bên thứ ba đóng một vai trò can thiệp sâu hơn và cung cấp cho các bên một đề nghị không bắt buộc về một giải pháp thích hợp.

Việc phân xử bằng trọng tài hay việc xét xử bằng tòa án thì quyết định bắt buộc cuối cùng sẽ được đưa ra bởi bên thứ ba khách quan và không thiên vị. Cách thức phân xử bằng trọng tài nói chung là mang tính chất riêng tư và được tiến hành bởi một tòa án đặc biệt, phù hợp với sự thỏa thuận của các bên tranh chấp. Còn đối với việc xét xử trước Tòa án quốc tế thì việc phán xử sẽ được diễn ra công khai và theo các điều khoản quy định của Quy chế Tòa án quốc tế.

Với việc Công ước luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS)[17] lần lượt được các nước ký kết và có hiệu lực, việc giải quyết tranh chấp trên biển của các chủ thể liên quan mà các quốc gia đã là thành viên của Công ước thì phải có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp theo những quy định của Công ước. Công ước này được coi là một bản hiến pháp về biển và đại dương, một chiến thắng khải hoàn của các quốc gia ven biển, một Công ước mà phạm vi và hiệu lực của nó chỉ đứng sau Hiến chương Liên Hợp quốc mà thôi.

Hiện nay, hầu hết các nước có liên quan đến tranh chấp tại biển Đông đều đã phê chuẩn Công ước này. Philippines phê chuẩn ngày 08/05/1984; Indonesia phê chuẩn ngày 03/02/1986; Việt Nam phê chuẩn vào ngày 23/6/1994; Singapore phê chuẩn ngày 17/11/1994; Trung Quốc phê chuẩn ngày 07/06/1996; Malaysia phê chuẩn ngày 14/10/1996; Brunei phê chuẩn ngày 05/11/1996. Như vậy là các quốc gia thành viên của Công ước đều phải có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp theo  các quy định của Công ước.

Các điều khoản giải quyết tranh chấp của Công ước luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc (sau đây gọi tắt là Công ước) được quy định ở chương XV và các bản phụ lục kèm theo. Chương XV của Công ước gồm 30 điều, đưa ra một khung tổng thể, trong khi các phụ lục liệt kê các chi tiết về hòa giải (phụ lục V), về tòa án trọng tài thông thường (phụ lục VII), về tòa án trọng tài đặc biệt (phụ lục VIII), về Tòa án luật biển (phụ lục VI), về Ủy ban giải quyết các tranh chấp liên quan đến đáy biển (điều 14, phụ lục VI).

Có thể tóm tắt chương XV của Công ước như sau: Các bên có thể tán thành bất cứ một cách thức giải quyết tranh chấp nào mà họ cùng lựa chọn. Chỉ khi nào họ không nhất trí được với nhau về cách thức giải quyết, hoặc cách thức đó không dẫn đến một giải pháp cho cuộc tranh chấp, thì các điều khoản quy ước bắt buộc còn lại mới được đưa vào áp dụng. Điều khoản bắt buộc thứ nhất theo Công ước là: “Khi có một tranh chấp xảy ra giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước, các bên tranh chấp tiến hành ngay một cuộc trao đổi quan điểm về cách giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hay bằng các biện pháp hòa bình khác.[18] Đặc biệt, mỗi bên có thể mời bên kia tham gia vào cách thức hòa giải. Trong phụ lục V, Công ước đã dự trù đến việc thành lập một ủy ban hòa giải, chức năng của ủy ban này là “lắng nghe ý kiến các bên, xem xét các đòi hỏi và ý kiến phản đối của họ và nêu ra các đề nghị nhằm giúp họ đạt tới một giải pháp hòa giải vụ tranh chấp.” (Điều 6, phụ lục V). Những người hòa giải có thể làm một bản báo cáo không bắt buộc đối với các bên. Nếu không đạt được một giải pháp nào thì sẽ phải áp dụng các thủ tục cưỡng bức dẫn đến những kết luận bắt buộc. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này thì các quốc gia thành viên của Công ước vẫn có sự linh hoạt đáng kể. Họ có thể đưa ra một lời tuyên bố chấp nhận quyền tài phán của một hoặc các cấp xét xử như sau: Tòa án Quốc tế về Luật biển; Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ); một tòa án thông thường hay tòa án trọng tài đặc biệt được thành lập theo phụ lục VIII dành cho các loại tranh chấp đã được định rõ trong phụ lục này. Nếu cả hai bên tranh chấp cùng chấp thuận một diễn đàn thì tranh chấp sẽ được trình lên diễn đàn đó. Nếu các bên không chấp nhận một diễn đàn thông thường, hoặc nếu một bên không có một lời tuyên bố nào thì tranh chấp sẽ được đệ trình lên một tòa án trọng tài thông thường theo phụ lục VII.

Theo Điều 296 (1) của Công ước thì “các quyết định do tòa án có thẩm quyền theo mục này đưa ra là có tính chất tối hậu, và tất cả các bên tranh chấp phải tuân theo.”

4. CÁC VẤN ĐỀ CỦA LUẬT QUỐC TẾ TRONG TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG

Như đã trình bày ở trên, luật quốc tế đóng một vai trò quan trọng cho việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ này. Tuy vậy, đối với những quy định của luật quốc tế trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ biển này, vẫn có những vướng mắc còn tồn tại. Các vướng mắc của luật pháp quốc tế trong tranh chấp biển Đông có thể chia thành 3 nhóm:  thứ nhất là các vấn đề liên quan đến thụ đắc chủ quyền lãnh thổ, thứ hai là liên quan đến yêu sách ”đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên biển Đông, và thứ ba là quy chế pháp lý đối với những cấu trúc địa chất thuộc Hoàng Sa, Trường Sa.

4.1 Những quy định của luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ.

Các nguyên tắc của luật quốc tế trong việc xác định chủ quyền lãnh thổ bởi một quốc gia đã là vấn đề được nhắc tới rất nhiều trong các phán quyết của ICJ cũng như các Tòa án khác. Theo đó, các phương thức để một quốc gia xác lập chủ quyền của mình trên một vùng lãnh thổ, quá trình đó được gọi là thụ đắc lãnh thổ, được xác định như sau[19]:

+  Chiếm hữu một lãnh thổ vô chủ (terra nullius), tức là quốc gia xác lập chủ quyền trên một lãnh thổ chưa có một quốc gia nào chiếm hữu nó trước đó.

+  Chiếm hữu theo thời hiệu, tức là việc chiếm hữu một lãnh thổ một cách hiệu quả, thực tế mặc dù một danh nghĩa về chủ quyền lãnh thổ đã được thiết lập bởi một quốc gia khác, nhưng quốc gia đang chiếm hữu đã thực thi chủ quyền của mình một cách hiệu quả, liên tục trên vùng lãnh thổ đó.

+   Chuyển nhượng lãnh thổ, việc này được thực hiện thông qua các hiệp ước về mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng lãnh thổ.

+  Thay đổi tự nhiên, ví dụ khi vùng đất của quốc gia đó thay đổi bởi những yếu tố tự nhiên như bối đắp những vùng đất mới hoặc biến đổi khí hậu làm thay đổi lãnh thổ của một số quốc gia..

+   Xâm chiếm, là việc một quốc gia dùng sức mạnh quân sự để xâm chiếm một vùng lãnh thổ nào đó của một quốc gia khác.

Luật quốc tế công nhận  việc thụ đắc một danh nghĩa đối với lãnh thổ không thuộc về ai (terra nullius) qua việc khám phá đầu tiên, nhưng danh nghĩa đó mới còn phôi thai (inchoate title) và phải chuyển thành một danh nghĩa đầy đủ hơn qua việc thi hành chủ quyền liên tục, hòa bình và không bị ai phản đối. Cho tới nay, chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia được quốc tế công nhận một cách hợp pháp phải tuân thủ các nguyên tắc của luật quốc tế, trong đó điều 4 của Hiến chương Liên Hợp Quốc đã nghiêm cấm hành động ”đe dọa hay sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc sự độc lập chính trị của các quốc gia khác”, và kể từ năm 1945 đến nay, cộng đồng quốc tế đã không còn chấp nhận việc thụ đắc lãnh thổ của các quốc gia thông qua phương thức xâm chiếm bằng vũ lực nữa.

Tranh chấp biển Đông có liên quan tới ít nhất là 4 trong 5 phương thức thụ đắc lãnh thổ đó. Các vấn đề pháp lý sẽ đặt ra là:

Thứ nhất, một vấn đề quan trọng trong tranh chấp này là phải xác định được các quần đảo như HS, TS đã bị chiếm hữu khi nào? hay nói cách khác thì khi nào các quần đảo này không còn là lãnh thổ vô chủ nữa?

Thứ hai, bởi vì các phương thức xác định việc thụ đắc lãnh thổ cần phải dựa trên các bằng chứng lịch sử, cho nên các quốc gia tranh chấp cần phải đưa ra các bằng chứng để chứng minh họ đã thiết lập chủ quyền thông qua các hành động của nhà nước một cách sớm nhất, hay là họ đã tạo được một danh nghĩa lịch sử, hoặc là đã thực hiện việc quản lý các đảo ấy một cách hiệu quả, thực tế thông qua các biện pháp hòa bình mà được luật pháp quốc tế công nhận.

Vấn đề sẽ cần đặt ra ở đây là những bằng chứng lịch sử, khoa học nào có thể chứng minh được chủ quyền của các quốc gia tranh chấp đối với các đảo dựa trên danh nghĩa lịch sử hay dựa trên việc chiếm hữu và quản lý hiệu quả các đảo ấy? Các bằng chứng này sẽ có giá trị như thế nào? Có thể đánh giá về sức nặng của các bằng chứng như thế nào? Ai có thể  đủ tư cách để đứng ra đánh giá các bằng chứng đó? Để chứng tỏ việc thiết lập chủ quyền trên các đảo, các quốc gia sẽ phải viện dẫn các hiệp ước quốc tế thời kỳ chấm dứt của chủ nghĩa thực dân hay là các quy định của tập quán quốc tế, về các phương thức thụ đắc lãnh thổ.

Như vậy, các bằng chứng này sẽ phải được trình lên một tòa án quốc tế nào đó, và sẽ có sự thẩm định bởi các chuyên gia uy tín về tính xác thực của chúng.

Trong phương thức chiếm hữu một lãnh thổ vô chủ thì việc phát hiện có phải là đã xác định việc chiếm hữu của quốc gia với lãnh thổ vô chủ đó. Trong vấn đề này, vẫn còn một số tranh luận, cũng như có một số diễn giải khác biệt giữa các phán quyết của Tòa án thường trực quốc tế và sau này là Tòa án công lý quốc tế.

Vấn đề luật thời điểm (intertemporal law) tức là luật áp dụng đối với tranh chấp được tính vào thời điểm nào? Đây là một vấn đề mà vẫn có những diễn giải khác nhau.

Thêm nữa, một vấn đề phải được nhắc tới nữa ở đây là phải xác định một cách chính xác thời điểm nào là thời điểm kết tinh của tranh chấp (critical date). Trong các án lệ quốc tế khác nhau, các bên hay trọng tài đã có quan điểm là bất kỳ hành động nào sau khi xảy ra tranh chấp giữa các bên đều không thể ảnh hưởng đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ có liên quan nếu hành động đó nhằm củng cố vị trí pháp lý của một bên trong tranh chấp. Xác định thời điểm kết tinh này sẽ là căn cứ để Tòa án quốc tế đánh giá những bằng chứng được chấp nhận tồn tại trước thời điểm kết tinh này.

4.2 Yêu sách ”đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên biển Đông

Năm 1947, Trung Quốc đã giới thiệu một bản đồ với đường chín khúc đứt đoạn , đường này bao gồm một vùng biển bên trong, nhìn giống như một cái lưỡi bò nên gọi là “đường lưỡi bò” và yêu sách chủ quyền với tất cả các đảo và các vùng nước nằm bên trong đường đó. Tuy nhiên, bản đồ có hình “đường lưỡi bò” đó, Trung Quốc chỉ xuất bản trong nội bộ mà chưa bao giờ tuyên bố chính thức với cộng đồng quốc tế. Tháng 5 năm 2009, khi Việt Nam và Malaysia gửi Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng lên Ủy ban thềm lục địa mở rộng của Liên Hợp Quốc (Gọi tắt là CLCS), thì Trung Quốc đã gửi Công hàm phản đối, công hàm này có kèm theo bản đồ có “đường lưỡi bò”, tuy nhiên, cho đến bây giờ, chính phủ Trung Quốc chưa giải thích với cộng đồng quốc tế về tính chất pháp lý của yêu sách này.

Việc giải thích yêu sách “đường lưỡi bò” do các học giả Trung Quốc đưa ra, tuy nhiên, quan điểm của họ cũng rất khác nhau. Các học giả Trung Quốc lý giải về tính chất pháp lý của đường này bao gồm  bốn nhóm:

Nhóm 1: Một số học giả cho rằng vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” nên được xem là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc, có thể là nội thủy hoặc có thể là lãnh hải.

Nhóm 2: Một số học giả khác cho rằng vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” này phải được coi là ‘vùng nước lịch sử’. Tuy nhiên theo phân tích của Peter Dutton[20] qua một số án lệ quốc tế liên quan thì trong quá khứ, đặc biệt khi xem xét vụ Ngư trường giữa vương quốc Anh và Na uy, Tòa án ICJ đã xem xét 3 yếu tố: i) Sự phụ thuộc liền kề về địa lý với lãnh thổ đất liền (hay nguyên tắc đất thống trị biển); ii) Các mối liên hệ gần gũi một cách đầy đủ giữa cấu tạo đất liền với không gian biển để tạo cho khu vực có chế độ cai quản đầy đủ; iii) Lợi ích kinh tế duy nhất của các quốc gia ven biển dựa trên bằng chứng rõ ràng  của việc đã thực hiện lâu dài. Các yêu cầu đặt ra như trong vụ kiện này đã cho thấy điểm yếu trong tuyên bố của Trung Quốc, đó là: i) không có sự phụ thuộc về địa lý một cách chặt chẽ giữa đất liền và biển. ii)Các đảo nhỏ và nằm rải rác, các đảo này thiếu những yếu tố của đất liền và vì thế nó không có điều kiện cho dân cư bản địa, cũng như các ngư dân và thương cư trú thường xuyên trên đảo cho thấy khu vực này không được quản lý đầy đủ về mặt chủ quyền, vì vậy yêu cầu là “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc ở vùng này trở nên rất yếu ớt; iii)Trong vấn đề lợi ích kinh tế duy nhất, Trung Quốc có đưa ra được bằng chứng lịch sử cho thấy họ đã có sự tiếp xúc của các ngư dân, thương nhân và các quan chức chính phủ đối với các đảo này, tuy nhiên, Việt Nam cũng có các bằng chứng tương tự. Cả hai nước đều không có đủ bằng chứng về các hoạt động thực thi chủ quyền một cách duy nhất và thường xuyên.  Các ngư dân thuộc rất nhiều quốc tịch, nào là Malaysia, Indonesia, Philppines cũng thường xuyên tới các đảo này. Vì vậy, không có bằng chứng ủng hộ cho lợi ích kinh tế duy nhất của Trung quốc đối với vùng biển này mà thực sự vùng biển này là vùng biển chung của rất nhiều quốc gia.

Nhóm 3: Một số học giả coi “đường lưỡi bò”  như là tuyên bố xác nhận chủ quyền trên tất cả cả các đảo, bãi đá, cồn cát và bãi san hô và các thuộc tính đất khác trên khắp vùng biển Đông. Tuy nhiên, các vụ án tranh chấp lãnh thổ gần đây do ICJ xét xử đã nhấn mạnh đến yếu tố chiếm hữu hiệu quả hoặc kiểm soát thường xuyên, liên tục. Điều này cũng đúng với các bên tranh chấp nào nếu họ tuyên bố chủ quyền mà trong thực tế họ không đang chiếm giữ đảo đó.

Nhóm 4: Nhóm các học giả còn lại thì cho rằng “đường lưỡi bò” phản ánh lợi ích an ninh hàng hải lâu dài của Trung Quốc ở biển Đông và những lợi ích an ninh này phải được pháp luật bảo vệ. Mặc dù luật pháp quốc tế không nhắc tới việc bảo vệ lợi ích an ninh của quốc gia ven biển, nhưng Trung Quốc muốn tìm cách thay đổi các quy định đó của luật quốc tế.

Gần như tất cả các quốc gia ASEAN liên quan đến tranh chấp và cả Hoa Kỳ cũng đều lên tiếng phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” này. Trong Công hàm phản đối của Việt Nam, Malaysia ngày 8/5/2009; Tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ tại Hà Nội ngày 31/3/2010, Công hàm phản đối của Indonesia ngày 8/7/2010, Kháng thư của Philippines ngày 05/04/2011 đã chỉ ra việc không thể yêu sách các vùng biển mà không dựa vào nguyên tắc “đất thống trị biển” và các quy định của Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.

4.3 Quy chế pháp lý đối với các đảo đá thuộc Hoàng Sa, Trường Sa

Cuộc tranh chấp Biển Đông diễn ra trong bối cảnh sau khi Hội nghị Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc lần thứ III (UNCLOS III) kết thúc. Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc được thông qua ngày 30 tháng 4 năm 1982 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 16 tháng 11 năm 1994. Cho đến nay, tất cả các quốc gia trong khối ASEAN trực tiếp liên quan đến tranh chấp và Trung Quốc đã trở thành thành viên của Công ước này.

Công ước này đã quy định về quy chế pháp lý đối với các vùng biển của các quốc gia ven biển. Theo đó, các quy chế pháp lý đối với các vùng biển được Công ước quy định như vùng nội thủy (internal water), vùng nước quần đảo (archipelagic water), lãnh hải (territorial sea), vùng tiếp giáp lãnh hải (contiguos zone), vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone), thềm lục địa (continental shelves) và biển cả (high seas). Theo quy định tại Công ước này thì lãnh thổ của các quốc gia ven biển (coastal states) có thể mở rộng lãnh hải tới 12 hải lý tính từ đường cơ sở (base line), vùng tiếp giáp lãnh hải kéo dài 24 hải lý tính từ đường cơ sở. Và như vậy, quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển tại vùng đặc quyền kinh tế không chỉ được kéo dài 200 hải lý tính từ đường cơ sở đối với việc thăm dò và khai thác tài nguyên biển (bao gồm cả các tài nguyên sinh vật và các tài nguyên không sinh vật), mà theo Công ước, thềm lục địa của các quốc gia ven biển còn có thể kéo dài tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa được giới hạn ở việc thăm dò và khai thác các tài nguyên không sinh vật.

Từ đó, đã dẫn đến những tranh cãi là hầu hết các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có thể có những vùng biển riêng theo các quy định của Công ước hay không? Điều (1)121 của Công ước Luật biển (UNCLOS) xác định rằng “một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”. Một đảo phải có những điều kiện tự nhiên tối thiểu để đảm bảo cho đời sống của con người. “Những đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”[21]. Tuy nhiên, sự mập mờ trong quy định của điều 121 của Công ước, đã dẫn đến những tranh cãi chưa bao giờ đến hồi kết của các bên cũng như của các nhà nghiên cứu. Một số người cho rằng một số đảo trong quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hoàn toàn có thể đáp ứng được điều 121 của Công ước, và như vậy nó phải có quy chế pháp lý của một đảo (islands)[22] , tức là ngoài việc đảo đó có lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, nó còn có thêm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Một đảo như vậy, nó sẽ dẫn tới quyền chủ quyền của quốc gia ven biển được thực thi trên một vùng biển bao quanh đảo đó rộng tới 125.664 hải lý vuông, tương đương 431.014 km2. Nhưng một số người khác cho rằng, những đảo đó rất nhỏ chỉ có thể coi là đảo đá (rocks) chứ không phải là đảo (islands), và hiện nay những đảo đó được các quốc gia yêu sách đã cho xây dựng sân bay, nhà băng, vv.. trên đảo, các đảo đá đó phải coi là đảo nhân tạo[23], và như vậy, nó không thể có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

5. NHỮNG KIẾN NGHỊ CHO VIỆT NAM

Tranh chấp biển Đông hiện nay đang là một điểm nóng, với sự “chạy đua vũ trang” của các quốc gia tranh chấp và liên quan đến tranh chấp gần đây, đã đe dọa đến an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển khu vực.

Đã có những tranh chấp lãnh thổ biển giữa các quốc gia trên thế giới đã được giải quyết qua con đường Tòa án hoặc thương lượng trực tiếp giữa các bên. Những vụ xét xử về tranh chấp lãnh thổ gần đây của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cho chúng ta thấy sự cần thiết của việc giải quyết các tranh chấp này theo hướng hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như nguyện vọng chung của người dân yêu chuộng hòa bình trong khu vực.

Luật quốc tế đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuy nhiên, luật quốc tế vẫn còn tồn tại rất nhiều “khoảng trống”. Để có thể giải quyết tranh chấp này, không thể không làm rõ những vấn đề này. Trước đây, Trung Quốc không quan tâm nhiều đến luật quốc tế, khi Trung Quốc bắt đầu trở thành thành viên chính thức tại Hội đồng bảo an LHQ, họ còn thiếu chuyên gia luật quốc tế. Nhưng hiện nay, Trung Quốc đã đóng vai trò tích cực đối với các định chế quốc tế. Trong lĩnh vực biển, Trung Quốc tham gia tích cực vào những thương thảo dẫn tới việc ra đời Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 và thông qua nó năm 1996. Một chuyên gia luật quốc tế của Trung Quốc đang là thẩm phán trong ICJ, một chuyên gia hàng hải Trung Quốc hiện thuộc nhóm 21 thẩm phán tại Tòa án quốc tế về Luật biển, còn một chuyên gia khác là thành viên của Ủy ban về ranh giới thềm lục địa. Trung Quốc còn tham gia ba tổ chức khu vực được thành lập nhằm bảo vệ môi trường biển tại các biển chung ở Đông Á. Họ cũng là một thành viên của Ủy ban nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương. Các chuyên gia Trung Quốc đang tìm cách định dạng, lèo lái luật quốc tế vì lợi ích của quốc gia mình, trong đó họ đã sử dụng đội ngũ học giả nghiên cứu về tranh chấp biển Đông ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu nhằm tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng quốc tế tính chính đáng trong các yêu sách biển của họ. Thống kê của Viện nghiên cứu Trung Quốc[24] cho thấy những năm gần đây, số lượng các luận án tiến sĩ liên quan đến tranh chấp biển Đông đã tăng lên đáng kể. trong khi đó, số lượng các nghiên cứu liên quan đến tranh chấp biển Đông của các tác giả Việt Nam rất ít về số lượng và phần nhiều trong số đó chưa cao về chất lượng. Vì vậy, Việt Nam nên có chiến lược về con người cho nghiên cứu tranh chấp, đặc biệt là các chuyên gia về luật quốc tế liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.

ThS. Hoàng Việt, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.



[1] Ví dụ cụ thể như việc gây sức ép đối với EXXON – MOBIL để buộc công ty này phải bỏ dự án khai thác dầu mỏ trên vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt nam, hoặc xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân Tam Á trên đảo Hải Nam năm 2008.

[2] Christopher C. Joyner, The Spratly Islands Dispute in the South China Sea: Problem, Policies and Prospects for Diplomatic Accomodation, p 71,

http://community.middlebury.edu/~scs/docs/Joyner,%20Spratly%20Islands%20Dispute.pdf

[6] Erik Kreil, South China Sea (March 2006;

http://www.eia.doe.gov/emeu/cabs/South_China_Sea/pdf.pdf.

[9] Mark J. Valencia, Jon M. Van Dyke, and Noel A. Ludwig, Sharing the resources of the South China Sea, University of Hawaii, 1997, 278, p33.

[11]Stein Tonnesson, "Locating the South China Sea," in Locating Southeast Asia: Geographies of Knowledge and Politics of Space, ed. Paul Kratoska, Henk Schulte Nordholt, and Remco Raben (Ohio University Press, March 2005).

[15] Ministry of Foreign Affairs, Socialist Republic of VietNam, The Hoang Sa and Truong Sa Archipelagoes and International law, Ha noi, 1988, p. 14

[16] http://www.un.org/aboutun/charter/

[17] Xem bản tiếng Anh tại  http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/texts/unclos/unclos_e.pdf ; Bản dịch tiếng Việt tại : http://www.seasfoundation.org/

[18] Điều 283 (2) UNCLOS

[19] I An Brownlie, Principles of Public international law, Clarendon Press. Oxford, 1998, p 129

[21] UNCLOS, điều ( 3) 121

[22] Điển hình cho quan điểm này là Yann Huei Song, xem thêm  Yann-Huei Song, Việc áp dụng Điều 121, Khoản 3, Công ước luật biển đối với năm đảo tranh chấp ở biển Đông, tham luận tại Hội thảo Quốc tế về biển Đông tại Hà Nội, trên website www.nghiencuubiendong.vn

[23] Marius Gjetnes, The legal regime of Islands in the South China Sea,  University of Oslo, 2000, p. 92

[24] Thống kê này do Giáo sư  Đỗ Tiến Sâm -  Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc cung cấp riêng cho tác giả.