Theo bài viết, vừa qua, Philíppin đã tuyên bố sẽ mở một số lô khai thác dầu khí mới ở ngoài khơi đảo Palawan của nước này. Philíppin khẳng định khu vực này nằm trong “Vùng Đặc quyền Kinh tế” (EEZ) gắn liền với Quần đảo Philíppin. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, bởi họ cho rằng khu vực này nằm trong khu vực có tranh chấp. Bắc Kinh thường cho rằng khu vực này nằm trong “9 đường đứt đoạn” của Trung Quốc - một bản đồ lịch sử mà quốc gia này dựa theo đó để khẳng định chủ quyền không thể chối cãi trên hầu hết diện tích Biển Đông, song họ có những cơ sở pháp lý rất mong manh. Tuy nhiên, ông Beckman chỉ ra rằng Trung Quốc cũng đang có tuyên bố chủ quyền chưa được giải quyết đối với quần đảo Trường Sa (nơi Việt Nam và Đài Loan cũng khẳng định chủ quyền). Trường Sa chủ yếu là những bãi đá ngầm và đảo nhỏ, mà theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ chỉ được khẳng định chủ quyền "lãnh hải" trong vòng 12 hải lý (22 km). Nhưng do có một số đảo mà con người có thể sinh sống được, nên nó được coi là "quần đảo", và có thể được hưởng quy chế “đặc quyền kinh tế” 200 dặm. Và như vậy đòi hỏi của Trung Quốc sẽ chồng lấn với khu đặc quyền kinh tế của Philíppin.Vì vậy, nếu dựa trên các phân tích này, Trung Quốc có cơ sở hợp pháp đối với tuyên bố của nước này rằng "khu vực trên vẫn đang nằm trong khu vực tranh chấp, và Philíppin sẽ sai khi đơn phương khai thác dầu khí". Vấn đề là nếu Bắc Kinh áp dụng UNCLOS ngay tại khu vực biển đó, liệu Trung Quốc có thể phớt lờ công ước này ở những vùng mà họ không có các tranh chấp tương tự, ngay như các khu vực bên trong “đường lưỡi bò” của họ được không? Theo tác giả, Trung Quốc hoàn toàn có thể làm như vậy để được lợi cả đôi đường.

 Theo Economist (ngày 9/3)

Vũ Hiền (gt)