Theo bài báo, tranh chấp ở Biển Đông có thể gây ra nhiều diễn biến khó lường ở Đông Nam Á, và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và có thể leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện nếu các biện pháp thích hợp không được tiến hành kịp thời. Tất nhiên, điều đó sẽ ảnh hưởng tới sự thống nhất của khối ASEAN bởi 4 thành viên trong tổ chức khu vực này liên quan tới tranh chấp và nhận chủ quyền đối với nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Cuộc xung đột này chủ yếu không phải nhằm tranh chấp nguồn tài nguyên, mà là xác định ưu thế vượt trội của Trung Quốc. Cuộc xung đột này cũng sẽ xác định hướng phát triển tương lai của cán cân chiến lược và kinh tế ở khu vực. Cuối cùng nó sẽ đặt nền móng mới cho hợp tác, sự chấp nhận và trục quyền lực. Trò chơi ma trận quyền lực hiện nay đã đạt tới hồi kết khó khăn. Hiện thời, Mỹ, từng có thời có nhiều lợi ích ở khu vực này, đang suy giảm sức mạnh. Quyền lực liên quan tới sự thay đổi ngôi vị và hiếm khi không diễn ra căng thẳng. Như vậy, sự thay đổi quyền lực thường đi kèm với xung đột. Vòng xoáy căng thẳng hiện nay sớm bắt đầu khi có sự thay đổi chủ ở Nhà Trắng. Những người của đảng Dân chủ thường cố gắng hành xử như thể một con lắc, động chạm tới những vấn đề nhạy cảm nhất mà không nhận thức được hậu quả tăng lên của nó. Khẩu hiệu G-2 (Mỹ và Trung Quốc) do Tổng thống Obama sớm đưa ra, trên thực tế đã củng cố thêm tham vọng của Trung Quốc trong việc phát động chiến dịch hung hăng được tính toán kỹ trong tranh chấp tại Biển Đông. Song Mỹ cũng không mất quá nhiều thời gian để nhận ra rằng họ đã mắc sai lầm khi nhử Trung Quốc như một đối tác hợp tác trong toàn bộ trò chơi đắt giá đối với cả hai.

Tại thời điểm hiện nay, châu Á đang là động lực đối với nền kinh tế toàn cầu. Cỗ xe tam mã Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ và sau đó là khu vực vùng Vịnh giầu dầu mỏ đóng góp phần khổng lồ vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Sự suy thoái không tác động mạnh tới kinh tế khu vực này như ở Bắc Mỹ và châu Âu. Đầu tư, công nghệ, thị trường năng động và tất cả các triển vọng khác sẽ đưa châu Á tới một mức độ phát triển tiếp theo, trong khi nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm. Tuy nhiên, để điều đó trở thành thực tế, châu Á cần có hoà bình, ổn định cho tất cả các nước thuộc châu lục này. Xu hướng căng thẳng hiện nay sẽ tạo ra nhiều trở ngại hơn là có khả năng mang tới bất kỳ một giải pháp nào. Buôn bán và thương mại sẽ bị ảnh hưởng khủng khiếp ngay cả khi sự thù địch xảy ra ở một góc của khu vực Biển Đông. Chúng ta đang sống trong một thế giới có quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Ví dụ đơn giản như vấn đề của châu Âu ảnh hưởng tới một nước nhỏ như Hy Lạp hiện đang gây bất ổn cho cả các nền kinh tế ở châu Á và châu Phi. Tranh chấp ở Biển Đông có nguồn gốc từ tranh giành nguồn tài nguyên giữa các nước láng giềng song nó có khả năng lôi kéo toàn bộ khu vực cuốn vào bạo lực một khi cơ chế xây dựng lòng tin không được thực hiện hiệu quả. Có thể có những giải pháp khác nhau nhằm ngăn chặn xung đột. Các nước ASEAN và Trung Quốc cần phải bắt đầu sử dụng các khả năng và thử nghiệm các ý tưởng mới để nhìn lại vấn đề này với những suy nghĩ cởi mở. Điều đó sẽ mang lại kết quả hơn là chỉ thương lượng đơn thuần. Đã tới lúc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) cần phải được chuyển thành một hiệp định quốc tế cùng với một khung pháp lý để tất cả các bên hành động trong khuôn khổ giới hạn chặt chẽ.

Trung Quốc có một thị trường xuất khẩu và thương mại mạnh mẽ bằng đường biển, chiếm 60% tổng lượng các hoạt động kinh tế của nước này. Bất kỳ bất ổn nào ở khu vực đều không có lợi cho lợi ích cơ bản của chính Trung Quốc. Phương pháp cho và nhận sẽ giúp làm tăng cơ chế giải pháp với nhịp độ lớn hơn. Nếu Trung Quốc sử dụng biện pháp quân sự hoá khu vực Biển Đông thì các nước khác cũng sẽ đáp trả bằng cách này hoặc cách khác. Hiện Nhật Bản và Hàn Quốc, hầu như không có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang ngày càng nói nhiều về tranh chấp và các diễn biến tại khu vực này. Một phần này của đại dương là tuyến đường biển có tầm quan trọng sống còn đối với nhiều nước. Những cuộc thương lượng liên quan tới Mỹ và nhiều nước khác ở khu vực đang diễn ra nhằm tăng cường ổn định chiến lược ở khu vực này. Một khi xảy ra xung đột, lợi ích của các nước láng giềng ở xa cũng sẽ bị tổn thương. Điều đó sẽ lôi kéo các bên cho đến nay vẫn giữ thái độ trung lập tham gia cuộc tranh chấp, khi đó có thể dẫn tới hậu quả không mong muốn ở quy mô lớn hơn nhiều. Ý tưởng của Nhật Bản về thiết lập một Diễn đàn giao thông hàng hải ở Đông Bắc Á là một bước có thể đảm bảo hoà bình và ổn định trong khi thúc đẩy việc hiểu biết tốt hơn vấn đề này. Mọi vấn đề đều có giải pháp của nó, sẽ là tốt hơn nếu thử nghiệm những ý tưởng mới và thảo luận các vấn đề lo ngại chung. Một số nhà sử học cho rằng Chiến tranh thế giới thứ II xảy ra đơn giản là do người châu Âu sợ thảo luận vấn đề này với nước Đức và tránh thảo luận công khai về sự nổi lên của Đức. Điều đó đã khiến nước Đức vững tin rằng chương trình quân sự hoá của họ đã có tác động mạnh mẽ. Trước đây, đại đa số các nước ASEAN đều suy nghĩ theo cách tương tự về Trung Quốc. Hiện nay, ASEAN không có một lập trường cụ thể về sự can dự với Trung Quốc. Khi có một nửa số thành viên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, ASEAN không thể rũ bỏ trách nhiệm của tổ chức này. Một ASEAN đoàn kết sẽ mở ra khả năng đối thoại hiệu quả với Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc sẽ tôn trọng ASEAN như một khối đáng tin cậy nếu ASEAN thể hiện được sự thống nhất của mình. Không thể chỉ vì một số giếng dầu mà Trung Quốc có thể phá hỏng toàn bộ các mối quan hệ của họ. Nếu thất bại trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, ASEAN có thể mất đi tính thích hợp về sự tồn tại của mình. Bởi vậy, nói một cách khác, đây là thách thức rất lớn đối với nền ngoại giao của ASEAN.

Theo Strategic-Affairs

Trần Quang (gt)