Bình luận

Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông nhấn mạnh sự vận động hệ thống chính trị và giới lãnh đạo của nước này. Cách tiếp cận chiến lược của Trung Quốc đối với tranh chấp Biển Đông làm tăng thêm sự phân rẽ về địa chính trị.

Trước tiên, từng mang đặc điểm là “nền văn minh hình thức nhà nước”, nhưng Trung Quốc giờ đây không còn là “hình thức” nữa mà đang hợp pháp hóa vị thế quốc gia bằng các động thái chiến lược trong việc bảo đảm cho quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham) thành lợi ích quốc gia “cốt lõi”.

Mặc dù về mặt lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ là một cường quốc biển, nhưng sự quyết đoán về quân sự tại Biển Đông là sự thay đổi [sức mạnh] biển mang tính căn bản từ một quốc gia định hướng địa chính trị lục địa truyền thống .

Sự thay đổi “quốc gia có nền văn minh lâu đời” và mối quan hệ “triều cống”

Phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đều có trải nghiệm lịch sử lâu dài đối với Trung Quốc. Các quốc gia này đều nhận thấy Đế chế Trung Hoa và các vua chúa Trung Hoa mở mang rất ít lợi ích thuộc địa trong khu vực. Chỉ có Mông Cổ đã 3 lần xâm lược Pagan (Myanmar) vào thế kỷ 14 nhưng đều thất bại. Trong thời Minh, các cuộc viễn dương của viên thái giám đạo Hồi Trịnh Hòa đã thể hiện rõ được “quốc gia có nền văn minh lâu đời” và mối quan hệ “triều cống” với các quốc gia láng giềng với Trung Quốc.

Cho đến thời gian gần đây, bất chấp sự chỉ trích của phương Tây về các hành động bị coi là mang chủ nghĩa bành trướng, Trung Quốc vẫn chưa hề dính dáng vào bất kỳ cuộc viễn chinh quân sự lớn nào ra bên ngoài khu vực ảnh hưởng địa chính trị của mình giống như Mỹ và các quốc gia châu Âu khác, ngoài trừ các cuộc chạm trán quy mô nhỏ trong vấn đề lãnh thổ với Ấn Độ, Nga, Việt Nam và gián tiếp can dự các cuộc chiến tranh tại Triều Tiên và Việt Nam.

Lợi ích quốc gia dân tộc của Trung Quốc

Yêu sách tại Biển Đông thể hiện một số khía cạnh về giới lãnh đạo và hệ thống chính trị của Trung Quốc. Thứ nhất, là một quốc gia mới thành lập còn non trẻ (1949), lãnh đạo Trung Quốc dường như cực kỳ nhạy cảm trong vấn đề biên giới và lãnh thổ - khởi đầu bằng các yêu sách đối với Hồng Công, Ma Cao và bây giờ là Đài Loan. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh lần thứ 2, Trung Quốc đang vẽ lại bản đồ, đặt tên lại các đảo, xác định lại biên giới, thách thức và xét lại lịch sử thuộc địa theo lịch sử của Trung Quốc.

Thứ hai, nền kinh tế bùng nổ đang thúc đẩy lòng tự hào chủ nghĩa dân tộc. Giới lãnh đạo kích động những người chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước bằng cách tạo ra bộ mặt ma quỷ của ngoại bang đang đe dọa đến chủ quyền nhằm làm chệch hướng những áp lực chính trị trong nước.

Thứ ba, sau 30 năm dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản với một nền kinh tế tập trung, ánh sáng nền văn minh dường như thay đổi. Tự nó giải phóng khỏi sự hướng nội, bí mật, cộng sản bài ngoại, hệ thống kết hợp của tư bản - cộng sản mới là nền chính trị khác biệt trong một thế giới đa cực.

Thứ năm, Trung Quốc muốn kiểm soát ảnh hưởng địa chính trị đối với khu vực Đông Nam Á và mong muốn ngăn chặn các quốc gia phương Tây can thiệp vào khu vực ảnh hưởng chiến lược của mình. Các quốc gia Đông Nam Á có mối quan hệ yêu-ghét đối với Trung Quốc. Họ chào đón viện trợ, thương mại và đầu tư về kinh tế của Trung Quốc, nhưng mặt khác lại e sợ các mối quan hệ kinh tế này sẽ hạn chế không gian ngoại giao của mình.

Hệ quả chính trị tranh chấp Biển Đông

Trong khi có nhiều phản ánh tập trung vào hình thái quân sự và các cuộc đàm phán chiến lược về tranh chấp Biển Đông, vấn đề đã mở rộng sang sự phân rẽ địa chính trị về mặt quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Ở cấp độ quốc gia, cách thức lãnh đạo Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông phụ thuộc vào sự tranh giành ảnh hưởng giữa lập trường cứng rắn của quân đội và các nhà  chính trị ôn hòa. Cần thiết phải xem xét thế hệ lãnh đạo hiện nay, một thế hệ trưởng thành trong thời Cách mạng Văn hóa và Đại Nhảy Vọt của Mao Trạch Đông. Nhóm lãnh đạo này đại diện cho các nhà cách mạng trẻ với chủ nghĩa lý tưởng sâu sắc, thấm nhuần chủ nghĩa Mác và tuổi thơ túng quẫn. Cũng sẽ có những nhóm cơ hội chính trị đang cố lợi dụng sự bất mãn của quần chúng về khoảng cách giàu nghèo giống như các nhà chính trị cánh tả Bạc Hy Lai và các quan chức thành phố Trùng Khánh

Về mặt khu vực, tranh chấp Biển Đông có thể sẽ là vật cản đối với sự gắn kết khu vực của ASEAN và nó khiến cho tổ chức này giảm đi tính tập trung của Đông Nam Á. Rõ ràng tiếng nói khu vực của ASEAN đang bị ảnh hưởng, bằng chứng là vào tháng 7 năm 2012 khi Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tại Phnom Penh lần đầu tiên đã không đưa ra được tuyên bố chung.

Trung Quốc lợi dụng cả ở 2 cấp độ trong khu vực: dàn xếp các thỏa thuận song phương rất lớn với từng quốc gia riêng rẽ có khả năng bị trói buộc vào đường hướng chiến lược của Bắc Kinh; và can dự rộng rãi vào các sáng kiến do ASEAN chủ đạo, đó là các sáng kiến có thể làm suy giảm quyền chủ đạo về kinh tế và chính trị đang phát triển của mình tại khu vực.

Tình thế lưỡng nan của người Hoa hải ngoại

Tình thế của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông có thể đặt  phần lớn người Hoa hải ngoại trong khu vực vào một tình thế lưỡng nan. Trong khi cộng đồng người Hoa đã hội nhập tốt vào cơ cấu chính trị quốc gia ở các nước ASEAN, thì có nhiều sự kiện tái diễn trong hàng thập kỷ qua khi chính quyền các quốc gia nghi ngờ về lòng trung thành đối với đất nước của họ và các cuộc bạo động chống Trung Quốc nổ ra. Người Hoa hải ngoại được gọi là Hoa kiều vẫn được gọi là người Hoa, người gốc Trung Quốc. Người Hoa là sợi dây liên kết tích cực trong quan hệ thương mại Trung Quốc – ASEAN dựa trên các mối liên kết của họ, tuy nhiên lòng trung thành của họ có thể bị nghi ngờ trong tương lai nếu như quan hệ Trung Quốc – ASEAN xấu đi và nếu như người Hoa thể hiện sự đồng tình hay đặt mình vào vị trí là người Trung Quốc.

Về mặt toàn cầu, Biển Đông giống như một vũ đài “va chạm giữa các nền văn minh” đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ - hai quốc gia rất tự tin về chính trị, văn hóa và hệ thống của mình, tại đó hai quốc gia cảnh giác về việc tạo ảnh hưởng toàn cầu của đối phương và họ rất thiếu tin tưởng vào các sáng kiến về chính sách đối ngoại của nhau.

Thiếu niềm tin khiến cho việc đối thoại trở nên khó khăn. Là một siêu cường đang lên, Trung Quốc cần thể hiện thật nhiều hơn nữa sự tự tin chính trị trong việc giải quyết các vấn đề với láng giềng và thể hiện tính cao thượng về lãnh thổ để củng cố thêm đường lối “phát triển hòa bình” của mình.

Victor R. Savage là Phó Giáo sư Khoa Địa lý trường Đại học Quốc gia Singapore. Mối quan tâm nghiên cứu học thuật của ông là về Đông Nam Á. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả và được đăng trên RSIS.

Quang Châu (dịch)