Căng thẳng gia tăng trên biển liên quan đến Trung Quốc và các nước láng giềng có thể dẫn tới chiến tranh nếu như nó không được giải quyết ổn thỏa. Đây là kết luận trong một báo cáo công bố gần đây của Viện Lowy, Ôxtrâylia. Bản báo cáo có tựa đề “Crisis and confidence: major powers and maritime security in Indo-Pacific Asia”. Báo cáo này dựa trên những tham vấn với các chuyên gia an ninh tại Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ.

Nguy cơ xảy ra chiến tranh?

Những căng thẳng chủ yếu diễn ra tại các vùng biển mà Trung Quốc gọi là Đông Hải và Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông còn Philíppin gọi là Biển Tây Philíppin). Đặc biệt, Biển Đông đang trở thành một điểm nóng vì Trung Quốc, Việt Nam, Philíppin, Đài Loan, Brunây và Malaixia cùng tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần lãnh hải đối với biển này.

Theo các tác giả của báo cáo này, những xích mích giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ rất dai dẳng và ngày càng tăng lên. Thêm vào đó, do nhu cầu về tài nguyên, Trung Quốc đang có thái độ ngày càng quyết liệt bằng cách hành xử mà Viện Lowy nhận định là “đầy rủi ro” của lực lượng quân sự nước này. Cho nên, khi số lượng và cường độ các biến cố ngày càng tăng tại các vùng biển trên thì khả năng về một kịch bản leo thang thành đối đầu vũ trang, khủng hoảng ngoại giao hoặc thậm chí là xung đột cũng gia tăng. Bản báo cáo viết: “Các tuyến đường biển ở Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương đang ngày càng trở nên đông đúc, có nhiều tranh chấp và dễ dẫn đến xung đột vũ trang. Các lực lượng hải quân và không quân đang được củng cố trong bối cảnh chuyển đổi cán cân chiến lược kinh tế”.

Ông Rory Medcalf, tác giả chính của bản báo cáo, nói với phóng viên Đài Ôxtrâylia (ABC): “Trong vài tháng qua đã xảy ra một loạt biến cố liên quan đến tàu của Trung Quốc, chủ yếu là gây ‘khó dễ’ cho tàu khảo sát của Việt Nam và Philíppin tại các vùng biển và đảo tranh chấp. Một số biến cố này có nguy cơ dẫn tới xung đột vũ trang bởi thực tế đã có trường hợp Trung Quốc nổ súng vào tàu của Philíppin”.

Theo ông Rory Medcalf, những đối đầu đang diễn ra đều có chủ định từ phía Trung Quốc nhằm phát đi tín hiệu về đòi hỏi của nước này đối với các vùng biển ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng có một nguy cơ mà Trung Quốc đánh giá thấp, đó là bất kỳ biến cố nào cũng đều có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát và dẫn tới xung đột vũ trang.

Ông Rory cho rằng Hải quân Trung Quốc ngày càng mạnh lên và đang hạn chế khả năng tiếp cận của Mỹ đối với các khu vực gần bờ biển Trung Quốc, và thậm chí sớm muộn là các vùng biển xung quanh Đài Loan. Ông cho rằng: “Vấn đề lớn ở đây là ý đồ. Chưa có gì rõ ràng chứng tỏ Trung Quốc có ý đồ quyết liệt hay gây hấn mạnh mẽ nhưng dường như có một số thế lực tại Trung Quốc, kể cả Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đang đẩy ranh giới sự việc đi xa thêm. Họ đang có những hành động khiêu khích liên quan đến tranh chấp lãnh hải hoặc có những hành động mà tôi đoán rằng sẽ gửi tín hiệu tới Nhật Bản, Mỹ, Đông Nam Á và các nước khác rằng quyền lợi của Trung Quốc là không thể bị xem nhẹ. Cho nên đây là một tình thế rất đáng lo ngại”.

Viện Lowy cảnh báo rằng nếu có một cuộc chiến tranh xảy ra thì nó sẽ lan rộng khắp khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương và Mỹ cùng các cường quốc khác sẽ nhanh chóng bị cuốn vào.

Về khả năng Ôxtrâylia có thể phải can dự vào những căng thẳng đó, ông Rory cho rằng Ôxtrâylia rất quan tâm đến vấn đề này bởi tự do hàng hải ở Biển Đông rất quan trọng không chỉ với lực lượng hải quân Ôxtrâylia mà còn với hoạt động xuất khẩu của nước này tới Bắc Á. Thêm nữa, Ôxtrâylia cũng là một đồng minh của Mỹ cho nên nếu Mỹ có xung đột với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông thì rất nhiều khả năng Ôxtrâylia cũng phải tham gia và đứng về phía Mỹ.

Động thái của các nước

Theo các tác giả của bản báo cáo, Trung Quốc gây ra lo ngại tại Đông Nam Á bằng tuyên bố ‘lợi ích cốt lõi’ ở Biển Đông cũng như tại Ôxtrâylia về cách hành xử đối với vấn đề an ninh trong tương lai, trong khi khả năng cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên biển “chỉ còn là vấn đề thời gian”.

Nhiều nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đang tìm kiếm và tăng cường quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ. Cho tới nay, Hải quân Mỹ vẫn được xem là lực lượng thống trị các vùng biển châu Á và mới đây nước này đã có chương trình tiến hành các hoạt động hải quân với Việt Nam và Philíppin cũng như Ôxtrâylia.

Theo ông Rory, điều này có thể làm tăng xích mích giữa hai cường quốc lớn nhất hiện nay. Tuy nhiên, ông cho rằng sự việc sẽ còn xấu hơn nữa nếu các nước nhỏ cảm thấy bị Trung Quốc ‘ép’ và buộc phải tự hành động.

Trong tháng 6/2011, Trung Quốc đã cử tàu tuần tra dân sự lớn nhất tới Biển Đông. Ngày 27/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết hối thúc tìm kiếm một giải pháp hòa bình và đa phương cho các tranh chấp tại Biển Đông.

Thượng Nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói rằng “ngày càng có nhiều quốc gia xung quanh Biển Đông bày tỏ lo ngại về sự hăm dọa của Trung Quốc”.

Trước đó một ngày, hôm 26/6, Việt Nam và Trung Quốc đã ra thông cáo báo chí chung, trong đó hai bên khẳng định “giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị; áp dụng các biện pháp có hiệu quả, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông; tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh những lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước; đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết ‘Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc’; thúc đẩy việc thực hiện ‘Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)’”.

Mới đây, chiến hạm HMNZS Te Mana thuộc lớp Anzac của Niu Dilân, với thủy thủ đoàn 148 người và 27 sỹ quan đã tới Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu chuyến thăm kéo dài năm ngày nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hải quân hai nước.

Trong một diễn biến khác, truyền thông Ấn Độ cho hay Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Hải quân, đồng thời là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đang có chuyến thăm một số thành phố của Ấn Độ, gặp gỡ Đô đốc Nirmal Verma, Bộ trưởng Quốc phòng A.K. Antony, Tư lệnh Không quân P.V. Naik và Tổng Tư lệnh quân đội V.K. Singh. Chuyến thăm được tuyên bố là nhằm mục đích tìm hiểu thêm về khả năng hợp tác hải quân giữa hai bên, trong đó có lĩnh vực đóng tàu./.

Theo Lowy Institute

Trần Quang (gt)