Giữa lúc các cuộc tranh cãi pháp lý và tranh chấp trên thực tế giữa các bên liên quan trên Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tác giả Robert Beckman đã nêu một số phân tích, nhận định đáng xem xét về một số qui định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tình hình thực tế, và viện dẫn một số nội dung để cho rằng Trung Quốc có lý khi khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí trong vùng biển xung quanh một số đảo của quần đảo Trường Sa. Trong bài viết này, tác giả cũng nêu ý kiến liên quan đến “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, lập trường còn nhiều khác biệt của Trung Quốc và Philíppin về việc xác định tính chất cấu trúc đảo, đá trên biển, phạm vi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của các cấu trúc đó, cũng như cỗ vũ cho chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác”. Sau một vài tháng khá yên lắng vừa qua, tranh chấp giữa Trung Quốc và Philíppin trên Biển Đông đã lại bùng phát. Va chạm mới nhất giữa Philíppin và Trung Quốc được kích hoạt bởi một thông báo của Manila rằng nước này sẽ thiết lập các lô mới ngoài khơi đảo Palawan để khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí. Trung Quốc đã phản đối với lập luận một số lô nói trên nằm trong những vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố có quyền chủ quyền và quyền tài phán. Câu hỏi quan trọng là liệu Trung Quốc có một tuyên bố hợp pháp theo quy định của luật pháp quốc tế về quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với những khu vực bao trùm những lô thăm dò đó hay không. Và nếu như vậy, thì có nghĩa là các lô thuộc diện tranh cãi nằm trong một "khu vực tranh chấp", và sự phản đối của Trung Quốc trước hành động đơn phương của Philíppin là hợp lệ. 

Đường đứt quãng chín đoạn “đầy tai tiếng” thể hiện trên bản đồ của Trung Quốc về Biển Đông gợi ý các nhà phê bình miêu tả tuyên bố của Trung Quốc như là một tuyên bố về "chủ quyền lãnh hải”; họ cho rằng hoặc là Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các vùng nước trong đường chín đoạn hoặc là đối với 80% diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại rằng Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc đã không hoàn toàn làm rõ đường đứt quãng chín đoạn, song trong một công hàm ngoại giao chính thức gửi Liên hợp quốc, Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển liền kề. Có một nhất trí chung là khi nói đến “các vùng biển liền kề", người ta hiểu đó là những vùng biển nằm trong phạm vi 12 hải lý tính từ bất cứ lãnh thổ đất liền nào, kể cả các đảo. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đã tuyên bố trong công hàm ngoại giao chính thức rằng quần đảo Trường Sa được hưởng một EEZ và thềm lục địa theo quy định của pháp luật Trung Quốc và theo UNCLOS năm 1982. Một quốc gia không có chủ quyền trong EEZ hoặc trên thềm lục địa, nhưng lại có "quyền chủ quyền” và quyền tài phán với mục đích thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển, trong lòng đất thuộc EEZ, cũng như trên vùng thềm lục địa của mình. Philíppin tuyên bố có quyền chủ quyền để thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí tại các lô thuộc Bãi Cỏ Rong, vì Manila đã tuyên bố phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở kết nối các điểm ngoài cùng của hầu hết các hòn đảo ngoài cùng của quần đảo Philíppin. 

Philíppin không tuyên bố EEZ hay thềm lục địa tính liền từ các đảo tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Thay vào đó, quan điểm của Philíppin có thể là thậm chí một số cấu trúc gần Bãi Cỏ Rong là những hòn đảo bởi vì chúng được hình thành tự nhiên như là những vùng đất đá nổi lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống, các đảo đó chỉ nên được hưởng phạm vi lãnh hải 12 hải lý, mà không phải là một vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Lập trường của Philíppin dựa trên sự phân biệt được qui định trong UNCLOS 1982 giữa "đảo" và "bãi đá". Mặc dù trên nguyên tắc đảo được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, còn "bãi đá", nơi không thể duy trì hoạt động cư trú hay kinh tế của con người, chỉ được hưởng một vùng lãnh hải 12 hải lý. Hiệu quả thực tế từ các quan điểm của Philíppin là nhằm giảm các "khu vực tranh chấp" tại quần đảo Trường Sa và trong phạm vi 12 hải lý tiếp giáp. Do các lô tại khu vực Bãi Cỏ Rong nằm cách xa các đảo tranh chấp hơn 12 hải lý, nên chúng không nằm trong các khu vực có tranh chấp, mà hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philíppin tính từ chính quần đảo này. Trung Quốc duy trì lập trường cho rằng một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa nằm gần với Bãi Cỏ Rong, chẳng hạn như Nanshan Island (đảo Vĩnh Viễn – tên Việt Nam), chính là những "hòn đảo" theo UNCLOS, vì nó được hình thành tự nhiên như là các khu vực đất đá nổi lên trên mặt nước khi thủy triều xuống. Hơn nữa, Trung Quốc có thể duy trì lập luận một số các đảo này được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vì chúng có khả năng duy trì sự cư trú hay đời sống kinh tế của con người. 

Nếu Trung Quốc tuyên bố rằng một số trong những hòn đảo nằm gần Bãi Cỏ Rong được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, thì Bắc Kinh có thể duy trì lập luận nước này có quyền chủ quyền và quyền tài phán theo UNCLOS để thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí ở các khu vực đó. Bởi vậy, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ các đảo tranh chấp sẽ chồng chéo với các vùng đặc quyền kinh tế của Philíppin tính từ quần đảo Philíppin. Nếu các lô đang tranh cãi gần Bãi Cỏ Rong nằm trong khu vực tranh chấp, điều này sẽ có ý nghĩa đối với các hoạt động có thể được tiến hành hợp pháp bởi Philíppin và Trung Quốc. Các phán quyết của trọng tài quốc tế gần đây cho thấy các hoạt động đơn phương thăm dò và khai thác trong khu vực tranh chấp là “trái với UNCLOS”, đặc biệt nếu chúng liên quan đến hoạt động khoan đáy biển. Giờ đây, có thể nói rằng Trung Quốc có cơ sở theo UNCLOS và luật pháp quốc tế để khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí trong vùng biển xung quanh một số đảo của quần đảo Trường Sa. Theo đó, việc Trung Quốc phản đối Philíppin có thể được coi là một hành động hợp pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc. Cách tốt nhất trước mắt có thể là hai nước gác sang một bên các tranh chấp về chủ quyền và tranh chấp về đảo hay bãi đá, tiến hành đàm phán để xác định các khu vực tranh chấp có thể là nơi triển khai thoả thuận hợp tác phát triển. Cùng lúc, hai nước cần kiềm chế và không có bất kỳ hoạt động đơn phương nào làm trầm trọng thêm các tranh chấp vốn đã phức tạp./.

Tác giả Robert Beckman là Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế và là Phó Giáo sư tại Khoa Luật – Đại học Quốc gia Xinhgapo

Theo Rsis (ngày 9/3)

Vũ Hiền (gt)