Mối đe dọa quân sự

- Thưa Thạc sĩ qua việc tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh, theo các quy định của luật pháp quốc tế, thạc sĩ nhận định sự việc này như thế nào?

+ Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển và như vậy theo luật pháp quốc tế trong công ước quy định là tất cả các thành viên đều phải có nghĩa vụ tôn trọng công ước.

Công ước quy định rõ ràng các quốc gia ven biển có quyền khai thác và thăm dò khai thác các tài nguyên ở vùng thềm lục địa của mình. Đó là quyền đương nhiên được hưởng theo đúng tinh thần Công ước.

Việc Trung Quốc tới ngay khu vực Việt Nam được luật pháp công nhận và có hành vi cắt dây cáp của tàu Việt Nam như vậy rõ ràng là vi phạm trực tiếp Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển. Và việc Việt Nam cho thăm dò khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế mà ghi rõ là thềm lục địa là quyền đương nhiên mà Việt Nam được hưởng theo Công ước. 

- Xin Thạc sĩ nói thêm một số chi tiết về Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển và điều khoản áp dụng trong trường hợp này như thế nào?

+ Điều 279 trong Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 quy định nếu có tranh chấp thì phải sử dụng biện pháp hòa bình. Ngay điều 2 và điều 33 trong hiến chương Liên Hợp Quốc cũng quy định các tranh chấp phải giải quyết bằng hòa bình. Như vậy, có thể khẳng định rằng Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 và gián tiếp vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc. Thêm nữa Trung Quốc cũng vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông tức là DOC năm 2002 mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết. DOC có quy định rằng các nước phải tự kiềm chế, không được gây những điều phức tạp và không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đối với các bên khác. Trong trường hợp như vậy, hành vi bao vây, và cắt dây cáp của Trung Quốc có thể nói là đe dọa quân sự. 

- Thạc sĩ vừa nhắc tới Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Nếu đem DOC ra chứng minh cho hành động này của Trung Quốc là vi phạm thì chúng ta sẽ được lợi thế gì với các nước trong khối?

+ Tôi nghĩ rằng nếu Việt Nam đưa DOC ra thì sẽ có bằng chứng cho thấy thái độ của Trung Quốc như thế nào. Ở đây cũng phải nói rõ thêm là DOC không ràng buộc về mặt pháp lý, tuy nhiên lại tạo dư luận rất lớn ở tính chính đáng của vấn đề. Nếu Việt Nam nêu ra vấn đề này thì cho thấy dù Trung Quốc luôn đưa ra quan điểm muốn dùng biện pháp hòa bình và thân thiện với tất cả các nước khác, nhưng hành động vừa rồi cho thấy hoàn toàn không giống những gì họ nói. Điều này có thể cảnh tỉnh các nước ASEAN và sẽ giúp các nước ASEAN nhận ra vấn đề trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông với Trung Quốc như thế nào.

Kiện ra tòa án quốc tế không là chuyện đơn giản?

- Mới đây người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là bà Khương Du đã tuyên bố tàu hải giám của họ chỉ thực hiện những nhiệm vụ bình thường. Ý của bà này muốn nói tới đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự đặt ra vào năm 2009 để ngụy biện cho hành động của tàu hải giám. Trong trường hợp này thì Việt Nam phải đối phó như thế nào? 

+ Để đối phó, chúng ta phải phản đối trên tất cả các diễn đàn mà chúng ta có thể làm được. Trước đây tôi cũng đã đưa ra đề nghị là chúng ta phải nên nghĩ tới chuyện kiện ra các tòa án quốc tế. Nhưng phải nói thêm rằng việc kiện ra tòa sẽ có những vấn đề khó khăn.

Thứ nhất, khi ra tòa thì chúng ta sẽ kiện ra Tòa án Quốc tế về luật biển theo công ước 1982. Tòa án này trực tiếp giải quyết những tranh chấp về những điều, những quy định trong luật biển. Hoặc là Việt Nam có thể đưa ra một tòa án trọng tài nào đó để họ có biện pháp phân xử. Thế nhưng cái khó nhất là Trung Quốc vẫn đang từ chối việc ra tòa án quốc tế, mà các tòa án quốc tế nói chung đều phải có sự chấp thuận của cả hai bên, cho nên đấy là điều khó. Vì vậy chúng ta phải tìm mọi diễn đàn để đưa vấn đề này ra và kéo dư luận quốc tế vào phản đối vấn đề đó. 

- Nếu Trung Quốc cương quyết không chịu tham gia phiên tòa thì Việt Nam còn có cách nào khác để đánh động với các nhà làm luật quốc tế?

+ Hiện bây giờ điều đó chưa thể xảy ra! Bởi vì Trung Quốc đã khước từ khi bị đưa ra tòa án. Thứ hai, nếu đem ra Hội đồng Bảo an có lẽ Việt Nam có thể đánh động cho Hội đồng Bảo an, nhưng điều này cũng khó vì Trung Quốc là thành viên thường trực nên họ sẽ phủ quyết. Tuy nhiên ở đây vấn đề quan trọng nhất là gì? Đó là công luận thế giới. Toàn bộ công luận thế giới và những người yêu chuộng hòa bình, công bằng công lý sẽ nhận biết được vấn đề và đấy cũng là một sức mạnh rất lớn.

- Một lần nữa xin cám ơn Thạc sĩ Hoàng Việt đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi.

Đài Ôxtrâylia gần đây cũng đã có cuộc phỏng vấn Thạc sĩ Hoàng Việt. Sau đây là nội dung chi tiết

- Những hành động mới đây của Trung Quốc cho thấy có vẻ họ muốn bước thêm một bước dài trong tranh chấp ở biển Đông. Thạc sĩ nhận định thế nào về điều này?

+ Những hành động của Trung Quốc gây căng thẳng trên biển Đông vừa rồi không phải là ngẫu nhiên mà nằm trong một chuỗi hành động được tính toán từ rất lâu của họ. Với tham vọng vươn ra đại dương, Trung Quốc đã hình dung ra hai chuỗi đảo chính, trong đó biển Đông nằm trong chuỗi đảo số 1, như là cửa ngõ để Trung Quốc có thể vươn ra chuỗi đảo số 2, dần dần thống trị Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Để độc chiếm biển Đông, họ đưa ra “đường lưỡi bò”, công khai từ năm 2009 và nhanh chóng bị hầu hết các nước trong khu vực biển Đông phản đối, chỉ ra sự vô lý của nó. Thiếu cơ sở pháp lý, nhưng Trung Quốc vẫn cứ muốn dùng sức mạnh quân sự của mình để duy trì “đường lưỡi bò” trên thực tiễn.

Mới đây, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đến hai nước Inđônêxia và Philíppin, không rõ là các bên có trao đổi gì không, nhưng hành động của Trung Quốc bắt đầu cứng rắn hơn rất nhiều. Năm 1992, Trung Quốc từng cấp phép cho một công ty của Mỹ khai thác dầu ở bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, nhưng phải rút khi Việt Nam phản đối mạnh. Thì đến bây giờ, vụ tàu Bình Minh cũng gần giống như thế, vì nơi tàu bị cắt cáp cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, mà theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 thì Việt Nam có toàn quyền khảo sát, thăm dò, khai thác các tài nguyên.

- Bước đi kế tiếp của Trung Quốc có thể là gì, thưa ông?

+ Một điều phía Việt Nam cần cẩn trọng là Trung Quốc, sau những hành động xâm lấn, có thể đưa ra cái bẫy “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Thế nhưng lại cùng khai thác ở ngay trong thềm lục địa, trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam mà hiển nhiên mình phải có toàn quyền khai thác. Đặc biệt là hiện tại Việt Nam và Trung Quốc lại đang đàm phán ở cấp thứ trưởng ngoại giao về nguyên tắc giải quyết chung đối với tranh chấp trên biển. Tôi nghĩ các hành động hung hăng của Trung Quốc có lẽ sẽ còn tiếp diễn rất nhiều, đây mới chỉ là khúc dạo đầu thôi. 

- Ông đánh giá thế nào về những phản ứng của nhà nước Việt Nam trước các động thái của Trung Quốc mấy ngày qua? 

+ Tôi nghĩ phản ứng của nhà nước Việt Nam rất kịp thời và cũng thẳng thắn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga còn tuyên bố hải quân Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ chủ quyền. Điều này tôi rất đồng ý, chúng ta không muốn sử dụng biện pháp chiến tranh nhưng chúng ta phải bằng mọi cách bảo vệ cái gì thuộc về chúng ta. Tuy nhiên, Việt Nam trong vụ tàu Bình Minh cũng có chút bị động. Chúng ta nên nhận thức rằng hành động của Trung Quốc là nằm trong một chuỗi tính toán như thế và cần chủ động hơn trong cách đối phó.

- Theo dõi các động thái của Việt Nam thì có vẻ có một sự thay đổi lớn trong phản ứng với Trung Quốc, chẳng hạn như báo chí được phép đưa tin rộng rãi hơn?

+ Cũng không hẳn là thay đổi lớn mà là đã đến lúc không thể không làm được. Nếu không lên tiếng thì mọi chuyện sẽ trôi qua, sẽ thành tiền lệ, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới. Khi sự xâm phạm của Trung Quốc ở mức nghiêm trọng như vậy thì buộc phía Việt Nam phải có phản ứng mạnh thôi.

- Theo ông, Việt Nam cần có thêm những bước đi nào nữa trong việc đối phó với các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông?

+ Trước mắt là Việt Nam phải có những động thái để kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN. Các nước ASEAN mà cùng lên tiếng mạnh thì có lẽ thái độ của Trung Quốc cũng sẽ thay đổi. Bởi nếu cứ để diễn biến thế này, Trung Quốc vẫn cố tình tiếp tục như thế và Việt Nam bằng mọi giá bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình thì tương lai về một cuộc xung đột quân sự là điều khó tránh. Mà chiến tranh thì chẳng bên nào có lợi, kể cả Trung Quốc.

Đồng thời, một điều rất quan trọng bây giờ là Việt Nam phải nhanh chóng ban hành luật biển, phải luật hóa, quy định rõ những vùng biển nào của ta và cách hành xử để khi bị xâm phạm thì lực lượng cảnh sát biển sẽ dễ xử lý. Luật biển Việt Nam soạn thảo đến 13 năm nay vẫn chưa đưa ra Quốc hội để thông qua, trong khi các quốc gia khác xung quanh đã có cả rồi.

- Theo báo Sài Gòn Tiếp thị, mới đây tại Quảng Ngãi đã có xã thành lập đội dân quân biển chia nhóm hoạt động trên các tàu đánh cá, có thể “độc lập chiến đấu” trong một số tình huống. Theo ông, điều này có nên không? 
+ Khó lắm, cái này phải nghiên cứu kỹ lại. Nó có thể gây nguy hiểm thêm cho ngư dân. Khi bị bắt, ngư dân không có súng có thể còn được đối xử bình thường, có súng thì có khi lại bị quy cho là hải tặc, làm mọi chuyện phức tạp hơn. Còn tàu cá của ngư dân thì không thể nào mà so sánh với các tàu hải giám hay tàu quân sự trang bị hiện đại của Trung Quốc được.

- Thưa ông, liệu chúng ta có thể nói tình hình căng thẳng Biển Đông đã bước sang một giai đoạn mới gay cấn hơn không? 

+ Như tôi đã nói thì các hành động hung hăng của Trung Quốc có lẽ sẽ còn tiếp diễn phức tạp hơn nữa. Từ đầu năm, tôi đã tiên lượng rằng khả năng khoảng tháng 5 thể nào cũng căng thẳng, vì hàng năm Trung Quốc vẫn đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông từ ngày 16/5. Năm nào các hành động của Trung Quốc cũng thường bắt đầu gia tăng vào tháng 5, gây nên căng thẳng dai dẳng giữa hai bên. Những hành động của Trung Quốc chắc chắn không phải là cuối cùng, đó chỉ là những hành động nối tiếp có tính toán trong một chuỗi các hành động của Trung Quốc để làm cho các quốc gia khác công nhận “đường lưỡi bò” họ đưa ra. Tình hình sẽ còn căng thẳng hơn nữa.

NCBĐ (tổng hợp)