Bài báo trên cho rằng một cuộc đối đầu trên biển ngày càng phức tạp đang hình thành trên Biển Đông, với những tác động to lớn đối với các công ty quốc tế quan tâm đến thăm dò khai thác nguồn tài nguyên dầu khí ngoài khơi. Việt Nam đang nổi lên như người “đứng mũi chịu sào” thay cho các bạn hữu khác trong ASEAN có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.

Khai thác dầu khí ngoài khơi là hình thức khai thác năng lượng hóa thạch đòi hỏi nhiều vốn nhất. Nhưng chi phí cao cũng tạo điều kiện cho các công ty phương Tây, với công nghệ tiên tiến, giành được phần lớn các hợp đồng béo bở trước các đối thủ thuộc thế giới thứ ba ngay trên vùng biển của họ. Bởi, các đối thủ này không có khả năng về công nghệ cũng như nguồn tài chính để khai thác các "mỏ vàng" trên biển.

Vì vậy, hầu hết chính phủ các nước thuộc thế giới thứ ba đều cố gắng có được một thỏa thuận song phương tốt nhất với các công ty nước ngoài, để có thể được nếm một phần nguồn lợi từ việc khai thác vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trên biển.

Theo thống kê của Chính phủ Mỹ, ngành công nghiệp dầu khí hiện đang mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Việt Nam. Kể từ khi lô dầu đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu hồi tháng 4/1987, dầu thô đã mang về hơn 17 tỷ USD cho nền kinh tế (tất cả đều là nguồn dầu khai thác ngoài khơi). Việt Nam hiện là nước sản xuất dầu thô lớn thứ ba ở châu Á sau In-đô-nê-xia và Ma-lai-xia.

Việt Nam đã nổi lên như chàng David gan dạ chống lại người khổng lồ Goliath Trung Quốc trong cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Cuộc đối đầu bùng nổ vào ngày 26/5, khi ba tàu tuần tra Trung Quốc phá hoại hoạt động thăm dò địa chấn của Việt Nam ở vùng biển mà Việt Nam tuyên bố nằm trong EEZ của mình, bởi vị trí thăm dò địa chấn chỉ cách đất liền của Việt Nam 80 dặm và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới 375 dặm. Sau một sự việc khác, vào ngày 13/6, Hải quân Việt Nam đã tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở trên biển, cách bờ biển Quảng Nam 25 dặm. Động thái này được các nhà phân tích cho là nhằm đối phó với Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc có tiềm lực hải quân lớn hơn, song Trung Quốc đang rơi vào cái bẫy do chính nước này tạo ra. Thái độ và hành động hung hăng của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có thể đẩy một số thành viên ASEAN xích lại gần Mỹ hơn.

 

Theo Oilprice

Vũ Hiền (gt)