Thứ nhất, Trung Quốc cần học bảo vệ chủ quyền biển và lợi ích kinh tế từ cuộc tranh chấp này. Từ lịch sử cận đại cho tới giữa thế kỷ trước, triều đình nhà Thanh, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều tuyên bố rõ có chủ quyền đối với vùng biển và các đảo bãi ở Biển Đông, các nước khác cũng không có ý kiến gì khác. Tuy nhiên về sau, cùng với sự phát triển kinh tế, nguồn tài nguyên dầu khí dưới đáy biển được thăm dò, nhiều nước Đông Nam Á đua nhau tuyên bố “chủ quyền” ở Biển Đông, tạo ra cuộc tranh chấp chủ quyền mà cơ sở của nó là tranh cướp tài nguyên. Đối với vấn đề này, Trung Quốc đã đưa ra mô hình “chủ quyền thuộc về ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”; chủ trương tiến hành hội đàm song phương để từng bước giải quyết tranh chấp; năm 2002, Trung Quốc còn cùng các nước ASEAN ký "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)" yêu cầu giữ nguyên hiện trạng về mặt lãnh thổ, các bên không được chiếm thêm các đảo bãi không có người…

Tuy nhiên, một số nước không coi trọng các nguyên tắc trên, chiếm lĩnh và khai thác trước rồi mới tuyên bố. Có thể thấy, các nguyên tắc và biện pháp hiện hành không đủ để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong tương lai, ngoài các nguyên tắc và biện pháp đã đưa ra, Trung Quốc cũng cần nghiên cứu Luật Quốc tế nhiều hơn nữa (cũng cần chú ý đến tính hạn chế của Luật Quốc tế), chế định bộ luật tương ứng để bảo vệ chủ quyền của mình, đồng thời cần chú trọng áp dụng các hành động khai thác thực tế (tăng cường thăm dò, khai thác dầu, đánh bắt cá…), thể hiện thực lực và quyết tâm bảo vệ chủ quyền (như tập trận). Cần có nhận thức rõ ràng rằng phải dùng các biện pháp tổng hợp để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hải dương.

Thứ hai, Trung Quốc cũng có thể tìm kiếm cách xử lý quan hệ với các nước xung quanh qua cuộc tranh chấp này. Các nước xung quanh Trung Quốc chủ yếu là nước nhỏ, trong đó có một số nước khi xuất hiện tranh cãi thường khơi lên tranh chấp. Sau khi khơi lên tranh chấp lại tìm kiếm sự đồng tình của dư luận quốc tế và thường có hiệu quả. Xử lý mối quan hệ như vậy, đối với Trung Quốc quả không dễ, song lại rất quan trọng. Tới đây, Trung Quốc sẽ còn gặp nhiều tình huống tương tự, nếu xử lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh “có trách nhiệm” của Trung Quốc.

Thứ ba, qua sự kiện này, Trung Quốc cần xem xét mối quan hệ Trung-Mỹ trong phạm vi toàn cầu và từ nhiều góc độ tổng hợp. Một số nước Đông Nam Á nhỏ bé dám gây ra tranh chấp, một trong những nguyên nhân quan trọng là họ có thể có sự hậu thuẫn của Mỹ. Điều này lần nữa cho thấy, Trung Quốc nếu muốn trỗi dậy, tất sẽ phải bắt gặp hình ảnh của Mỹ ở mọi nơi. Điều này không có gì là lạ, là siêu cường duy nhất hiện nay, Mỹ xuất phát từ lợi ích của mình, từ hình thái ý thức, từ quan niệm giá trị… phải cảnh giác đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nguy cơ Trung-Mỹ đối kháng trực tiếp là rất lớn, do đó, Trung Quốc một khi có tranh chấp với các nước ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới đều sẽ được Mỹ coi là cơ hội để kiềm chế Trung Quốc. Do vậy, xét từ phương diện này, nhân tố Mỹ trong vấn đề Biển Đông thực tế là một “bản mẫu” mà Trung Quốc cũng sẽ gặp phải ở các khu vực khác. Đây là vấn đề cần phải giải quyết.

Bài báo kết luận, trong thế giới hiện nay, cạnh tranh là cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia, bao gồm cả sức mạnh mềm. Biển Đông sẽ là một vấn đề lâu dài, không thể giải quyết nhanh gọn bằng một cuộc chiến với sự “nhiệt huyết của binh sĩ”. Kiên trì biện pháp hòa bình, đề cao giải quyết bằng chính trị không phải là hèn yếu; động một chút là phản ứng gay gắt, muốn dùng vũ lực để giải quyết cũng không phải là thể hiện sức mạnh. Đối với vấn đề phức tạp này, Trung Quốc cần kiên nhẫn nghiên cứu, cần xuất phát từ bối cảnh trỗi dậy to lớn để tìm ra con đường có lợi.

 

Theo Dương Thành vãn báo

 Hương Trà (gt)