Năm 2012, khi AMM lần đầu tiên vòng trong 45 năm không ra được tuyên bố chung, nhiều người đã nhanh chóng đổ lỗi cho Campuchia, cáo buộc ban lãnh đạo nước chủ nhà đặt lợi ích của họ lên trên sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Thất bại này đã tác động đến quan hệ giữa Campuchia và các nước láng giềng, đặc biệt là Philippines. Đại sứ Campuchia tại Manila cũng bị triệu hồi về nước sau khi có bình luận tranh cãi về Philippines và Việt Nam. Nguyên nhân của thất bại phần lớn được cho là bởi ASEAN đã không thể nhất trí về ngôn từ trong tuyên bố chung liên quan đến tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc với bãi cạn Scarborough. 

Trên thực tế, đây chỉ là một khía cạnh của những thay đổi chưa từng có trong trật tự khu vực và thế giới. Cáo buộc nhằm vào Campuchia là thổi phồng và không giải quyết được các vấn đề cơ bản mà ASEAN phải đối mặt với tư cách một khối. Lý do Campuchia bị chỉ trích là bởi sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc về kinh tế ngày càng tăng. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã đưa hàng tỷ USD viện trợ, cho vay và đầu tư vào Campuchia, trở thành nhà đầu tư lớn nhất của nước này. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Campuchia được xem là có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc. Họ luôn ủng hộ Trung Quốc trong một số vấn đề, trong đó có cả chính sách "Một Trung Quốc". 

Tất nhiên, Campuchia không phải ngoại lệ. Nhiều nước ASEAN cũng hướng đến Bắc Kinh để tìm kiếm phần chia của mình trong các sáng kiến mới cho khu vực của Trung Quốc. Tháng 11/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố thiết lập chiến lược Con đường Tơ lụa mới trị giá 40 tỷ USD và một Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) trị giá 50 tỷ USD. Vì thế, vẫn có khả năng AMM năm 2012 sẽ kết thúc không mấy khác biệt nếu một nước ASEAN khác làm Chủ tịch. Tất nhiên, Campuchia nên xử lý vấn đề hiệu quả hơn và tìm một giải pháp chấp nhận được cho tất cả các bên liên quan. Việc không đưa ra được tuyên bố chung đã hủy hoại hình ảnh của nước này và đẩy Phnom Penh vào tình thế không mấy dễ chịu với các nước láng giềng. 

Là nước nhỏ và nghèo, Campuchia không muốn về phe nào trong các tranh chấp khu vực và quốc tế. Nếu có thể lựa chọn, Phnom Penh sẽ đứng trung lập. Nước này luôn giữ được quan điểm đó với các tranh chấp khác, không chỉ ở Biển Đông. Chẳng hạn, căng thẳng gia tăng giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã đẩy Campuchia vào tình thế khó khăn. Khi Thủ tướng Hun Sen gặp người đồng cấp Nhật Bản bên lề Hội nghị kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản vào tháng 12/2013, ông đã nhắc lại quan điểm trung lập này. Chính phủ Campuchia cũng truyền tải thông điệp tương tự đến chính phủ Trung Quốc. 

Campuchia dự kiến sẽ có cách tiếp cận tương tự với giải pháp cho tranh chấp trên Biển Đông. Phnom Penh ủng hộ mạnh mẽ việc xuống thang xung đột giữa các bên tranh chấp để tránh gây nguy hiểm cho hòa bình và gián đoạn hoạt động thương mại khu vực và quốc tế. Những vụ va chạm gần đây giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam đã tạo ra mối quan ngại an ninh nghiêm trọng. 

Hành động đơn phương của các bên tranh chấp không nhất thiết giúp họ có ưu thế trong tranh chấp trên biển, thay vào đó càng khiến các cuộc đàm phán trong tương lai trở nên khó khăn hơn. Tệ hơn, hoạt động xây dựng quân đội và triển khai lực lượng trên Biển Đông hiện tại có thể dẫn đến nguy cơ tính toán sai lầm. Điều quan trọng cần lưu ý là những tranh chấp này không thể giải quyết bằng vũ lực. 

Hơn nữa, Trung Quốc nhấn mạnh đến việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương. Bắc Kinh đã nổi giận khi Philippines đưa vụ việc ra Tòa án Trọng tài Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), cho rằng hành động đơn phương như vậy sẽ chỉ làm leo thang tình hình. Tuy nhiên, đây là việc làm có nhiều ý nghĩa với các nước nhỏ như Philippines, sử dụng luật pháp quốc tế làm phương tiện giải quyết tranh chấp. Vấn đề là ngay cả khi tòa án quyết định có lợi cho Manila, Trung Quốc có thể không tuân thủ, dù điều này có nghĩa là lợi ích của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. 

Theo quan điểm của Campuchia, một giải pháp bền vững cho các tranh chấp cần phải thông qua đàm phán song phương, với các tổ chức khu vực như ASEAN, và cộng đồng quốc tế đảm nhận vai trò trung gian và hỗ trợ các nước nhỏ để tăng khả năng thương lượng. Một Philippines đơn độc sẽ không thể có thỏa thuận công bằng với đối tác đàm phán hùng mạnh hơn như Trung Quốc. 

"Tin tốt" là bất kỳ leo thang xung đột nào cũng không có lợi cho Trung Quốc. Phải thừa nhận rằng, Trung Quốc đã cố gắng rất nhiều để đảm bảo rằng sự trỗi dậy để trở thành cường quốc toàn cầu họ không phải mối đe dọa mà là cơ hội thịnh vượng chung. Hơn nữa, Trung Quốc hiểu sâu sắc rằng việc nước này tự biến mình thành kẻ thù của các nước trong khu vực sẽ chỉ khiến Mỹ được lợi, trong bối cảnh Mỹ cũng đang tìm cách duy trì ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương. 

Những gì Campuchia và các nước thành viên ASEAN khác cần làm là thúc đẩy việc tạo ra kênh đối thoại. ASEAN đã đúng khi giúp các bên tranh chấp tiến tới Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Dù đến nay COC vẫn chưa tiến triển, song đây là con đường hứa hẹn nhất cho một giải pháp hòa bình. Quan trọng hơn, tất cả các bên tranh chấp cần ngừng mọi hành động đơn phương có thể hủy hoại tiến trình này. Những gì cần thiết bây giờ là một ASEAN vững mạnh và đoàn kết, có thể đại diện hiệu quả cho tiếng nói của các thành viên.

Phoak Kung, đồng Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Campuchia. Bài viết được đăng trên RSIS.

Văn Cường (gt)