Theo nội dung bài báo, nhận thức chung lớn nhất xung quanh vấn đề cải cách hiện nay là "đã đến lúc buộc phải cải cách”. Hàm nghĩa “bắt buộc” trong khái niệm “buộc phải cải cách” ở Trung Quốc hiện đang tồn tại những cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng Trung Quốc hiện “đang phải đối mặt với nguy cơ nên buộc phải cải cách". Còn theo những ý kiến khác, quan điểm "buộc phải cải cách" chỉ là lôgic nội tại trong vấn đề tiếp tục phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc. Bài báo cho rằng xã hội Trung Quốc đang có nhiều tranh luận khác nhau về các vấn đề như “cải cách cái gì” và “cải cách như thế nào”, trong đó ý kiến tranh cãi lớn nhất tập trung vào vấn đề cải cách thể chế chính trị cũng như việc đặt câu hỏi "cải cách thể chế chính trị là gì?" Khái niệm cải cách thể chế chính trị chính thống do chính quyền đưa ra ít đề cập đến các nội dung cụ thể. Một số học giả cho rằng cải cách thể chế hành chính mà Trung Quốc đang không ngừng đẩy mạnh chính là bộ phận cấu thành quan trọng của cải cách chính trị. Tuy nhiên, một số người khác lại cho rằng vấn đề cốt lõi của cải cách chính trị nằm ở chỗ thay đổi cơ chế hình thành quyền lực. Do đó, cải cách chính trị đồng nghĩa với việc đẩy mạnh vai trò cũng như tác dụng của việc bỏ phiếu bầu cử trong đời sống chính trị, với mục tiêu cuối cùng là xây dựng một chế độ chính trị dân chủ giống phương Tây tại Trung Quốc. Một bộ phận không nhỏ khác trong xã hội, mặc dù chưa nghiên cứu kỹ về cải cách chính trị, nhưng đại thể cho rằng “phát triển dân chủ” cùng các nội dung cải cách liên quan là những vấn đề thuộc về cải cách chính trị. Đối với họ, chính phủ chấp nhận nhiều hình thức giám sát, từng bước đa dạng hóa dư luận cũng như việc xây dựng chế độ chất vấn trách nhiệm đối với quan chức… ít nhiều đều liên quan đến cải cách chính trị.

Nội dung bài báo nhấn mạnh tranh cãi xung quanh việc “cải cách hay không cải cách” tại Trung Quốc hiện nay kéo theo nhiều chủ đề khác, ảnh hưởng đến cảm nhận về cải cách kinh tế cũng như các lĩnh vực xã hội. Mặc dù các ý kiến tranh cãi cụ thể rất nhiều, song quan điểm cho rằng nên xây dựng quốc gia hiện đại hóa mang màu sắc chính trị Trung Quốc vẫn là ý kiến chủ lưu, chiếm phần lớn so với chủ trương mô phỏng con đường của các nước Âu-Mỹ, phương Tây hóa chế độ chính trị. Những người theo dòng ý kiến chủ lưu kể trên bao gồm đại đa số dân chúng, đại đa số nhân tài kinh tế và chính trị, cùng phần tử trí thức của Trung Quốc. Bên cạnh đó, trong số những người chủ trương “Tây hóa” một cách triệt để thì các phần tử trí thức chiếm tỷ lệ tương đối lớn so với các tầng lớp quần chúng khác. Tương tự, cũng tồn tại những cách nhìn nhận khác nhau về biện pháp cải cách cơ bản trong tương lai của Trung Quốc. Tuy nhiên, dòng ý kiến chủ lưu đang ngày càng thể hiện một cách rõ ràng, đó chính là việc ủng hộ phương thức cải cách từng bước và phản đối cải cách cấp tiến. Sở dĩ hình thành ý kiến tập thể này chủ yếu là do người Trung Quốc nhìn thấy các kết quả khác nhau của việc cải cách từng phần tại nước mình và cải cách cấp tiến ở Liên Xô (trước đây). Hơn nữa, tất cả các loại “cách mạng” diễn ra trong những năm gần đây cho đến tận bây giờ vẫn chưa chứng minh được với nhân dân thế giới lợi ích cũng như mặt tốt của chúng. Bài báo kết luận: Trung Quốc đang phát triển rất nhanh, nhưng tương lai hiển nhiên không thể chỉ là sự mở rộng nguyên trạng vì nó không phù hợp cả về tài nguyên, mô hình kinh tế cũng như ngoại giao. Cải cách chính trị trở thành bắt buộc, nhưng cải cách như thế nào sẽ là điều đáng phải quan tâm./.

Theo Globaltimes (ngày 27/2)

Mỹ Anh (gt)