Những bình luận của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN gần đây nhấn mạnh đến sự thiếu hiệu quả của đối thoại Mỹ-Trung về tự do hàng hải. Đáp lại lời kêu gọi về tự do hàng hải không bị cản trở trên những vùng biển quốc tế, Vương Nghị cho rằng tình hình hiện nay tại Biển Đông cơ bản vẫn ổn định và không có vấn đề gì với tự do hàng hải. Tuy nhiên, điều không rõ ràng trong nhận xét của ông Vương Nghị là cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc không liên quan đến tự do hàng hải của các tàu thương mại mà là các tàu quân sự.

Theo cách giải thích của Bắc Kinh về Công ước luật biển (UCLOS) của Liên Hợp Quốc, các hoạt động quân sự trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước - mở rộng đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở - là bị ngăn cấm. Washington lập luận rằng đây là cách giải thích lệch lạc và đa số các nước trên thế giới ủng hộ quan điểm của Mỹ. Chỉ có khoảng vài chục nước công khai đồng ý với cách giải thích của Trung Quốc.

Có nhiều phương diện tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng vấn đề các hoạt động quân sự trong vùng EEZ tạo ra mâu thuẫn lớn nhất. Tranh cãi này là nguồn gốc của phần lớn các va chạm giữa hai nước tại khu vực. Sau khi tuyên bố khu vực nhận diện phòng không tại biển Hoa Đông vào 2013, Bắc Kinh dường như đang tìm cách kiểm soát chủ quyền đối với cả bầu trời và điều này có thể tạo ra cả sự đối đầu trên không giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, trong khi Mỹ bảo vệ quyền tiến hành các hoạt động quân sự trong những cuộc khủng hoảng gần đây, Washington lại ngần ngại nêu vấn đề này thường xuyên, thay vào đó đưa ra lời kêu gọi mơ hồ về “tự do hàng hải”. Lý do có thể do Mỹ thiếu sự ủng hộ tại khu vực đối với quan điểm của mình. Các nước như Việt Nam, Philipines, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản đều bảo lưu về quyền các tàu quân sự nước ngoài hoạt động trong vùng EEZ của họ. Trong khi các nước này đều ủng hộ mạnh mẽ UNCLOS và nghi ngờ tính pháp lý của các tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc, họ lại chủ yếu im lặng về vấn đề EEZ. Điều này làm tăng thêm giá trị đối với tuyên bố gần đây của Vương Nghị rằng Mỹ là nước ngoài khu vực và có chính sách không được thừa nhận bởi các nước khác.

Lợi hại của cuộc tranh cãi này là rõ ràng. Trước hết, trong khi tự do đi lại của các tàu quân sự trong EEZ rõ ràng góp phần vào ưu thế toàn cầu của hải quân Mỹ, nó cũng giúp bảo đảm an ninh giao thương cho các chủ thể nhà nước và phi nhà nước. Thứ hai, để bất kỳ luật nào có hiệu quả, nó cần phải được rõ ràng. Thứ ba, tự do tại biển quốc tế là quan trọng trong việc đạt được sự ổn định trong quan hệ giữa các cường quốc.

EU, với tư cách là khối kinh tế lớn nhất thế giới, được hưởng lợi ích từ tự do ở biển quốc tế giống như Mỹ và có lợi ích bảo vệ điều này. Mỹ có thể đạt được bất kỳ mục tiêu an ninh nào tại Đông Á thông qua sức mạnh quân sự, nỗ lực ngoại giao và các nguồn lực kinh tế. Nhưng Mỹ không thể định hình các chuẩn mực toàn cầu một mình. Tự do tại biển quốc tế là một chuẩn mực cần đạt được thông qua sự công nhận quốc tế chứ không phải là nỗ lực của một nước. Đây là vai trò mà các đối tác có cùng suy nghĩ như Mỹ, trong đó có Châu Âu, nên đóng góp. Châu Âu có thể tham gia theo nhiều cách như: mời các cường quốc mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ tham gia đóng vai trò bảo đảm an ninh lớn hơn tại những vùng biển chung, chẳng hạn chống cướp biển, cứu trợ thảm họa, sơ tán thường dân...; can dự thảo luận với Trung Quốc về mong muốn của nước này đối với một hệ thống biển kín. Chính một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã đề cập tại Đối thoại Shangri La 2014 rằng “tự do hàng hải là quan trọng với Trung Quốc”; và quan trọng nhất, Châu Âu phải công khai hỗ trợ cho tự do hoạt động quân sự tại vùng EEZ.

 

Theo The National Interest

Trần Quang (gt)